Làm sếp, tưởng thưởng nhân viên thế nào cho đúng và hiệu quả nhất?

28/03/2018 19:01 PM | Kinh doanh

Hành động được khen thưởng dù tích cực hay tiêu cực không quan trọng. Quan trọng là bất cứ hành động nào được lãnh đạo khen thưởng sẽ được lặp lại. Đó là lý do tại sao khen thưởng cho kết quả và khen thưởng đúng phương pháp rất quan trọng.

Khi bạn sử dụng mọi công cụ có sẵn để khen thưởng nhân viên, bạn không chỉ truyền cảm hứng để họ làm những việc đúng đắn cho tổ chức mà còn khiến họ chăm chỉ hơn và yêu thích công việc họ đang làm hơn. 

Để tưởng thưởng thành tích một cách hiệu quả nhất, hãy làm theo 6 nguyên tắc sau đây:

1. Khen ngợi công khai và riêng tư

Xuất phát điểm của việc tưởng thưởng nhân viên chính là lời khen của bạn. Bạn không thể khen quá nhiều. Billy Hornsby, điều phối viên châu Âu của EQUIP, khuyên: "Để những người bạn lãnh đạo tỏa sáng hơn bạn là điều rất tốt, vì nếu họ tỏa sáng đủ rực rỡ, họ sẽ phản chiếu tích cực lên bạn."

Lời khen còn trở nên quý giá hơn nếu đến tai "khán giả" quan trọng (cấp cao) hơn. Nhưng trước khi khen ngợi ai công khai, bạn phải khen riêng họ trước. Làm như vậy sẽ khiến điều bạn nói trở nên thành thực; mọi người biết bạn không chỉ cố gắng lôi kéo họ bằng cách nói một điều gì đó tử tế. Mặt khác, hầu như khi một người được khen riêng, trong thâm tâm, họ ao ước có người khác ở đấy để nghe thấy. Nếu bạn khen riêng trước rồi sau mới khen công khai, lời khen sẽ quan trọng gấp đôi bởi vì nó thỏa mãn khao khát để người khác nghe thấy lời khen của người được khen.

2. Chỉ khen ngợi thôi chưa đủ

Việc khen ngợi mọi người là điều nên làm, song một nhà lãnh đạo cần biết rằng phải trao cho họ nhiều hơn thế.  Tặng vật chất nhưng không khen ngợi, việc làm ấy sẽ không chữa được bệnh của họ. Lời nói thì rẻ, trừ khi bạn gói nó bằng tiền. Lãnh đạo giỏi quan tâm tới nhân viên của họ. Hãy để ý kỹ sẽ thấy, người gây tốn kém nhất cho tổ chức không phải người được trả cao nhất mà chính là người làm việc không xứng với mức lương.

Khi tiền lương không tương xứng với thành tích mọi người đạt được, họ trở nên thất vọng. Nếu chuyện này xảy ra với những người thuộc quyền quản lý của bạn, nó không chỉ gây thiệt hại cho nỗ lực của các nhân viên, mà còn tổn hại vai trò lãnh đạo của bạn. 

3. Đừng tưởng thưởng mọi người giống nhau

Câu chuyện trên đưa chúng ta đến ý tiếp theo. Nếu bạn muốn trở thành một lãnh đạo hiệu quả, bạn không thể khen thưởng mọi người cùng một cách. Đây là sức ép lớn của hầu hết các lãnh đạo. Trừ những người đứng đầu của tổ chức, những người còn lại đều muốn ai cũng được đối xử như nhau. Họ nói rằng họ muốn mọi thứ "công bằng". 

Nhưng có công bằng không khi một người đóng góp gấp hai lần vào doanh thu so với đồng nghiệp khác nhưng lại được khen thưởng bằng nhau? Người phải gánh vác cả nhóm có nên được khen thưởng như người anh ta liên lục phải gánh vác không? Mick Delaney nói: "Bất cứ doanh nghiệp nào khen thưởng người trốn việc và người làm việc nhiệt tình bằng nhau, sớm muộn gì cũng sẽ thấy doanh nghiệp mình có nhiều kẻ trốn việc hơn người làm việc nhiệt tình."

Vậy bạn bắt tay giải quyết sức ép công bằng như thế nào trong khi vẫn thưởng cho thành tích? Khen cho nỗ lực, nhưng chỉ thưởng cho kết quả. Bởi vì bất cứ điều gì được khen đều được lặp lại, nếu bạn liên tục khen cho nỗ lực và thực hiện điều đó với tất cả mọi người, họ sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ. Nếu họ đang được đặt đúng sở trường và lúc nào cũng làm việc chăm chỉ, thì cuối cùng họ sẽ đạt kết quả tốt. Tới lúc ấy, hãy thưởng họ bằng tài chính.

4. Bên cạnh lương nên có "bổng lộc"

Phải thừa nhận rằng lãnh đạo cấp trung của tổ chức thường có những hạn chế trong việc thưởng cho các nhân viên trên phương diện tài chính. Vậy phải làm thế nào? Hãy thưởng nhân viên bằng những hình thức bổng lộc khác. Thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu bạn dành chỗ đậu xe đặc quyền của mình cho một nhân viên trong cả một tuần hay một tháng? Người nhận sẽ cảm kích tới mức nào? Bạn có thể chia sẻ bất cứ đặc quyền hay bổng lộc nào với những người làm việc với mình, có thể là một chỗ đậu xe, vé xem phim, xem ca nhạc, hay việc được sử dụng căn hộ của công ty.

Một lĩnh vực khác bạn có thể chia sẻ "sự giàu có" của mình là các mối quan hệ của bạn. Thường chỉ những lãnh đạo vững vàng mới thực hiện được việc này. Nếu bạn giới thiệu nhân viên của mình với một số người bạn quen biết –có thể là những người quan trọng hay những chuyên gia, nhân viên có thể thấy thích thú hoặc tận dụng được sự giúp đỡ. Họ sẽ thấy được tưởng thưởng và sẽ biết ơn vì điều đó.

Ngoài ra các nhà lãnh đạo nên cố gắng mở rộng bổng lộc và sự công nhận tới những thành viên trong gia đình của nhân viên vào những dịp thích hợp. Họ thường là những người phải hy sinh rất nhiều để nhân viên của bạn hoàn thành công việc, đặc biệt là trong cơn khủng hoảng. 

5. Thăng chức khi có thể

Nếu bạn phải lựa chọn giữa thăng chức cho một ai đó trong nhóm hay đưa một ai đó từ bên ngoài vào – với điều kiện là tất cả nhân tố khác đều như nhau – hãy thăng chức cho người trong nhóm. Thăng chức là một sự khen thưởng đặc biệt, nó mang ý nghĩa: "Bạn đã hoàn thành tốt công việc, chúng tôi tin rằng bạn có thể làm tốt hơn, và đây là phần thưởng cho những gì bạn đã nỗ lực". 

Sự thăng chức tốt nhất lại là một việc không cần phải giải thích, bởi vì những ai làm việc cùng với người được thăng chức đều đã chứng kiến người ấy trưởng thành để "mặc vừa áo mới".

6. Hãy luôn nhớ "trả thứ gì, nhận thứ ấy"

Một lãnh đạo có thể thuê nhân viên với giá rẻ. Và đôi khi, vẫn có thể giữ chân vài người giỏi dù trả lương không cao. Nhưng về lâu dài, bạn cần trả mức mà họ xứng đáng được nhận. Nếu không, rốt cục, bạn sẽ ở lại với những người xứng đáng với mức lương bạn trả.

Việc lãnh đạo giống với một trong những đĩa cân đó. Những phần thưởng lãnh đạo trao tặng được đối trọng bởi kết quả mà nhân viên đền đáp lại. Trong một tổ chức, các đĩa cân luôn chuyển động, lệch về đĩa cân bên này hay đĩa cân bên kia. Các đĩa cân tự thăng bằng khi chúng nặng ngang nhau, và chúng sẽ luôn cân bằng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM