Làm sao để đầu tư gọi vốn cộng đồng cho startup ở Việt Nam cũng ‘gây bão’ như chứng khoán 2 năm qua?

23/02/2022 07:15 AM | Kinh doanh

"Tương lai của thị trường vốn chính nằm ở việc khai thác toàn bộ nguồn vốn đầu tư từ người hàng nghìn tỷ người dùng nhỏ lẻ trên toàn cầu, chứ không chỉ từ những quỹ đầu tư hay các triệu phú. Mặt khác, dù mô hình đầu tư mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp có rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người", Nhà đồng sáng lập Republic nhận định.

Sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, gọi vốn cộng đồng nở rộ tại Anh từ năm 2006 và Mỹ vào năm 2007. Vốn cộng đồng sau đó đã phát triển và chiếm đến 12.9% tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Anh.

Hiện nay, ước tính có khoảng 2.000 nền tảng gọi vốn cộng đồng trên toàn cầu. Riêng tại Bắc Mỹ, theo số liệu từ Statista, hình thức này đã thu hút đến 74 tỷ USD cho các doanh nghiệp startup. Khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương đang theo sau với tốc độ tăng trưởng đáng chú ý.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng cho thấy số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới tăng kỷ lục cũng như số lượng người tham gia vào thị trường tiền mã hóa trong top 10 thế giới. Vậy nên, các chuyên gia cho rằng: gọi vốn cộng đồng có thể là hình thức tiếp theo "gây bão" trên thị trường.

Bởi theo ông Kendrick Nguyễn - Nhà đồng sáng lập Republic và 'kỳ lân' CoinList, cho biết: nhà đầu tư dự án gọi vốn cộng đồng không cần thiết phải là những triệu phú. Họ có thể là những cá nhân bỏ số vốn nhỏ vào các startup cùng hàng trăm, hàng ngàn người khác thông qua một nền tảng công nghệ uy tín và được hỗ trợ bởi một hành lang pháp lý phù hợp.

Gọi vốn đầu tư được biết đến như một cách để các startup có nguồn lực hiện thực hóa ý tưởng của mình. Tuy nhiên, hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Một số nền tảng xuất hiện từ lâu nhưng chưa tạo được dấu ấn và sớm "chết yểu".

Bên cạnh đó, startup Việt muốn được gọi vốn từ các sàn nước ngoài phải mở thêm chi nhánh công ty tại những nước đã có hành lang pháp lý sẵn sàng.

Powperpass ra mắt năm 2020 tự gọi mình là nền tảng gọi vốn cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam.

"Gọi vốn cộng đồng không phải là kiểu đầu tư mạo hiểm được ăn cả ngã về không, nó có thể chia sẻ lợi nhuận và rủi ro, đáp ứng hàng loạt các nhu cầu vốn từ các công ty mới thành lập.

Mặt khác, dù mô hình đầu tư mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp có rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người", ông Kendrick chia sẻ trong Tọa đàm ‘Gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam và thực tiễn của doanh nghiệp trong và ngoài nước’, được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Tại Mỹ, các doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn của cộng đồng này cũng không chỉ là các startup công nghệ AI và blockchain, mà còn có các doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng, khách sạn. Chẳng hạn, nền tảng AngelList đã giúp Uber huy động được một triệu USD đầu tiên để thực hiện mô hình kinh doanh đột phá ngành vận tải taxi.

Năm 2016, khi Mỹ ban hành quy định cho phép startup gọi vốn cộng đồng, Kendrick đã thành lập Republic với tầm nhìn mang đầu tư phổ biến như mua sắm thông thường và mọi người có thể đầu tư vào những thứ mà họ quan tâm cũng như thu lợi nhuận một cách dễ dàng.

Các công ty sử dụng Republic có thể huy động được vốn hạt giống, sau đó gọi vốn các vòng tiếp theo từ các quỹ mạo hiểm nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng có những công ty đi theo hướng ngược lại, huy động được số vốn khổng lồ từ các quỹ mạo hiểm, sau đó quay lại gọi vốn từ chính cộng đồng của mình như một cách tiếp thị.

Chẳng hạn như nền tảng hỗ trợ dạy học nhóm Maven đã gọi 4,3 triệu USD từ các quỹ đầu tư, sau đó gọi thêm 750.000 USD thông qua Republic và hoàn thành vòng Series A chỉ ba tháng sau với mức đầu tư 20 triệu USD.

Để đầu tư gọi vốn cộng đồng ‘gây bão’ giống như chứng khoán tại Việt: Hạ tầng công nghệ phải song hành cùng hành lang pháp lý - Ảnh 2.

Một tọa đàm về đầu tư vào lĩnh vực không gian mà Republic tổ chức cho các nhà đầu tư của mình.

Hiện nay, Republic được cho là nền tảng đầu tư đa tài sản duy nhất trên thế giới. Tại đây mọi người có thể chọn đầu tư các startup, các dự án dựa trên tiền mã hoá, bất động sản, các sản phẩm giải trí và nhiều loại hình khác.

Khát vọng của Republic là xây dựng một nền tảng cho 30% dân số toàn cầu. Đến nay, đã có 2,5 triệu người dùng nền tảng của Republic, với hơn 1.000 công ty gọi vốn cộng đồng thành công với tổng số vốn trên 900 triệu USD. Năm 2021, Republic nhận rót vốn lên đến 150 triệu USD từ các quỹ đầu tư hàng đầu để thúc đẩy mô hình này trên toàn thế giới.

Mới đây, mảng đầu tư bất động sản trong vũ trụ ảo metaverse của Republic cũng công bố gọi vốn thành công 60 triệu USD để đầu tư vào các tài sản đất đai trên không gian mạng.

Ngược lại, các công ty có thể nhận hỗ trợ từ Republic để tham gia gọi vốn đổi cổ phần từ cộng đồng ngay từ những vòng hạt giống hoặc ra mắt đồng tiền mã hóa và gọi vốn qua các vòng bán kín (private sale) và công khai (public sale).

Xây dựng một nền tảng gọi vốn như Republic cũng giống như việc xây dựng những chợ điện tử như Lazada, Alibaba và Amazon, đều cần có thị trường cung và cầu. Tuy nhiên thử thách là rất ít người hiểu về đầu tư và mất nhiều thời gian để các doanh nghiệp có thể giáo dục được người dùng.

Dù vậy, yếu tố công nghệ như KYC/AML hay blockchain đang góp phần giảm thiểu rủi ro và sự phức tạp của hoạt động đầu tư này. Ông Kendrick đánh giá vào thời điểm ngành công nghiệp này trưởng thành, khoảng 10 đến 20 năm nữa, đây sẽ là một thị trường trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Đặc biệt, ông Kendrick nhấn mạnh rằng: bất kỳ ai xây dựng các công ty công nghệ tài chính (fintech), dù là huy động vốn cộng đồng hay tiền điện tử, cần phải có hiểu biết và năng lực pháp lý. Đây cũng là lợi thế để Republic "tham chiến" trên thị trường toàn cầu, nhất là khi công ty đang bắt đầu thâu tóm các doanh nghiệp tại Anh và Hàn Quốc và cho phép mọi người đầu tư xuyên biên giới.

Để đầu tư gọi vốn cộng đồng ‘gây bão’ giống như chứng khoán tại Việt: Hạ tầng công nghệ phải song hành cùng hành lang pháp lý - Ảnh 4.

Ông Kendrick Nguyễn đang chia sẻ trong Tọa đàm ‘Gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam và thực tiễn của doanh nghiệp trong và ngoài nước’, được tổ chức bởi NIC.

"Thị trường đầu tư và gọi vốn sẽ biến đổi rất nhanh và phát triển không biên giới. Cách duy nhất để tồn tại là phối hợp hiệu quả giữa nhiều chủ thể, bao gồm hệ thống pháp lý và hạ tầng công nghệ.

Tương lai của thị trường vốn chính là ở việc khai thác toàn bộ nguồn vốn đầu tư bởi người hàng nghìn tỷ người dùng nhỏ lẻ (retail) trên toàn cầu, chứ không chỉ từ những quỹ đầu tư hay các triệu phú", Kendrick Nguyễn khẳng định.

Đặc biệt, tại buổi tọa đàm, ông Kendrick cũng bật mí rằng Republic sẽ hỗ trợ, giúp đỡ những doanh nghiệp Việt Nam thông qua những hợp tác với các chủ thể trong hệ sinh thái khu vực, thay vì thành lập một đội ngũ Republic Việt Nam, nhất là khi hành làng pháp lý trong nước sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai.

Đồng quan điểm với Kendrick Nguyễn, bà Thạch Lê Anh - Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley (VSV) bày tỏ: những ai không biết về đầu tư vào các công ty startup sẽ thiệt thòi bởi đây là một lĩnh vực có thể đem lại lợi nhuận "béo bở", thú vị và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Hiện nay, công nghệ đã hỗ trợ để việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn, bớt rủi ro hơn và hiệu quả hơn. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng đã có thêm nhiều nguồn lực về tài chính, nhiều bài học kinh nghiệm từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, bà nhấn mạnh rằng: để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả và tránh "rò rỉ" nguồn lực khổng lồ của các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra nước ngoài, cần thiết có những cải tiến về hành lang pháp lý để đón dòng vốn đầu tư. Thị trường đầu tư vào startup ở Việt Nam chỉ có phát triển nhanh hoặc rất nhanh vì đây là xu thế tất yếu không thể đảo ngược.

Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA), nay là VSV Capital, ra đời năm 2014, dựa trên những nghiên cứu từ Đề án Vietnam Silicon Valley - Đề án đầu tiên của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ trực tiếp cho startup. VSV Capital hiện thực hiện nhiều hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm khóa thúc đẩy kinh doanh kéo dài 4 tháng với khoản đầu tư lên đến 50.000 USD cho mỗi startup tham gia.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM