Lấn át các công ty đại chúng, các quỹ PE đang tái định hình hệ sinh thái phố Wall

04/08/2018 21:45 PM | Kinh doanh

Các quỹ cổ phần tư nhân đã hoạt động tốt trong suốt thập kỷ qua. Lãi suất thấp đã giúp sức nhiều cho mô hình kinh doanh dựa trên các khoản nợ của họ. Giá trị tài sản tăng lên khiến việc bán lại cho các công ty lớn trở nên dễ dàng hơn.

Các cư dân phố Wall thường rỉ tai nhau: "Sell in May and go away - Hãy bán cổ phiếu vào tháng năm và tạm nghỉ," và người ta thường lấy sự oi bức của mùa hè làm cái cớ cho làn sóng bán tháo này. Nhưng đối với những người làm việc trong các công ty có vốn chủ sở hữu tư nhân, không có cái gọi là bán tháo. Theo Preqin, một chuyên viên tư vấn, các quỹ cổ phần tư nhân (private equity - PE) thường tự nhận mình là các "cửa hàng", được rót đầy vốn và ngày càng huy động được nhiều vốn hơn: 1,1 nghìn tỷ USD "vốn lưu động" luôn sẵn sàng cho các thương vụ trên toàn thế giới, cùng với 950 tỉ USD đang được huy động bởi 3.050 công ty.

Thị trường đang nóng đến nỗi có nhiều tin đồn về việc dòng tiền đang rời đi. Ngay cả bản thân các công ty, dù nhận được các khoản phí gắn với số tài sản mà họ quản lý, cũng chưa thể mường tượng được cách kiểm soát dòng tiền vào công ty họ. Đây không phải là vấn đề muốn thử sức. Từ đầu năm đến nay đã có gần 1.000 thương vụ mua lại. Ngành chăm sóc sức khỏe đang đặc biệt sôi động.

 Lấn át các công ty đại chúng, các quỹ PE đang tái định hình hệ sinh thái phố Wall  - Ảnh 1.

Đáng chú ý hơn lượng tiền đổ vào các công ty vốn cổ phần tư nhân là cách mà các doanh nghiệp đang phát triển vững mạnh. Các ngân hàng đang cơ cấu lại hoạt động của mình để phục vụ nhóm khách hàng giao dịch thường xuyên. Các đối tác hữu hạn — các chương trình lương hưu công, các quỹ đầu tư quốc gia, các khoản hiến tặng và các công ty gia đình cung cấp phần lớn vốn đầu tư cổ phần tư nhân — đang đóng vai trò ngày càng tích cực. Tất cả đều góp phần nhỏ bé nhưng quan trọng vào quá trình tái cấu trúc hệ sinh thái tài chính.

Dữ liệu về lợi nhuận thường rất chắp vá. Các biện pháp kỳ lạ thường được sử dụng để đánh giá hiệu suất và thông tin được tiết lộ thường không liên tục. Nhưng có rất nhiều lý do để tin rằng các quỹ cổ phần tư nhân đã hoạt động tốt trong suốt thập kỷ qua. Lãi suất thấp đã giúp sức nhiều cho mô hình kinh doanh dựa trên các khoản nợ của họ. Giá trị tài sản tăng lên khiến việc bán lại cho các công ty lớn trở nên dễ dàng hơn.

Vài tín hiệu tiêu cực gần đây dần được xua tan. Các cải cách thuế từng được cho là có thể ngăn cản các công ty vốn cổ phần tư nhân khấu trừ lãi suất mà họ phải trả cho các khoản nợ vào thu nhập bị đánh thuế và buộc các nhà quản lí phải trả mức thuế cá nhân dựa trên lợi nhuận đầu tư của họ thay vì dựa trên chỉ số thấp hơn là lãi thặng dư vốn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những qui định mới từ năm ngoái không đả động gì đến lợi nhuận đầu tư và chỉ làm giảm nhẹ lợi ích của nợ.

Một mối lo khác là các quy định sẽ ít mang tính hỗ trợ hơn. Jay Clayton, người đã tiếp quản Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) năm ngoái, nói rõ rằng ông muốn thấy một sự thay đổi đối với thị trường. Ông lưu ý rằng làn sóng vốn cổ phần tư nhân đã hạn chế cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ. Sau khi ông nhậm chức, đã có 1 làn sóng IPO xuất hiện, bao gồm cả việc các công ty cổ phần tư nhân trở thành công ty niêm yết. Nhưng những đòi hỏi đối với các công ty niêm yết vẫn khá nặng nề với quy trình thủ tục rườm rà và nhiều yêu cầu khắt khe.

Kết quả là giá trị các công ty niêm yết chuyển đổi thành công ty tư nhân tiếp tục tăng. Những con số này không bao quát được toàn bộ xu hướng, vì không thống kê được số lượng ngày càng tăng của các công ty lớn bán các phần của mình cho các công ty cổ phần tư nhân. Những giao dịch này thu hút ít sự chú ý – điều hóa ra lại là vấn đề quan trọng. Trụ sở chính không di chuyển; các giám đốc điều hành cấp cao tiếp tục giữ vị trí của họ. Ví dụ gần đây là quyết định của J.M. Smucker, một công ty thực phẩm, bán hệ thống kinh doanh bánh nướng cho Brynwood Partners hay GE quyết định bán bộ phận động cơ công nghiệp cho Advent International.

Tương tự, những dữ liệu ít người biết là số lượng giao dịch gia tăng của các công ty cổ phần tư nhân bán cho một công ty khác, thay vì trở thành công ty niêm yết.

Sự tăng trưởng tỉ trọng của cổ phần tư nhân tạo ra những phản ứng dây chuyền trong ngành tài chính. Goldman Sachs có 25 chuyên viên sáp nhập được giao phụ trách các công ty cổ phần tư nhân, làm việc trên các giao dịch cùng với các đồng nghiệp khác chuyên về các ngành cụ thể. Các nhà phân tích của họ theo dõi 5.500 công ty cổ phần tư nhân - số lượng cao gấp rưỡi so với số lượng các công ty niêm yết trên thị trường Mỹ. Các ngân hàng lớn khác, chẳng hạn như Morgan Stanley và JPMorgan Chase, mới đây cũng chuyển sự chú ý đến vốn cổ phần tư nhân.

Có lẽ thay đổi đáng chú ý nhất nằm ở các nhà đầu tư của cổ phần tư nhân. Trong hai năm qua, số lượng các nhà đầu tư hữu hạn với tối thiểu 1 triệu USD vốn đầu tư đã tăng từ 304 lên 359. Theo Preqin, tổng cộng họ đóng góp tới 1.500 tỷ USD. Và con số này không hoàn toàn bao quát đầy đủ sự phát triển của họ. Cùng với việc rót tiền mặt vào các quỹ tư nhân, họ còn tăng cường đầu tư chung – lấy trực tiếp cổ phiếu từ các thương vụ mua lại và sáp nhập.

Lợi ích của hình tức hợp tác hữu hạn là họ có thể tránh được phí quản lí – thường là 2% mỗi năm, cộng thêm 20% lợi nhuận. Các quỹ vốn tư nhân thu lời từ việc hạn chế phụ thuộc lẫn nhau. Không lâu trước đây, những thương vụ lớn thường yêu cầu nhiều quỹ cùng hợp tác. Chẳng hạn như vụ mua lại Nielsen Media năm 2006 có sự tham gia của bảy quỹ. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo từ cơ quan chống độc quyền, làm phức tạp công tác quản lý và khiến các quỹ khó rút ra khỏi những dự án đầu tư, khi người mua tiềm năng vốn đã đi theo cấu trúc đồng sở hữu.

Giá trị các thương vụ được thực hiện bởi nhiều hơn một công ty vốn cổ phần tư nhân đã sụt giảm một nửa kể từ thương vụ Nielsen. Kể cả khi các công ty hợp tác cùng nhau, số lượng trung bình các công ty tham gia cũng nhỏ hơn thương vụ Nielsen.

Đối với những thương vụ lớn, các công ty vốn cổ phần tư nhân tự thực hiện các vụ mua lại rồi cung cấp những phần cổ phiếu lớn cho những đối tác hữu hạn thông qua các dự án đầu tư chung. Những ví dụ nổi bật trong vô vàn những thương vụ gần đây là thương vụ Blackstone mua lại bộ phận tài chính và rủi ro của Thomson Reuters vào tháng Một với giá 20 tỉ USD, và thương vụ Carlyle mua lại bộ phận hóa học của Akzo Nobel vào tháng Ba với giá 12 tỉ USD.

Quá trình này thường bắt đầu với một cuộc gọi từ một công ty vốn cổ phần tư nhân đến các nhà đầu tư lớn như GIC, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, hay CPP Investment Board, một quỹ lương hưu lớn của Canada. Họ có thể nhanh chóng tập hợp các nhóm để phân tích các vụ giao dịch. Các đối tác hữu hạn nhỏ hơn được tập hợp lại sau đó nếu cần thiết, cùng với các đối tác được lựa chọn bên ngoài, các công ty gia đình có tiếng tăm.

Xu hướng này không chỉ giảm thiểu rủi ro cho các nhà quản lí vốn cổ phần tư nhân. Nó cũng nhấn mạnh sự thay đổi của thị trường tài chính. Vì sao các công ty phải chấp nhận các mức giá và sự khảo sát kĩ lưỡng khi bán cổ phần ra công chúng khi mà họ có sự lựa chọn khác ít phức tạp, có giá trị và riêng tư hơn?

Theo Minh Trang

Từ khóa:  phố wall
Cùng chuyên mục
XEM