Làm phục vụ lương bèo, hay gặp khách nhiễu nhương: Vì sao nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận?

10/06/2022 14:07 PM | Sống

Làm phục vụ khổ lắm: Lương bèo, quản lí gắt gỏng lại gặp khách khó chiều.

Chuyện làm phục vụ cho những quán ăn, cửa hàng, quán cà phê đã không còn là xa lạ với các bạn học sinh, sinh viên. Nhưng làm phục vụ thì cũng drama không kém gì công sở nhé. Thậm chí chuyện phục vụ bị khách review kém, lên bài đăng rần rần trên mạng rất nhiều.

Cùng trò chuyện với các bạn trẻ đang làm công việc phục vụ để hiểu thêm góc nhìn từ người trong cuộc. Mỗi người có 1 lý do riêng để bắt đầu công việc này. Và dù bị nhận xét là lương thấp, cực khổ, không có chuyên môn... thì họ vẫn đã và đang làm - vì sao? Cùng nghe người trong cuộc giãi bày!

Lương bèo, sếp dữ, khách drama: Sao vẫn làm phục vụ?

Hương (18 tuổi, hiện đang là phục vụ cho một quán cà phê tại Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Mình là sinh viên năm nhất, vì chưa có kinh nghiệm làm việc gì, lại mới vào Sài Gòn nên xin làm phục vụ quán cà phê, một phần là vì mình muốn có công việc để có tiền đóng trọ, không cần phải xin ba mẹ.”

 Làm phục vụ lương bèo, hay gặp khách nhiễu nhương: Vì sao nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Không giống như Hương, Nam (19 tuổi, hiện làm phục vụ cho một quán lẩu tại Quận Gò Vấp) cho rằng vì không thích môi trường gò bó như văn phòng, muốn vận động nhiều, nhưng lại không có kinh nghiệm nào cả, nên anh bạn chọn làm phục vụ cho quán lẩu để kiếm thêm đồng lương mua sắm cho bản thân.

Còn Nga (18 tuổi, phục vụ quán ăn Quận 1) thì chia sẻ bản thân cô bạn còn đang là một sinh viên, cần kiếm công việc làm thêm vào buổi tối, nên nghề phục vụ bàn và quán ăn lại là lựa chọn lý tưởng. “Mình đi học nên thời gian khá tréo ngoe, khó mà xin các vị trí thực tập của công ty vì hầu hết họ đều bắt làm trong khoảng thời gian cố định, chỉ có làm phục vụ mới sắp xếp được thời gian phù hợp với lịch học mà thôi” - cô nàng tâm sự.

Oanh (20 tuổi, đã đi làm phục vụ hơn 1 năm tại một quán ăn dành cho người nước ngoài nổi tiếng tại Quận 2) cho rằng cô thích sự tự do và thoải mái của công việc phục vụ: “Nói thật là mình từng xin thực tập, làm gia sư cũng có nhưng thú thật vẫn quay lại với công việc này (cười lớn), với một người suy nghĩ đơn giản như mình thì thấy công việc này khá thoải mái đầu óc, tuy làm việc trong ca có vất vả, gặp khách khó tính này nọ nhưng ngoài thời gian phục vụ thì mình chẳng cần vác việc về nhà, cũng không cần suy nghĩ gì cả.”

Phục vụ thái độ không đúng mực: Có hay không - Chuyện như thế nào?

Nga kể rằng cô từng gặp một trường hợp khách hàng khá oái ăm. Dù quy định trong quán buffet của cô nàng là chỉ miễn phí cho các bé cao dưới 1m, còn các bé cao từ 1-1,4 m tính giá một nửa, từ 1,4 m trở lên tính như người lớn, vị khách vẫn cho rằng bé còn nhỏ tuổi và không cần phải đóng tiền 1 vé như người lớn dù bé cao trên 1,45m.

“Phụ huynh bé này nhất mực cho rằng bé chỉ mới nhỏ tuổi, không ăn nhiều, tính giá người lớn là không đúng, thậm chí còn đòi kiện cả quán. Mình giải thích thế nào cũng không chịu nghe, chị khách còn làm rùm beng, nói lớn tiếng, quát tháo nhân viên không có trình độ. Đợt đó phải nhờ quản lý xuống giải quyết. Sáng hôm sau quán mình bị vote 1 sao, còn bị gọi là thái độ nhân viên không tốt. Mình thực sự rất khó xử, dù mình không sai” - Nga bổ sung.

Hương cũng cười trừ khi chia sẻ câu chuyện phục vụ thượng đế kém duyên, cô cho biết: “Mình đã từng gặp một khách hàng lấy nhầm đồ của người khác trong quán, mình chủ động gặp riêng vị khách này để nhắc nhở khách không tự tiện lấy đồ, nhưng sau đó họ còn đánh mình và livestream kể lể rằng mình bịa chuyện, quán bán nước dở mà nhân viên cũng chẳng ra gì, lúc đó mình buồn lắm, may mà có camera ghi lại, dễ đối chứng với chị khách kém duyên.”

 Làm phục vụ lương bèo, hay gặp khách nhiễu nhương: Vì sao nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nam thì cho rằng làm phục vụ ở quán lẩu của anh chàng cũng drama không kém khi thường bị khách soi mói nếu nhân viên có tụ tập lại nói chuyện trong lúc rảnh: “Thông thường sau khi phục vụ khách xong, tụi mình thường tụ nhau nói chuyện, kiểu vui vui thôi ấy, chứ cũng không có vấn đề gì, có điều khách hay khó chịu, có lần có khách còn chửi tụi mình là dám liếc xéo, nói xấu khách, dù tụi mình không hề làm gì cả.”

Nam nói thêm: “Sau đợt đó đúng là tụi mình có biết cẩn thận hơn, chẳng ai dám nói chuyện hay cười đùa nữa cả, nhưng mà khách phản ứng như vậy thì có phần hơi quá đáng.”

Phản ứng khi gặp bài đánh giá thấp từ khách: Người bất ngờ, người chỉ dám cười trừ vì quá vô lý

Sau khi bị khách đăng video livestream nói xấu mình trên mạng xã hội, Hương chỉ biết sốc. Cô nàng cho rằng bản thân mình chỉ đang làm đúng trách nhiệm của một nhân viên cửa hàng, và thật khó chịu khi bị mắng, bị công kích. “Mình mong muốn đảm bảo tư trang cá nhân của khách hàng thôi nhưng lại bị liên lụy quá nhiều, may mắn là có camera làm bằng chứng nên chị khách mới xóa bài đăng livestream, mình cũng chưa từng được nhận lời xin lỗi từ chị.” - cô bộc bạch.

 Làm phục vụ lương bèo, hay gặp khách nhiễu nhương: Vì sao nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Còn Nga thì cho rằng quá vô lý khi một nhân viên chỉ làm đúng trách nhiệm của mình lại bị khách đánh giá thái độ không tốt. “Mình cần sự bao dung và cách nhìn nhận rõ ràng hơn về nghề phục vụ, tụi mình lương rất thấp luôn, và không phải tụi mình làm khó khách hàng. Có những nguyên tắc trong công việc bắt buộc tụi mình phải tuân thủ, nếu không thì tụi mình chỉ có lấy lương ra đền cho quán mà thôi.” - cô quả quyết.

Oanh thì cho rằng làm phục vụ như “làm dâu trăm họ”, bởi nghề phục vụ phải vừa đảm bảo đúng yêu cầu của quản lí, vừa phải giữ chân được khách hàng. “Tớ thấy cực kì buồn khi mà nhiều khách hàng luôn cho mình là thượng đế, thích làm gì thì làm, mỗi quán đều có nguyên tắc riêng, mong mọi người đối xử với chúng tớ như người bạn, và nếu chúng tớ có sai, hãy đánh giá chúng tớ một cách văn minh hơn.”

Còn Nam chỉ cười lớn rồi phán một câu gọn lỏn: “Bao tiền mua một mớ bình yên. Mà quên lương bèo thế này sao mua nổi.”

Tạm kết:

Chuyện khách "rate" thái độ nhân viên thấp thì luôn đầy rẫy trên mạng, tuy nhiên xét ai sai ai đúng lại cần cái nhìn khách quan của người ngoài cuộc và cách giải quyết vấn đề văn minh hơn của người trong cuộc.

Cuối cùng, dù làm phục vụ hay là khách hàng, xin hãy tôn trọng công việc của tất cả mọi người. Hãy đối xử, nhìn nhận vấn đề một cách văn minh và tôn trọng lẫn nhau để mọi vấn đề được giải quyết một cách gọn ghẽ, chứ không phải là một chủ đề câu like dưới góc nhìn của một phía.

Ảnh: Tổng hợp

Theo Q.N

Cùng chuyên mục
XEM