Lấn sân làm cà phê hòa tan, hãng sữa Nutifood tham vọng đem cà phê sữa đá sang bán ở thị trường Mỹ

07/09/2018 14:38 PM | Kinh doanh

Mới đây, thông tin công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood chính thức gia nhập thị trường kinh doanh cà phê hòa tan với sản phẩm Nuticafe – cà phê sữa đá tươi đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo đại diện Nutifood, đơn vị này dự định mang cà phê sữa đá tấn công thị trường Mỹ đầu tiên.

Mang tinh hoa của ẩm thực Việt ra thế giới

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cho rằng, thực ra ý định "lấn sân" của Nuitifood đã manh nha cách đây hơn 1 năm khi kí quyết định hợp tác với nông trường cà phê An Phước, sở hữu gần 1.000ha cây cà phê và sau đó, Nutifood đã nghiên cứu thành công sản phẩm cà phê sữa đá Nuticafé, chính thức đặt chân vào thị trường cà phê.

"Với mong muốn gia tăng giá trị cho hạt cà phê Robusta Việt Nam - sản lượng hàng đầu thế giới nhưng chỉ xuất thô với giá rẻ mạt và người tiêu dùng quốc tế không hề biết đến xuất xứ địa lý của nó. Do đó, sản phẩm đầu tiên mà NutiFood đầu tư nghiên cứu để phát triển thành sản phẩm công nghiệp là Cà Phê Sữa Đá Việt", ông Hải khẳng định.  

Theo ông Hải, quy mô tiêu thụ cà phê trong nước hàng năm khoảng 1 tỉ USD, trong đó 65% thị phần cà phê rang xay và 35% còn lại là thị phần cà phê hòa tan. Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, tính đến nay cả nước có 19 nhà máy chế biến cà phê hòa tan với tổng công suất gần 180.000 tấn/năm. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 đưa tỷ lệ cà phê chế biến thành phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lên hơn 25% so với mức chỉ 10% hiện nay.

"Nếu như thị trường nội địa tiêu thụ chủ yếu cà phê rang xay thì ở các nước phát triển, cà phê được tiêu thụ như một thức uống công nghiệp. Chính vì thế NutiFood muốn đi một con đường riêng là "đóng gói" ly Cà Phê Sữa Đá rang xay để phục vụ cho những người muốn uống cà phê sữa đá pha phin mà lại không có nhiều thời gian để pha chế", ông Hải cho hay.

Mục tiêu mà Nuticafé đặt ra trong thời gian đầu là sản phẩm sẽ xuất hiện ở tất cả các điểm bán, từ kênh siêu thị đến các tiệm tạp hóa thông thường, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm và mua sản phẩm.

"Nhiều người bảo tôi rằng, làm sữa tốt rồi nhảy vào cà phê làm gì. Tôi giải thích vì muốn giới thiệu thức uống đặc biệt của Việt Nam đến người tiêu dùng năm Châu. Tham vọng của Nutifood là muốn bạn bè thế giới khi nhắc đến Việt Nam ngoài phở, áo dài, Vovinam, còn có cà phê sữa đá" ông Hải giãi bày.

Từ ngành kinh doanh cốt lõi là sữa, NutiFood lấn sân sang ngành cafe, nói về tham vọng lấn sân, đa dạng ngành hàng trong lĩnh vực F&B, ông Hải cho rằng: Tham vọng của NutiFood là từ vị trí số 1 trong ngành sữa đặc trị Việt Nam, ngành dinh dưỡng hàng ngày cho mỗi gia đình Việt bước ra thế giới. Riêng về ngành cà phê, tham vọng của Nutifoood là mang tinh hoa của ẩm thực Việt ra thế giới.

Liệu tham vọng có hụt hơi?

Bản thân Chủ tịch HĐQT công ty NutiFood cũng thừa nhận thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam hiện nay là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn và lâu năm cả trong nước lẫn ngoài nước.

Thực tế, nhiều thương hiệu lấn sân sang cà phê thất bại, thậm chí có những thương hiệu nổi tiếng trong ngày F&B. Nói về điều này, ông Hải cho rằng, để cạnh tranh được thì ngay từ đầu NutiFood đã chọn cách đi riêng, bắt đầu từ việc đầu tư để có được nguồn cà phê nguyên liệu tốt nhất từ vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng của ĐăkLăk, đồng thời tận dụng lợi thế của công nghệ và nội lực R&D để cho ra một sản phẩm dạng cà phê hòa tan nhưng giữ được hương vị như cà phê rang xay pha phin với sữa đặc có đường.

Theo ông Hải, Nuti Café có những lợi thế cạnh tranh như là thương hiệu được người tiêu dùng yêu mến và có hệ thống phân phối mạnh trong và ngoài nước nên đây sẽ là cơ hội của NutiCafe. Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng quan tâm các sản phẩm đáp ứng nhịp sống công nghiệp nhưng đúng "gu", chẳng hạn là cà phê hòa tan nhưng hương vị tương tự như cà phê rang xay pha phin với sữa đặc có đường. Bên cạnh đấy, đối với thị trường quốc tế: Ẩm thực Việt ngày càng hấp dẫn với người nước ngoài, trong đó cafe sữa đá Việt đã thành một món ngon thế giới

Tuy nhiên, bản thân ông Hải cũng thừa nhận, thách thức của NutiCafe là nhãn hàng còn non trẻ trong thị trường cafe vô cùng cạnh tranh với nhiều thương hiệu mạnh trong và ngoài nước. Do đó, để thực hiện việc mang cà phê đi bốn phương bên cạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu thì Nutifood đang cần có sự đồng hành của Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam và Liên đoàn Vovinam thế giới cùng giúp sức để làm.

Theo các chuyên gia trong ngành, dự báo trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới, mức độ cạnh tranh ở thị trường cà phê chế biến sẽ khốc liệt hơn. Bản thân các doanh nghiệp phải đi khác, làm khác, chú trọng cà phê sạch thì mới có cơ hội để tồn tại.

Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn ra thế giới, mức tiêu thụ nội địa cao. Dù vậy, theo các chuyên gia, đây là thị trường không hề "dễ xơi". Ở mảng cà phê hòa tan, G7, vinacafe, Nestle đã thống trị thị trường với gần 75% thị phần. Cà phê rang xay thì có tên tuổi lâu năm như Trung Nguyên, Thu Hà. Một số nhãn hiệu mới từng thâm nhập thị trường nhưng đều thất bại. Vinamilk cũng đã thất bại với Moment. Không đưa ra nguyên nhân thất bại nhưng đủ để hiểu rằng, doanh nghiệp lấn sân sang một lĩnh vực mới như cà phê thực sự không hề dễ dàng trước bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Theo Euromonitor, thị trường cà phê hòa tan toàn cầu trị giá 28 tỉ USD. Tại châu Á, châu Phi và Trung Đông, thị trường cà phê hòa tan mở rộng nhanh hơn cà phê tươi; trong khi đó lại gặp khó khăn ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc. Thị trường cà phê hòa tan của Mỹ đang bị Nestle và Starbucks trấn trụ. Chính điều này khiến người ta hoài nghi liệu cà phê sữa đá tươi của Nutifood sẽ ra sao ở thị trường Mỹ khó tính?

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM