Làm sao để ứng tuyển trái ngành khi mà bạn không hề có kinh nghiệm?

14/04/2016 14:18 PM | Sống

Không đủ trình độ khác hoàn toàn với không có kinh nghiệm, những kĩ năng bản thân tích luỹ được đôi khi có thể chuyển đổi để phù hợp với công việc mới.

Thử tưởng tượng: Bạn đang tìm việc làm, và bỗng nhiên, hiện ra trước mắt bạn là một vị trí hoàn hảo mà bạn vẫn hằng ao ước bấy lâu. Bạn vui mừng khôn xiết, nhưng niềm vui ngắn chẳng đầy gang. Bạn chợt nhận ra rằng: bằng cấp và kinh nghiệm làm việc của bạn chẳng hề liên quan đến công việc tuyệt vời ấy.

Trước khi quyết định bỏ cuộc, hãy nhớ rằng: mọi chuyện đều có cách giải quyết.

Một học trò cũ của tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh tương tự. Cô ấy muốn trở thành người quản lí sản phẩm tại một công ty công nghệ, nhưng toàn bộ sự nghiệp của cổ (tính đến thời điểm ấy) đều luẩn quẩn trong một phòng trưng bày nghệ thuật.

Cô ấy hỏi tôi: “Làm sao em có thể cạnh tranh với những người chuyên làm về công nghệ khác? Em đang hoàn thành một khóa quản lí, nhưng vẫn rất khó khăn”.

Lời khuyên của tôi dành cho cô ấy là: Hãy nhớ, tất cả những nhà quản lí giỏi nhất đều chỉ mang tính tương đối. Điều này đúng với hầu hết mọi vị trí.

Nghe này, tôi hiểu rằng bạn không muốn phí thời gian ứng tuyển vào vị trí mà bạn không đời nào được nhận. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ giữa “không đủ trình độ” và “có những kĩ năng chuyển đổi” mà chính bản thân bạn có thể không biết.

Sau đây là một số lời khuyên nhằm giúp bạn có thể chuyển đổi ngành nghề của mình:

1. Tổng hợp “nguyên liệu thô” từ sự nghiệp của bạn

Có rất ít người hiểu được cặn kẽ những ưu điểm của bản thân họ. Hãy bắt đầu bằng việc liệt kê tất cả những kinh nghiệm, kĩ năng, giải thưởng và thành tựu của bạn.

Đôi khi những kĩ năng tưởng chừng thừa thãi của bản thân lại có thể được sử dụng để lấy lòng nhà tuyển dụng.
Đôi khi những kĩ năng tưởng chừng "thừa thãi" của bản thân lại có thể được sử dụng để lấy lòng nhà tuyển dụng.

Đừng chỉ dừng lại ở việc xây dựng một bản resume “kể lể tầm thường.” Thay vào đó, hãy tự hỏi bản thân những câu sau đây:

- Người quản lí và đồng nghiệp cũ nhận thấy ưu điểm gì ở mình? Bạn bè, cố vấn viên, giáo sư thì sao? Còn ai cho rằng mình rất “đỉnh” nữa? Và tại sao lại như vậy?

- Mình đã đóng góp như thế nào vào những thành tựu trong quá khứ?

- Những đóng góp “vô hình” thì sao? Mình có phải một nhà lãnh đạo bẩm sinh không? Mình đã từng tham gia vào hội đồng văn hóa của công ty? Mình đã được giải thưởng gì?

- Mình đã từng đạt được thành quả nào “ngầu” nhất (kể cả những thành tựu tưởng chừng không liên quan đến vị trí ứng tuyển)?

- Mình đã thất bại “ngoạn mục” chưa? Hãy coi như đó cũng là một thắng lợi, vì dám đứng dậy sau khi vấp ngã cũng được tính là một thành công rồi.

- Mình có thể đáp ứng được những yêu cầu nào của công ty (dựa vào vị thế hiện tại của công ty), ngay cả khi những yêu cầu đó không được ghi trong phần miêu tả công việc?

- Mình có tất cả những loại chứng nhận, bằng cấp nào?

Đây hẳn sẽ là một danh sách cực kì dài. Nhưng không vấn đề gì! Tôi đâu có khuyên bạn gửi tất cả đống thông tin này đi đâu. Chẳng qua là, sẽ tốt hơn nếu bạn liệt kê được nhiều thông tin nhất, trước khi bắt tay vào tỉa tót, chọn lọc.

2. Tìm hiểu từ những người giỏi nhất trong lĩnh vực bạn muốn ứng tuyển

Trước khi ứng tuyển, bạn cần có cái nhìn tổng quan về công việc trong mơ của bạn, cũng như để kiểm chứng xem liệu bạn có thể thực sự làm được công việc đó không. Hãy trò chuyện với bạn bè, người quen – những ai xuất sắc trong công việc mà bạn ao ước.

Trò chuyện với những người có kinh nghiệm sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngành nghề cũng như xây dựng được khả năng tư duy về những gì mình phải làm trong tương lai.
Trò chuyện với những người có kinh nghiệm sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngành nghề cũng như xây dựng được khả năng tư duy về những gì mình phải làm trong tương lai.

Đừng ngại hỏi thật nhiều câu hỏi. Chẳng hạn như: “Những người giỏi có những tư chất gì mà người khác không có?” hoặc “Vị trí bạn ứng tuyển có những đòi hỏi “ngầm” nào?” Chú ý tới những yêu cầu mà công ty không nói ra, vì đó thường là những yêu cầu rất quan trọng.

Việc hiểu rõ về công việc sẽ là một thế mạnh khi bạn ứng tuyển. Dù sao thì, nếu chỉ được tuyển dụng một người, tôi sẽ ưu ái người ít kinh nghiệm hơn nhưng hiểu việc.

3. Hãy nhấn mạnh vào những đặc điểm phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển

Giờ đây, bạn đã có những “nguyên liệu” chính: danh sách những gì bạn có thể làm và những thứ mà nhà tuyển dụng trông chờ ở bạn. Việc tiếp theo, bạn cần “hợp lí hóa” những gì bạn đang có.

Quay lại câu chuyện chuyển nghề của cô học trò của tôi. Công việc yêu cầu ứng viên phải có: kĩ năng phân tích, khả năng tập trung cao, có thể khái quát hóa cũng như cụ thể hóa vấn đề, hiểu khách hàng và sở hữu bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.

Những kĩ năng mà nhà tuyển dụng không nói ra bao gồm: khả năng lan truyền sự tự tin, kĩ năng bán hàng, trực giác mạnh mẽ, kĩ năng con người nhạy bén, kĩ năng phục hồi và khả năng lắng nghe tuyệt vời.

Hiểu được điều này, cô học sinh của tôi đã tìm cách móc nối bằng cấp của cô ấy với những gì công ty yêu cầu. Chẳng hạn như:

Kinh nghiệm/Giải thưởng/Thành tựu

- Quản lí mọi mặt của triển lãm: website, các mối quan hệ, tiếp thị, …

- Tăng doanh thu thêm 44% nhờ vào việc tận dụng hàng tồn kho.

- Có nhiều kinh nghiệm với việc kinh doanh thực tế.

- Đã từng bơi xuyên vịnh từ Alcatraz. (Tuy không thực sự liên quan, thông tin này có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Nhiều khả năng họ sẽ trầm trồ: “Chà, tay này ‘cứng’ thật. Mình cần gặp người này.”)

Lưu ý:

Nếu bạn thiếu đi những kĩ năng cơ bản mà họ yêu cầu, hãy tập trung “lấp lỗ hổng” trước khi ứng tuyển. Bạn sẽ không muốn ứng tuyển vị trí sales và nói rằng: “Tôi chưa từng bao giờ bán bất cứ cái gì!” Thay vào đó, bạn có thể tích lũy kinh nghiệm ở những công việc có liên quan, sau đó tự tin khẳng định: “Tôi chưa bao giờ chính thức làm sales, nhưng trước nay tôi vẫn làm công việc gây quỹ và tìm nguồn tài trợ.”

4. Tìm gặp “nhà thông thái”

Tới giờ phút này, bạn nghĩ rằng mình là một ứng cử viên độc đáo và đủ khả năng. Chỉ còn một bước nữa thôi là bạn có thể bắt đầu nộp đơn ứng tuyển: Hãy tìm đến những người có hiểu biết và xin nhận xét thật lòng của họ. Những người này sẽ nói cho bạn biết liệu bạn có triển vọng đạt được công việc mơ ước hay không.

Những nhà thông thái thường là người có kinh nghiệm làm việc lâu năm, vị trí cao đủ để đánh giá khả năng cũng như những tiêu chí còn thiếu của bạn.
Những nhà thông thái thường là người có kinh nghiệm làm việc lâu năm, vị trí cao đủ để đánh giá khả năng cũng như những tiêu chí còn thiếu của bạn.

Hãy thử hỏi 4 câu hỏi sau:

1. “Anh/Chị thấy sao khi ứng viên tự nhận mình có những ưu điểm này?”

2. “Có điều gì khiến Anh/chị cảm thấy khó tin không?”

3. “Anh/Chị có thể gợi ý cách diễn đạt khác tốt hơn không?”

4. “Có những điểm tốt và chưa tốt nào nổi bật?”

Sau đó, hãy tiếp thu những nhận xét của họ. Suy cho cùng, bạn đâu chỉ muốn ứng tuyển. Bạn muốn được chọn.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng: Bạn là ứng viên “xịn” nhất bởi chính những gì bạn có.

Minh Hằng

Cùng chuyên mục
XEM