Lắng nghe cố giáo sư Stephen Hawking giảng giải những câu hỏi lớn về vũ trụ, giản dị đến mức học sinh cũng hiểu được

14/03/2018 15:05 PM | Sống

Nếu bạn chỉ mới nghe danh Stephen Hawking, nhưng chưa bao giờ được nghe ông giảng bài, thì đây là cơ hội để bạn tìm hiểu những ý tưởng của nhà khoa học lỗi lạc này.

Năm 2008, trong một hội nghị của TED, cố giáo sư Stephen Hawking đã có một bài giảng tuyệt vời về những câu hỏi lớn mà về vũ trụ của chúng ta đang sống. Ông đi vào trình bày ba câu hỏi vẫn ám ảnh nhân loại từ xưa đến nay:

1. Vũ trụ bắt nguồn như thế nào?

2. Cuộc sống được khởi sinh ra sao?

3. Liệu chúng ta có thực sự cô đơn trong vũ trụ này

Nếu bạn chưa từng có cơ hội đọc các cuốn sách của ông, thì đây là dịp để bạn lắng nghe vị thiên tài đầy nghị lực này cố gắng trả lời những câu hỏi phức tạp bằng ngôn ngữ vô cùng giản dị. Dưới đây là phần trình bày của ông.

"Không có gì lớn hơn hoặc lâu đời hơn vũ trụ. Các câu hỏi mà tôi muốn thảo luận bao gồm: Một, chúng ta từ đâu tới? Vũ trụ đã ra đời như thế nào? Chúng ta có đơn độc trong vũ trụ không? Có người ngoài hành tinh không? Tương lai của nhân loại là gì?

Cho tới thập niên 20 của thế kỷ XX, mọi người đã nghĩ rằng vũ trụ là bất biến và không thay đổi theo thời gian. Sau đó thì chúng ta biết được vũ trụ đang mở rộng. Những dải thiên hà đang chuyển động ra xa chúng ta. 

Điều này có nghĩa là trong quá khứ chúng đã nằm gần nhau hơn. Nếu áp dụng ngoại suy, chúng ta nhận ra rằng chúng đã từng nằm chồng lên nhau vào khoảng 15 tỉ năm về trước. Đó là Big Bang, sự khởi nguồn của vũ trụ.

Nhưng liệu có thứ gì trước Big Bang hay không? Nếu không, thứ gì đã tạo nên vũ trụ? Tại sao vũ trụ lại xuất phát từ Big Bang như cái cách nó đã xuất hiện? Chúng ta từng nghĩ rằng lý thuyết của vũ trụ có thế được chia thành 2 phần. Phần đầu, có những quy luật như phương trình Maxwell và thuyết tương đối xác định sự tiến hóa của vũ trụ, dựa vào trạng thái ở khắp mọi nơi của vũ trụ trong cùng một thời điểm. Thứ hai, chưa có câu hỏi nào về trạng thái khởi điểm của vũ trụ.

Chúng ta tiến triển tốt phần thứ nhất, và đã có kiến thức về những quy luật của sự tiến hóa trong mọi trường hợp trừ điều kiện thái cực. Nhưng mãi cho tới gần đây, chúng ta có rất in thông tin về những điều kiện khởi điểm của vũ trụ. Tuy nhiên, sự phân tách giữa các quy luật tiến hóa và các điều kiện khởi điểm dựa vào sự phân cách của không gian thời gian. 

Trong những điều kiện cực độ, thuyết tương đối và thuyết lượng tử cho phép thời gian trở thành một chiều khác của không gian. Điều này loại bỏ sự phân cách không gian thời gian và có nghĩa là các quy luật tiến hóa có thể quyết định trạng thái khởi điểm. Vũ trụ có thể đột ngột tự tạo ra nó từ chẳng có gì cả.

Hơn thế nữa, chúng ta có thể tính đến một khả năng rằng vũ trụ được tạo nên từ các trạng thái khác nhau. Những dự đoán này trùng khớp với những quan sát từ vệ tinh WMAP về nền sóng siêu vi của vũ trụ, một dấu ấn từ vũ trụ non trẻ. Chúng ta cho rằng chúng ta đã tìm ra lời giải cho bí ẩn về sự sáng thế. Có lẽ chúng ta nên bảo vệ quyền sở hữu vũ trụ và tính thuế mọi người vì chính sự tồn tại của họ.

Giờ tôi sẽ tập trung vào câu hỏi thứ hai: Chúng ta có đơn độc không, hay vẫn còn sự sống khác trong vũ trụ? Chúng ta tin rằng sự sống bắt nguồn tự nhiên trên Trái đất, nên nó cũng có thể hiện hữu trên những hành tinh thích hợp khác, có một con số lớn những hành tinh như vậy trong dải ngân hà.

Nhưng chúng ta không biết sự sống bắt nguồn như thế nào. Chúng ta có hai mẫu bằng chứng quan sát về xác suất xuất hiện của sự sống. Thứ nhất là hỏa thạch tảo bẹ từ 3.5 tỉ năm trước. Trái đất hình thành từ 4.6 tỷ năm trước và có lẽ đã quá nóng trong suốt nửa tỷ năm đầu tiên.

Vậy sự sống bắt đầu trên trái đất trong vòng nửa tỷ năm là có thế, một khoảng thời gian ngắn so với vòng đời 10 tỷ năm của một hành tinh dạng như Trái đất. Điều này cho thấy rằng xác suất xuất hiện sự sống là tương đối cao. Nếu nó quá nhỏ, có thể sự hình thành sự sống sẽ chiếm hầu hết 10 tỷ năm.

Mặt khác, chúng ta không có vẻ gì bị người ngoài hành tinh ghé thăm. Tôi không tính đến các báo cáo về UFO (Vật thể bay không xác định). Tại sao chúng chỉ xuất hiện trước mắt lũ dở hơi lập dị? Nếu có một âm mưu của chính phủ để ngăn chặn các báo cáo và giữ riêng các kiến thức khoa học của người ngoài hành tinh, nó dường như là một chính sách không mấy hiệu quả.

Hơn nữa, mặc dù đã có một cuộc tìm kiếm kéo dài của dự án SETI, chúng ta vẫn chưa được xem chương trình đố vui ngoài hành tinh nào. Điều này cho thấy chưa có nền văn minh ngoài hành tinh nào đạt tới trình độ phát triển của chúng ta trong bán kính vài trăm năm ánh sáng. Phát hành chính sách bảo hộ chống việc bị bắt cóc bởi người ngoài hành tinh là một giải pháp an toàn.

Điều này dẫn tới câu hỏi cuối trong những câu hỏi lớn: Tương lai nhân loại. Nếu chúng ta là những sinh vật tinh khôn duy nhất trong thiên hà, chúng ta cần đảm bảo chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng chúng ra đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm trong lịch sử loài người. 

Dân số và sự lạm dụng các tài nguyên giới hạn của Trái đất đang phát triển theo cấp số nhân, cùng với các năng lực kỹ thuật để thay đổi môi trường thành tốt hoặc xấu. Nhưng mã di truyền của chúng ta vẫn có những bản năng ích kỷ và hung hăng mà đã giúp chúng ta tồn tại trong quá khứ. Khó có thể tránh được thảm họa trong vài trăm năm tới, chưa kể tới vài nghìn hoặc vài triệu.

Cơ hội duy nhất của chúng ta để tồn tại lâu dài là không chỉ núp mình trên trái đất, mà là vươn ra không gian. Những câu trả lời cho những câu hỏi lớn cho thấy chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong vài trăm năm qua. Nhưng nếu chúng ta muốn tiếp tục tồn tại trong hơn vài trăm năm tới, tương lai của ta nằm trong không gian. Vì vậy tôi ủng hộ những chuyến bay cá nhân vào không gian.

Cả đời tôi đã dành để cố gắng nắm bắt vũ trụ và tìm những câu trả lời cho những câu hỏi này. Tôi rất may mắn vì khuyết tật của tôi không qua nghiêm trọng; quả thât, nó đã cho tôi nhiều thời gian hơn hầu hết mọi người để theo đuổi tri thức. Đích đến cuối cùng là một lý thuyết tổng thể về vũ trụ, và chúng ta đang tiến triển tốt. Cảm ơn đã lắng nghe.

Chris Anderson: Giáo sư, nếu ông phải đoán, hiện giờ ông có tin là chúng ta đang đơn độc trong dải Ngân Hà, như một nền văn minh với trình độ bằng hoặc hơn chúng ta? Câu trả lời dài bảy phút và thực sự đã cho tôi một cái nhìn về một cử chỉ rộng lượng khó tin rằng toàn bộ buổi nói chuyện là dành cho TED.

Stephen Hawking: Tôi nghĩ rằng gần như chúng ta là nền văn minh duy nhất trong vòng vài trăm năm ánh sáng; nếu không chúng ta đã phải nghe thấy những sóng vô tuyến điện. Một khả năng khác là các nền văn minh không tồn tại lâu, mà thường tự hủy hoại mình. 

Chris Anderson: Giáo sư Hawking, cảm ơn ông về câu trả lời. Chúng tôi sẽ đón nhận lời cảnh cáo này, cho phần còn lại của tuần hội thảo này. Giáo sư, chúng tôi thực sự cảm kích vì những nỗ lực phi thường để chia sẻ các câu hỏi của ông với chúng tôi ngày hôm nay. Thật sự cảm ơn ông.

PV Tổng Hợp

Cùng chuyên mục
XEM