Làm sao để trả lời tốt câu hỏi có trong mọi buổi phỏng vấn xin việc: “Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”

09/12/2019 20:07 PM | Kinh doanh

Chìa khóa là đừng quá thành thật và phải khẳng định được giá trị bản thân.

Trong bất cứ buổi phỏng vấn nào, người tuyển dụng luôn muốn biết lý do vì sao nhân viên lại nghỉ việc ở công ty cũ của họ. Vấn đề là bạn nên trả lời thành thật đến mức độ nào? Việc nói thẳng rằng bạn nghỉ việc vì sếp quá tệ, muốn kiếm thêm thu nhập hay đơn giản là tìm công việc mới sẽ gây ấn tượng không tốt với các nhà tuyển dụng.

Ashley Watkins - chuyên viên tuyển dụng với kinh nghiệm lâu năm - chia sẻ: "Mọi người sẽ thường nói quá thẳng thắn, rồi từ từ trở thành người than trách về môi trường làm việc cũ của họ". Những nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân viên nhưng đồng thời, họ cũng sẽ đánh giá mục tiêu và ý chí của người xin việc xem họ có chung tư tưởng, quan điểm với công ty hay không.

Trả lời kiểu câu hỏi này cần sự khéo léo và biết cách làm cho những kĩ năng bạn tích lũy được ở công việc cũ trở nên có ích với vị trí bạn đang muốn ứng tuyển.

Nếu bạn đang tìm công việc mới vì đã chán nản với vị trí hiện tại

Bạn rất muốn trách móc công ty cũ vì văn hóa công sở tồi tệ hay sếp cũ hay đưa nhưng yêu cầu vô lí, nhưng việc kể lể này sẽ biến họ thành nhân vật chính của buổi phỏng vấn, mà đáng lẽ phải là bạn.

Lori Rassas - nhà định hướng nghề nghiệp và tác giả cuốn sách về tuyển dụng - cho biết: "Nếu bị hỏi về nguyên nhân nghỉ việc ở công ty cũ mà lý do vì sếp thì hãy trả lời theo hướng: Bạn và công ty có những quan điểm khác nhau, cách quản lý và sắp xếp, hoàn thành công việc khác nhau".

Watkins nói: "Trả lời câu hỏi như trên sẽ nghe như bạn có giá trị riêng nhưng không thực sự phù hợp với công ty cũ, hoặc định hướng của cả hai không trùng khớp. Vì vậy, hiện nay bạn muốn tìm kiếm vị trí mới có thể tận dụng được khả năng vốn có, thích hợp với kỹ năng và thế mạnh, sau đó hãy nói về điều bạn có thể mang lại cho công ty của họ. Tuy nhiên, hãy nói thật ngắn gọn vì bạn không muốn biến buổi phỏng vấn thành chỗ khoe khoang về bản thân".

Rassas còn chia sẻ một cách rất hay: Hãy trả lời câu hỏi này như thể những người bạn nhắc đến đang ngồi bên cạnh. Cách này giúp kiểm soát việc nên nói những gì, nói như thế nào, không lỡ miệng nói lời bình phẩm mà bạn không dám nói trực tiếp với họ.

Nếu bạn đang tìm kiếm công việc mới vì muốn phát triển sự nghiệp

Làm sao để trả lời tốt câu hỏi có trong mọi buổi phỏng vấn xin việc: “Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”  - Ảnh 1.

Hãy nhấn mạnh vì sao công ty đang ứng tuyển là nơi tốt nhất để thể hiện những thế mạnh của bạn.

Câu trả lời: "Muốn tìm cơ hội phát triển" là không đủ cho các nhà tuyển dụng. Cần làm rõ, nhấn mạnh vì sao công ty đang ứng tuyển là nơi tốt nhất giúp bạn trưởng thành trong sự nghiệp hơn.

Chỉ ra một kĩ năng bạn đã và đang cố gắng học hỏi, giải thích tại sao công ty của họ là lựa chọn tốt nhất cho việc trau dồi kỹ năng ấy.

Rassas cho biết: "Nếu công ty bạn muốn xin vào có nhóm thực tập, khách hàng hay dự án nào đó liên quan đến lĩnh vực, chủ đề mà công việc cũ không thể chạm tới thì có thể lấy làm một phần câu trả lời. Rằng bạn muốn mở rộng chuyên môn với những lĩnh vực chưa tiếp xúc ở công ty cũ bằng chính những kĩ năng sẵn có".

Nhưng hãy cẩn trọng, bởi lý do muốn phát triển sự nghiệp có thể làm phật lòng một số người phỏng vấn, họ sẽ cho rằng bạn coi công ty chỉ như bước đệm chứ không muốn gắn bó lâu dài.

Rassas chia sẻ, với một số người tuyển dụng, đó là dấu hiệu cho thấy bạn sẽ không tuân thủ theo quy tắc công ty và sẽ nghỉ việc khi nhu cầu không được đáp ứng. Vì họ cũng muốn tìm kiếm sự ổn định và yêu cầu nhân viên xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Nếu bạn đang tìm kiếm công việc mới vì muốn đổi ngành nghề

Làm sao để trả lời tốt câu hỏi có trong mọi buổi phỏng vấn xin việc: “Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”  - Ảnh 2.

"Với những người muốn chuyển ngành nghề, họ phải biết cách kể ra những thế mạnh bản thân và những thế mạnh đó sẽ ứng dụng được gì cho công việc mới này".

Đừng hướng câu trả lời về những thứ bạn không có. Watkin nói một trong những lỗi sai cơ bản khi đi phỏng vấn là những câu trả lời: "Tôi biết là mình không có được đào tạo trong ngành này… ". Vì khi đó, những người phỏng vấn bạn sẽ đánh trượt ngay tức khắc.

Các kỹ năng tích lũy được ở công việc trước có ích hơn bạn nghĩ nhiều. Watkins đã đưa ra ví dụ về một khách hàng là giáo viên trở thành nữ y tá. Cô cho biết: "Chúng tôi tìm những giá trị có thể áp dụng vào công việc y tá với kinh nghiệm làm giáo viên của khách hàng. Đó là kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp với mọi người mà cần thiết với ngành chăm sóc sức khỏe".

Watkins nói thêm: "Với những người muốn chuyển ngành nghề, họ phải biết cách kể ra những thế mạnh bản thân và những thế mạnh đó sẽ ứng dụng được gì cho công việc mới này".

Trong buổi phỏng vấn, hãy thể hiện rõ quyết tâm muốn thử sức sức trong lĩnh vực mới và bạn đã làm gì để chuẩn bị cho bước nhảy việc này.

Theo An Phương

Cùng chuyên mục
XEM