Làm sao khai phá “mỏ vàng” hàng trăm tỉ USD từ thị trường bán lẻ?

29/11/2017 19:21 PM | Kinh tế vĩ mô

Thị trường bán lẻ Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu lên tới 44 triệu tỉ đồng vào 2035. Giới chuyên gia cho rằng, cần phải có hàng loạt những giải pháp, chiến lược căn cơ để doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thể đánh thức và tận hưởng tiềm năng vô cùng to lớn của thị trường này.

“Mỏ vàng” trị giá 44 triệu tỉ đồng

Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 đạt hơn 11 triệu tỉ đồng và lên đến gần 44 triệu tỉ đồng cho năm 2035.

Theo chiến lược, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, GDP lĩnh vực thương mại trong nước (theo đánh giá so sánh năm 2010) đến 2020 đạt trên 419 nghìn tỉ đồng, năm 2025 đạt trên 700 nghìn tỉ đồng; đóng góp khoảng 15,5% vào GDP đến năm 2025.

Tốc độ tăng bình quân hằng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm. Đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 5,8 triệu tỉ đồng, năm 2025 đạt khoản hơn 11 triệu tỉ đồng.

Khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 80% mức bán lẻ hàng hóa, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 20% đến năm 2020 và 70% đến năm 2025. Tỉ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2020 đạt 30% tương đương khoảng 1,7 triệu tỉ đồng; đến năm 2025 đạt khoảng 35%, tương đương gần 3,8 triệu tỉ đồng và đến năm 2035 đạt khoảng 50%, tương đương khoảng 22 triệu tỉ đồng.

Ngoài ra, sẽ phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại khác, như sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm đấu giá, nhượng quyền thương mại; đồng thời phát triển thương mại điện tử, phấn đấu đạt trên 60% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử.

Cùng với đó, hệ thống thương mại đô thị được hoàn thiện tương đương với các nước thuộc ASEAN4. Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, phấn đấu 80-90% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử.

Đâu là cuộc chơi của doanh nghiệp nội?

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam vốn vẫn được đánh giá là một thị trường hấp dẫn, minh chứng là Việt Nam hiện xếp hạng thứ 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney. Thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ với hàng loạt những thế mạnh như: Niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.

Theo ông Mathew Powell - Giám đốc Savills Việt Nam - thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TPHCM hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ khiêm tốn ở mức 0,26 và 0,12m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.

Tuy có một nền tảng phát triển đầy tiềm năng, ông Mathew cho rằng, điều thị trường Việt Nam cần không chỉ là đơn thuần là lượng mà còn là chất của mặt bằng bán lẻ và điểm quan trọng là doanh nghiệp bán lẻ cần phải có sự thay đổi để thích nghi với những xu hướng mới trên thị trường.

“Đây có là một thời điểm rất tốt cho ngành bán lẻ của Việt Nam. Khách hàng trong ngành bán lẻ đang thay đổi từng ngày; tương lai sẽ là những con người của kỷ nguyên công nghệ, với thời đại của smart-phone, facebook hay những tiện ích công nghệ khác... Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng để không bị đào thải trong thị trường cực kỳ tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh này” - ông Mathew nói thêm.

Đánh giá về thị trường bán lẻ, ông Phạm Thái Bình, một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cũng chỉ ra rằng, cuộc chơi trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự tham gia ngày càng sâu và rộng từ khu vực nước ngoài. Do đó, đi cùng với tiềm năng của thị trường, doanh nghiệp bán lẻ nội cũng đối mặt với nguy cơ bị thôn tính và mất dần lợi thế vào những thương hiệu lớn của nước ngoài.

“Thời gian qua cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực mà trong đó nội cộm là các thương vụ mua lại Metro, BigC, Nguyễn Kim. Nhiều chuyên gia đã nhận định, đây là bước đi khôn ngoan của các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang ở đâu và làm gì trước nguy cơ: sân nhà không còn là ưu thế?”, ông đặt câu hỏi.

Theo đó, ông Bình cho rằng, mỗi nhà bán lẻ cần tự tìm cho mình một hướng đi an toàn, như việc tránh đối đầu và hướng tới các thị trường mà các đối thủ ngoại chưa có kế hoạch thâm nhập, như các tỉnh và vùng xa, để tận dụng tối đa lợi thế nắm vững văn hóa tập quán, vùng miền. Bên cạnh đó, phần lớn nhiều nhà bán lẻ Việt Nam chỉ đang ở quy mô trung bình và nhỏ nên việc “chọn sân để chơi” cũng là điều nên cân nhắc.

Theo Lâm An

Cùng chuyên mục
XEM