Làm sao để đối phó với đồng nghiệp thích tranh công chốn văn phòng?

17/07/2019 08:55 AM | Kinh doanh

Khi gặp người như vậy, tốt nhất không nên tranh cãi trực tiếp, nếu bạn và đối phương tranh cãi, điều này chỉ khiến cấp trên của bạn cảm thấy bạn là người tính toán, nhỏ mọn, thậm chí còn ảnh hưởng không tốt đến bạn.

Xã hội ngày nay cạnh tranh rất khốc liệt, tại nơi làm việc, lúc nào chúng ta cũng nghĩ phải làm sao để làm tốt công việc, giành được thành tích để được thăng tiến và tăng thu nhập.

Đa số chúng ta đều cố gắng cống hiến với hi vọng thành tích của mình được công nhận. Tuy nhiên, quan hệ con người nơi công sở rất phức tạp, có một số người lợi dụng sự tin tưởng của người khác để lên kế hoạch cướp thành quả lao động của người khác, những người như vậy được gọi là "người tranh công".

Khi gặp người như vậy, tốt nhất không nên tranh cãi trực tiếp, nếu bạn và đối phương tranh cãi, điều này chỉ khiến cấp trên của bạn cảm thấy bạn là người tính toán, nhỏ mọn, thậm chí còn ảnh hưởng không tốt đến bạn. Lúc này, bạn phải khéo léo sử dụng kĩ năng ngôn ngữ để đối phương lộ bộ mặt thật của mình, để cấp trên của bạn có thể nhìn ra sự thật.

Nhân vật Hoa trong câu chuyện sau đây đã làm rất tốt điều này.

Một ngày, một thanh niên trẻ vừa tốt nghiệp tới nhận việc tại phòng biên tập của tờ báo nọ. Sau khi tổng biên tập giới thiệu, mọi người biết cậu thanh niên là phóng viên Vương Nhuệ mà công ty mới tuyển vào. Theo quy định, phóng viên mới phải thực tập ở phòng biên tập nửa tháng rồi mới được ra ngoài lấy tin. Hoa - Phụ trách phòng biên tập được giao nhiệm vụ chỉ dẫn người mới.

Sau vài ngày tiếp xúc, bằng trực giác, Hoa phát hiện Vương Nhuệ không phải là một người mới tốt nghiệp còn lơ ngơ, mà cậu có rất nhiều dự tính.

Quả nhiên, hai tuần sau khi thực tập ở phòng biên tập, tổng biên tập tìm Hoa, vui vẻ nói với cô: "Xem ra cậu Vương Nhuệ mới đến rất được, đương nhiên cũng nhờ công đào tạo của cô. Mấy ngày qua, cậu ấy đã nộp cho tôi đề cương phỏng vấn và những đề tài rất hay. Cứ thế này, có thể để cậu ấy bắt tay vào công việc trước thời hạn, ý cô thế nào?"

 Hoa nghe lời tổng biên tập nói thì cảm thấy có gì đó không ổn, bởi vì suốt những ngày qua, Vương Nhuệ hầu như luôn ở bên cạnh cô, cô chưa thấy cậu ta gọi điện liên hệ công việc gì cả, Vương Nhuệ cũng chưa bao giờ thảo luận về đề cương phỏng vấn với cô.

Làm sao để đối phó với đồng nghiệp thích tranh công chốn văn phòng? - Ảnh 1.

Sau hồi suy nghĩ, Hoa dường như đã hiểu chuyện, cô vờ như không có gì và nói với tổng biên tập: "Đó là nhờ khả năng chọn người của tổng biên tập. Thế nhưng, cậu ấy vẫn chưa đưa đề cương kế hoạch nào cho tôi, ông có thể cho tôi xem qua phương án của cậu ấy để tham khảo không?"

Tổng biên tập đưa đề cương của Vương Nhuệ cho Hoa xem, đúng như những gì cô phán đoán. Thì ra phương án và đề tài Vương Nhuệ nộp cho tổng biên tập đều là nội dung các cuộc điện thoại liên hệ công việc của Hoa. Vương Nhuệ đã ghi lại và coi đó là thành quả của mình rồi nộp cho tổng biên tập.

Nhưng Hoa biết, Vương Nhuệ là người do đích thân tổng biên tập phỏng vấn và tuyển dụng, không nên nói thẳng với tổng biên tập về hành động của Vương Nhuệ. Hoa vừa xem bản báo cáo của Vương Nhuệ, vừa suy nghĩ tìm đối sách. Cuối cùng, cô nói với tổng biên tập: "Nếu tổng biên tập đã xin ý kiến của tôi, tôi cũng không khách sáo, tôi muốn để Vương Nhuệ ở bên cạnh mình một thời gian nữa, đợt này tin tức cũng nhiều, một mình tôi không sắp xếp nổi công việc, hãy để cậu ấy giúp tôi, sẽ không mất nhiều thời gian."

Nghe Hoa nói có lí, tổng biên tập liền đồng ý với yêu cầu của cô.

Sáng ngày hôm sau, Hoa cố ý giả vờ gọi điện thoại cho cấp dưới để nói về đề tài phỏng vấn, cô đã cố tình để lộ hai đề tài không hay cho Vương Nhuệ biết. Đến buổi chiều, khi cảm thấy Vương Nhuệ đã giao đề tài đó cho tổng biên tập, cô bèn lấy lí do không rõ phương hướng phỏng vấn để tìm gặp tổng biên tập: "Thưa tổng biên tập, sáng nay hai phóng viên gọi điện về báo đề tài phỏng vấn, tôi chưa rõ hướng phỏng vấn nên muốn xin ý kiến tổng biên tập, suy nghĩ lúc đầu của tôi là thế này… bây giờ tôi thấy nó không hợp lí nên muốn nhờ tổng biên tập cho ý kiến chỉ đạo."

Tổng biên tập ngạc nhiên hỏi: "Sao lại có thể như thế?"

Hoa: "Có chuyện gì ạ?"

Tổng biên tập: "Không sao, cô nói tiếp đi".

...

Sau vài lần như vậy, cuối cùng tổng biên tập cũng nhìn ra sự thật về Vương Nhuệ và tìm lí do để không nhận cậu nữa.

Trong ví dụ này, Hoa rất thông minh, trước việc Vương Nhuệ lấy thành quả của người khác làm thành quả của mình, cô đã không nói trực tiếp với cấp trên, cũng không trách mắng hay chỉ trích Vương Nhuệ, mà cô đã sử dụng cách vô hình để chứng minh sự thật.

Nếu Hoa trực tiếp chất vấn hoặc nói thẳng sự thật với tổng biên tập, có thể sẽ gây ra xung đột hoặc tranh chấp, thậm chí còn khiến cấp trên không hài lòng.

(*) Nội dung tham khảo cuốn sách: Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM