Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế TP.HCM tăng trưởng âm 6,78%

03/12/2021 10:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo dự toán, năm nay TP.HCM có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu, còn 2/29 chỉ tiêu đến cuối năm mới có thể đánh giá.

Ngày 1/12/2021, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị mở rộng lần thứ 10, trong bối cảnh thành phố đã trải qua 2 tháng mở cửa từng bước các hoạt động kinh tế, xã hội, dịch bệnh được kiểm soát.

Lần đầu tiên trong lịch sử, TP.HCM tăng trưởng âm 6,78%

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên thông tin, về nhóm vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, và thực hiện chủ đề năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, triển khai đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Dù vậy, TP.HCM phải đối diện làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, buộc thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp cách ly y tế nhằm ngăn dịch lây lan cộng đồng với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết.

Sau gần 5 tháng, thành phố chịu nhiều tổn thất nặng nề; nhiều người không thể vượt qua; các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hướng rất nghiêm trọng.

Hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn còn phức tạp, Bí thư TP.HCM đề nghị, phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình, những kinh nghiệm mang tính thực tiễn và khoa học để có thể vận dụng vào quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 với trụ cột là chiến lược y tế .

Bên cạnh đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên thông tin, quý I/2021 tình hình kinh tế xã hội thành phố phát triển khá đồng đều, đến 6 tháng đầu năm thì chững lại và đến cuối năm thì sụt giảm nghiêm trọng. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố từ giai đoạn đổi mới, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%.

Theo dự toán, năm nay TP.HCM có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu, còn 2/29 chỉ tiêu đến cuối năm mới có thể đánh giá. Trong khó khăn, kinh tế TP.HCM cũng có điểm sáng đó là kim ngạch xuất khẩu tăng 2,8%, nhập khẩu tăng 24,9%, tổng thu ngân sách nhà nước có thể phấn đấu đến cuối năm đạt 100% chỉ tiêu.

TP.HCM thống nhất không thay đổi, điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản

Tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên gợi mở chủ đề năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

Hội nghị Thành ủy sẽ cho ý kiến về 7 nhóm giải pháp, cùng 21 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022, đã được Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất, đồng thời, tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022 - 2025, ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, đây là một chương trình đầy quyết tâm trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

TP.HCM đưa ra 2 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2022, và từ năm 2023 - 2025, sẽ đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng vào huy động nguồn lực và cơ chế phân cấp, phân quyền.

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 -2025, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi quyết định thành công việc thực hiện mục tiêu của đại hội Đảng bộ TP.HCM đề ra. TP.HCM thống nhất không thay đổi, điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của đại hội, nhưng trong bối cảnh "bình thường mới" thì chắc chắn cần tư duy đổi mới, giải pháp mới, cơ chế mới và có kế hoạch phù hợp.

Trong khi đó, nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là căn cứ đề xây dựng kế hoạch phát triển hằng năm, 5 năm và lâu dài.

Đặc biệt, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Chúng ta thường có một nhược điểm là chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động không thiếu, song khâu tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu. Do vậy, cần phải tìm ra phương cách, cơ chế tổ chức, điều phối để thực hiện đồng bộ, hiểu quả và đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đều đi vào thực tiễn, có sự liên thông, chặt chẽ".

Theo Hồng Nhuận

Cùng chuyên mục
XEM