Làm gì để thu hút người tài đặc biệt cho TP.HCM?

06/09/2018 08:27 AM | Xã hội

Cần đặt ra chế tài nghiêm khắc đối với các hiện tượng lạm dụng đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt để trục lợi.

Chiều 5-9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện dự thảo đề án về chính sách thu hút , bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2018-2022.

Bài học trải thảm đỏ đón nhân tài ở Đà Nẵng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đã nêu một ví dụ cụ thể đang xảy ra ở TP Đà Nẵng. Ông cho biết đã hơn 12 năm Đà Nẵng triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đà Nẵng bỏ ra 680 tỉ đồng, đào tạo 616 học viên nhưng chỉ 460 người trở về làm việc, số còn lại không biết đi đâu.

Trong số 460 người trở về làm việc thì có tới gần 100 người đã làm đơn xin rút khỏi đề án, rất nhiều trong số đó phải giải quyết việc chấm dứt cam kết bằng con đường tòa án. “Đó là bài học trong chính sách đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh, thành, trong đó có TP.HCM” - ông Hậu nói.

Từ đó, ông Hậu cho rằng đề án cần được triển khai bài bản để kiếm được nhân tài thật sự, đảm bảo công bằng, khách quan. Bởi trên thực tế có không ít trường hợp nhân tài thật sự không được tuyển dụng mà thay vào đó là “con ông cháu cha”, nhất là khi đề án đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn. Do đó, cần đặt ra chế tài nghiêm khắc đối với các hiện tượng lạm dụng đề án để trục lợi. Đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh dùng người thân quen, bệnh hẹp hòi trong thu hút và trọng dụng nhân tài.

Từ thực tiễn tuyển dụng và sử dụng nhân tài, ông Hậu cho rằng một số nhân tài sau khi tuyển dụng vào làm việc không có cơ hội phát huy năng lực, sở trường bởi vì một phần nguyên nhân là do sự khác biệt đối với quan điểm của lãnh đạo cấp trên với nhân tài. Khi đó, ý kiến trái chiều của nhân tài không được tôn trọng và đánh giá một cách đầy đủ. Trong trường hợp người lãnh đạo có đủ tâm, đủ tầm, biết tôn trọng ý kiến khác biệt, biết đặt lợi ích chung lên tất cả thì ý kiến trái chiều của nhân tài sẽ được coi trọng và nhân tài sẽ được tự do thể hiện quan điểm. “Nếu người lãnh đạo của nhân tài là người ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận ý kiến trái chiều thì sẽ là rào cản lớn trong thu nạp ý kiến người tài” - ông Hậu nói.

 Làm gì để thu hút người tài đặc biệt cho TP.HCM?  - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm (giữa) trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng: Khó hút

Lấy dẫn chứng từ việc TP.HCM trải thảm đỏ thu hút nhân tài, giai đoạn 2014-2017 thu hút được 15 chuyên gia, nhà khoa học nhưng đến nay đã rơi rụng mất năm người, GS-TS Phạm Văn Biên cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất làm cho những người có tài năng không phát huy được ở Việt Nam thời gian qua là điều kiện và môi trường làm việc.

“Nếu không thực sự đảm bảo được vấn đề này thì không hy vọng gì có đóng góp to lớn của những tài năng đặc biệt” - ông Biên nói và cho rằng ở nước ngoài lương của các tài năng đặc biệt có thể tới 10.000-20.000 USD/tháng. Còn trong đề án của TP.HCM, muốn đãi ngộ tài năng đặc biệt mà chỉ ở mức 20-30 triệu đồng/tháng (mức thu nhập này đã bao gồm tiền lương hằng tháng và phụ cấp) là thấp, cần xem xét lại.

Theo ông Biên, dù là tài năng đặc biệt thì cũng không thể làm việc một mình nên TP cần đặc biệt lưu ý việc hình thành tập thể khoa học xung quanh tài năng đặc biệt, như thế mới phát huy được hiệu quả mong muốn.

Đồng quan điểm với GS-TS Phạm Văn Biên về vấn đề thu nhập, nghệ sĩ Quyền Linh cho rằng người có tài năng đặc biệt được hưởng chính sách hỗ trợ về sinh hoạt phí 20-30 triệu đồng/tháng chắc khó thu hút được người tài đặc biệt.

“Không thể so bì với doanh nghiệp”

Lý giải thêm về đề án này, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm cho rằng đề án không ràng buộc người có tài năng đặc biệt phải vào bộ máy nhà nước, không nhất thiết ngày làm việc tám tiếng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Đề án này khuyến khích những đóng góp để giải quyết các vấn đề của TP. Tuy nhiên, nếu người đó và TP có nhu cầu thì sẽ tuyển vào biên chế.

“Trong bộ máy không phải là không có người tài nhưng chúng ta muốn thu hút nhiều người tài hơn nữa. Nếu không có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực chung, một người tài vào làm một cơ quan mà cơ quan không hợp tác thì cũng không giải quyết được gì, đó là bài toán cần giải quyết” - ông Lắm nói.

Theo ông Lắm, TP.HCM sẽ trả mức thu nhập tương đối để đảm bảo cuộc sống cho các tài năng đặc biệt, chứ không thể so bì được mức thu nhập như ở các doanh nghiệp. “Chế độ đãi ngộ sẽ khác, đặc biệt là sự trọng thị trân trọng nhà khoa học để nhà khoa học phát huy hết tài năng của mình. Sản phẩm người đó làm ra sẽ được thưởng” - ông Lắm nói.

Tuy nhiên, ông Lắm cũng thừa nhận bài toán khó nhất khi đưa ra đề án này là giải quyết thu nhập cho những người đang trong biên chế so với người tuyển mới để phát huy được sức mạnh tổng thể. Nếu không, một người tài vào làm trong cơ quan không hợp tác thì không giải quyết được gì.

Mức thưởng tối đa 1 tỉ đồng một người

Đề án nhằm thu hút người tài năng đặc biệt vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị, dịch vụ công, văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao. Theo đó, mức hỗ trợ ban đầu chỉ áp dụng cho lần đầu tiên là 50 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ về sinh hoạt phí 20-30 triệu đồng/tháng (gồm tiền lương hằng tháng và các khoản phụ cấp kèm theo lương nếu có).

Ngoài ra, chính sách tiền thưởng để khuyến khích phát huy tài năng được phân chia theo các nhóm đặc thù. Cụ thể, mức thưởng khi thực hiện sản phẩm, công trình cụ thể không thấp hơn 50 triệu đồng/người và tối đa 1 tỉ đồng/công trình. Với nhóm nhiều thành viên, thưởng không thấp hơn 30 triệu đồng/người và tối đa 1,5 tỉ đồng/công trình. Các vị trí còn lại mức thưởng đối đa 1 tỉ đồng/người.

Theo Tá Lâm

Cùng chuyên mục
XEM