Làn sóng tham gia hệ thống chính trị của lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc

11/07/2018 13:45 PM | Kinh doanh

1 vị trí trong hệ thống chính trị có thể đem đến sự bảo vệ nhất định.

Thường thì Pony Ma, đồng sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Tencent Holdings sẽ không chủ động trả lời câu hỏi của phóng viên trong các buổi họp báo. Ông dành công việc đó cho "cánh tay phải" của mình là Chủ tịch Martin Lau chi – ping và các lãnh đạo khác của Tencent. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi về sáng kiến của đảng Cộng sản Trung Quốc hối thúc các công ty công nghệ đang niêm yết ở bên ngoài quay trở về niêm yết tại đại lục, Ma lại là người trả lời.

"Nếu điều kiện chín muồi, chúng tôi sẽ xem xét việc đó", Ma nói tại buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh năm hồi tháng 3. Tencent đặt trụ sở ở Thâm Quyến nhưng hiện đang niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông. Tính đến ngày 21/5 giá trị vốn hóa của nó đạt 3.870 tỷ HKD (tương đương 493,9 tỷ USD), đang bám theo sát nút Alibaba (đang niêm yết tại sàn New York, có giá trị thị trường 507,8 tỷ USD) để trở thành công ty Trung Quốc có giá trị vốn hóa lớn nhất.

Bắc Kinh đang cố gắng khuyến khích các công ty đại diện cho nền kinh tế mới như Tencent niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến bằng cách cho ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Trung Quốc (CDRs). Alibaba và Baidu cùng với Tencent – thường được gọi là nhóm BAT – đã phản ứng khá tích cực với lời kêu gọi này.

Tại buổi thông báo kết quả kinh doanh thường niên hôm 4/5, Maggie Wu Wei, giám đốc tài chính của Alibaba, cho biết công ty đang "tích cực nghiên cứu" về CDR. Robin Li, đồng sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của Baidu thì miêu tả việc niêm yết ở đại lục là "ước mơ từ lâu". Hiện cổ phiếu Baidu đang niêm yết trên sàn Nasdaq.

Mặc dù vẫn chưa rõ việc niêm yết tại đại lục thực sự đem lại những lợi ích kinh tế gì cho các công ty tư nhân đã niêm yết thành công trên các sàn ngoại, 1 bài xã luận đăng trên cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3 đã vạch ra một số lợi thế.

Trong khi mục tiêu chính của sáng kiến là để "giúp phát triển và nâng cấp ngành công nghệ cao và các ngành mới nổi lên nhưng được xếp vào loại mang tính chiến lược", còn có 1 mục tiêu khác cũng quan trọng không kém: "triển khai và hoàn thành tinh thần của đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19" và đi theo "chủ nghĩa xã hội thời đại mới mang đậm màu sắc Trung Quốc" mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến.

Là người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài phát biểu quan trọng hồi tháng 10 năm ngoái, ông Tập khẳng định chương trình nghị sự kinh tế được ưu tiên hàng đầu là "thúc đẩy phát triển các ngành tân tiến". Ông đặc biệt đề cập đến "tích hợp nền kinh tế thực với internet, công nghệ big data và trí thông minh nhân tạo".

Dù là các công ty tư nhân chứ không phải doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo của nhóm BAT cũng tham gia khá sâu vào bộ máy chính trị Trung Quốc. Mùa xuân vừa qua Pony Ma tiếp tục được chọn làm đại biểu quốc hội thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm nữa, còn Robin Li thì là thành viên của CPPCC, cơ quan cố vấn lập pháp cao nhất của Trung Quốc. Ông chủ Jack Ma của Alibaba không là thành viên của tổ chức nào như vậy nhưng Wang Jian, giám đốc công nghệ của mảng phần mềm Alisoft đã trở thành đại biểu quốc hội của tỉnh Chiết Giang.

Lãnh đạo của các công ty Trung Quốc khác niêm yết trên TTCK Mỹ - gồm JD.com, NetEase, Qihoo 360 Technology và Sogou – vừa trở thành thành viên của CPPCC. Lei Jun, ông chủ của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, đã nhiều năm là đại biểu Quốc hội.

Đối với các lãnh đạo doanh nghiệp, có 1 vị trí trong hệ thống chính trị có thể đem đến sự bảo vệ nhất định. Còn đối với giới cầm quyền, chọn lựa những lãnh đạo doanh nghiệp vào hệ thống là 1 cách để đảm bảo các doanh nghiệp tư nhân sẽ hợp tác với các chính sách mà họ đề ra.

Theo Thanh Thanh

Cùng chuyên mục
XEM