Làm gì cũng vậy, không sợ kẻ địch mạnh, mà chỉ sợ đồng đội... rơi vào 3 loại người này

05/01/2017 08:39 AM | Công nghệ

Mọi môi trường làm việc đều có rất nhiều cá tính khác nhau và không ít trong số đó có thể làm bạn khó chịu. Nhiệm vụ của bạn là xác định rõ những kiểu đồng nghiệp… tiêu cực và khéo léo trong cách tiếp cận để vừa giữ mối quan hệ vừa không làm ảnh hưởng tới bản thân.

Loại 1: Kiểu đồng nghiệp thích tám chuyện mọi lúc mọi nơi

Tung tin đồn được cho là một cách để che giấu sự thiếu năng lực. Rất có thể đồng nghiệp của bạn đang thích giao tiếp theo kiểu này nhằm tìm kiếm sự kết nối.

Dẫu sao đi chăng nữa, tám chuyện, tung tin đồn về đồng nghiệp khác là một hoạt động rất tốn năng lượng. Và hơn hết, nó có thể phá hỏng hình ảnh chuyên nghiệp của bạn chỉ trong tích tắc.

Nguyên tắc để giải quyết kiểu đồng nghiệp này rất đơn giản: cảm thông và chuyển hướng.

Đầu tiên, hãy bày tỏ sự quan tâm đến đồng nghiệp bằng cách cho họ thấy họ đang được lắng nghe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bạn không nên bày tỏ thái độ, câu nói cho thấy mình đồng ý hoặc thỏa hiệp với những gì họ chia sẻ.

Hãy nhớ là bạn tập trung vào người chia sẻ chứ không phải những câu chuyện mà họ chia sẻ.

Sau bước này, hãy tìm cách lái câu chuyện sang một hướng khác. Ví dụ như nói về những điều tích cực (dự án mới của công ty), hoặc trực tiếp đề xuất một giải pháp như kiểu: "Ý tưởng này hay đấy, em nên trình bày thẳng với sếp, chứ kể cho anh thì có ích gì".

Loại 2: Nghiện làm việc và có thái độ tiêu cực về mọi thứ

Nếu bạn có đồng nghiệp coi sự bận rộn suốt ngày như thể một huy hiệu danh dự, đây không phải là một hình tượng tốt để bạn hướng tới. Nghiện làm việc không phải là một thói quen tốt cho cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Vì thế, đừng đề cao hành vi này.

Hãy giữ cuộc sống và công việc cân bằng. Đừng xây dựng văn hóa doanh nghiệp lúc nào cũng chăm chăm hướng về năng suất lao động, bị ám ảnh với năng suất lao động.

Bên cạnh đó, nếu bạn cũng đang gặp phải loại đồng nghiệp "chuyên gia vùi dập" ý kiến trong các cuộc họp và luôn đưa ra những câu hỏi như kiểu, "Đó là ý hay, nhưng điều gì có thể giúp chúng ta đảm bảo dự án này thành công?".

Cứ giữ thái độ tiêu cực và hoài nghi về mọi thứ sẽ tạo cho bạn một lớp vỏ bọc an toàn, nhưng ngược lại, chính chúng ta đang tự giết chết sự sáng tạo.

Loại 3: Lúc nào cũng "xán" lại gần một cách khó chịu

Ở môi trường công sở, bạn có thể gặp phải loại đồng nghiệp lúc nào cũng "xán" lại gần một cách khó chịu hoặc thực hiện những hành động không phù hợp như... tán tỉnh chẳng hạn.

Chìa khóa để đối mặt với kiểu đồng nghiệp này là luôn dứt khoát và ngay lập tức giữ một khoảng cách rõ ràng.

Ví dụ, bạn có thể nói: "Xin lỗi, anh phải quay lại làm việc đây", ngay khi cảm thấy có điều gì đó không ổn, thay vì để điều đó diễn ra lâu hơn và lặp lại nhiều lần.

Tóm lại, hãy luôn giao tiếp với đồng nghiệp bằng một tâm thế tích cực. Tất cả mọi người trong môi trường công sở, bao gồm cả bạn, đều là những cá nhân không hoàn hảo.

Hãy nhớ rằng chúng ta đều có những điểm mạnh - điểm yếu riêng, và đây cũng là khởi đầu để xây dựng, phát triển các mối quan hệ tốt trong môi trường làm việc.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM