Làng bún truyền thống Đại Lự tồn tại theo thời gian

19/03/2022 19:08 PM | Sống

Về thôn Đại Lự, Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh, đi dọc các tuyến đường làng, không khó để bắt gặp người dân nơi đây đi trên những chiếc xe đạp, chở theo bún phía sau. Nhờ làm bún mà các hộ dân có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển.

Những sợi bún ngon, nóng hổi vừa được đưa ra từ máy hấp (Ảnh: BHT).
Những sợi bún ngon, nóng hổi vừa được đưa ra từ máy hấp (Ảnh: BHT).

Cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh 20km về phía Bắc, chúng tôi có mặt ở làng nghề làm bún truyền thống Đại Lự. Ghé đến thăm nhà của bà Đặng Thị Lâm (64 tuổi, thôn Đại Lự) đã có kinh nghiệm 46 năm trong nghề, lúc này cũng đã là buổi chiều bà Lâm vừa đi làm bún về, bà kể: 

"Vì sinh ra ở làng nghề bún nên hồi nhỏ tôi tiếp xúc với cảnh làm bún thường xuyên, cho nên năm lên 17 tuổi là tôi bắt đầu làm bún. Nghe các cụ trong làng bảo, nghề làm bún truyền thống ở làng đã có cách đây từ hàng trăm năm rồi. Nhờ làm bún mà cuộc sống của tôi ổn định, thu nhập tốt, mấy đứa con ăn học thành tài cũng nhờ công việc làm bún mà thành".

Bà Lâm cho biết, để làm ra những sợi bún thơm ngon thì không thể bỏ qua việc chọn lựa gạo và công đoạn làm ra thành phẩm. Lựa chọn gạo cũng rất kỹ càng, gạo được lựa chọn phải là gạo Xuân Mai, gạo ngon, trắng chứ gạo dẻo không làm được. Gạo được nhập từ huyện Nghi Xuân, huyện Kỳ Anh.

Công đoạn đầu tiên để làm ra thành phẩm là gạo được rửa sạch với nước rồi sau đó đem ngâm với nước một ngày giúp cho gạo nở ra, để khi xay bột sẽ mịn, không bị to và bị cứng. Gạo sau khi được ngâm xong, thì lấy ra để tràng cho ráo nước rồi cho vào máy xay để xay nhuyễn thành bột, lúc này nước ngâm gạo được người dân tận dụng làm chăn nuôi bò, lợn. Tiếp đến, bột được lỏng cho khô rồi mới đem ra chỗ máy lọc bột và hấp chín cho ra những sợi bún ngon.

            
Làng bún truyền thống Đại Lự tồn tại theo thời gian - Ảnh 1.

Bún lá được sắp xếp ngay ngắn để đưa đi tiêu thụ (Ảnh: BHT).

Sản xuất bún gần như là thủ công nên khi làm không có trở ngại gì đối với người dân nơi đây, ai cũng có thể làm được. Bún chủ yếu là bún lá và bún rũ; riêng bún lá, để làm những sợi bún tươi làm thành bún lá thì đòi hỏi bàn tay người làm phải khéo léo, để định hình  những sợi bún thành hình tròn. Bởi lẽ, cần sự khéo léo để làm ra sợi bún vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon nên chủ yếu làm bún là phụ nữ.

Theo tìm hiểu nghề làm bún truyền thống Đại Lự trước đây rất phát triển, gần như tất cả các hộ gia đình trong thôn kiếm kế sinh nhai bằng việc làm bún. Qua thời gian, việc làm bún không còn hưng thịnh như trước. Nhưng hiện vẫn rất nhiều hộ bám trụ với nghề ngoài kiếm thêm thu nhập, họ muốn giữ nét văn hóa mà bao đời cha ông đã để lại. 

Sản phẩm của làng nghề làm ra sạch đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa thơm ngon, chất lượng tốt nên việc tiêu thụ bún ra thị trường rất thuận lợi và được nhiều nơi sử dụng. Bún hiện nay được tiêu thụ ở trong và ngoài làng; chủ yếu các chợ ở Lộc Hà, Can Lộc, TP Hà Tĩnh… ngoài ra còn cung cấp cho một số các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh.

            
Làng bún truyền thống Đại Lự tồn tại theo thời gian - Ảnh 2.

Người dân vui mừng khi làm bún xong sớm, để kịp cho chuyến chợ buổi chiều (Ảnh: BHT).

Theo bà Nguyễn Thị Thư ( 58 tuổi, Đại Lự), người đã có kinh nghiệm 40 năm làm bún, trung bình một ngày giúp bà có thu nhập khoảng 300.000 đồng. Giá bán ở thị trường rơi vào 10.000 đồng - 15.000 đồn /kg, một tháng trừ các chi phí thì có thu nhập khoảng 5.000.000 đồng. 

"Muốn bán được hết bún, mỗi buổi sáng phải dậy rất từ sớm để đi bán bún cho kịp giờ, cho dù ngày hè hay đông. Với lại, đi bán bằng xe đạp thì việc đi sớm về muộn là điều tất yếu đối với bà con nơi đây. Nhưng đổi lại là vốn đầu tư ít, tạo thu nhập ổn định nên vẫn còn nhiều hộ gia đình đang theo nghề", bà Thư cho biết thêm.

Điều đặc biệt, hầu hết người dân nơi đây vẫn còn đang sử dụng phương tiện xe đạp để đi tiêu thụ  bún như ngày xưa. Để rút ngắn thời gian, cũng như công sức khi đưa bún đi tiêu thụ ở những nơi xa, rất ít người dân ở làng nghề đã chuyển sang sử dụng phương tiện di chuyển là xe máy. 

"Trước đây tôi đi bán bún ở các chợ nông thôn huyện Can Lộc đều sử dụng xe đạp , do đường đi quá xa nên hiện tại tôi đã chuyển qua dùng xe máy để thuận lợi trong việc đem bún đi bán, cũng như nhập bún ở các nhà hàng ăn uống… Bún Đại Lự thơm ngon, sợi dẻo, chất lượng nên việc bán hết rất nhanh", chị Trần Thị Lài (45 tuổi, thôn Đại Lự) chia sẻ.

              
Làng bún truyền thống Đại Lự tồn tại theo thời gian - Ảnh 3.

Chiếc xe đạp truyền thống, chở theo sau là một thúng bún mỗi khi đi chợ của người dân (Ảnh: Vũ).

Theo tìm hiểu, hiện tại trong thôn còn có 60 hộ dân theo nghề sản xuất bún, số lượng tham gia hoạt động trong nghề thì có 103 người. Tuy nhiên số lượng các hộ gia đình tham gia làm bún không sầm uất như trước đây, nhưng những hộ dân ở làng nghề truyền thống làm bún Đại Lự vẫn hằng ngày mệt mài để gìn giữ bản sắc  truyền thống của làng để không bị mai một. Bên cạnh đó không ngừng phát triển nâng cao chất lượng, vị thế của làng bún trên thị trường.

Với sự hình thành từ lâu đời của làng nghề bún, bên cạnh đó là sự đóng góp và giữ gìn để cho làng nghề phát triển của người dân nơi đây. Mới đây, làng vinh dự khi được ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống làm bún vào ngày 29/10/2021. 

Đình Giang

Cùng chuyên mục
XEM