Làm cha mẹ cũng phải học và đầu tiên bạn phải biết mình thuộc nhóm học sinh nào

20/01/2017 07:12 AM | Sống

Gia đình là một trong những hạt nhân đầu tiên của xã hội, vì thế quan tâm đến giáo dục gia đình chính là góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.

Căn cứ vào phản ứng của cha mẹ với trẻ, một nghiên cứu gần đây đã chia các bậc phụ huynh thành ba nhóm: nhóm độc tài, nhóm buông thả, nhóm quyền uy.

Nhóm độc tài thường sẽ đưa ra những hạn chế nghiêm khắc, yêu cầu trẻ buộc phải tuân thủ. Họ tin rằng trẻ phải “ở nơi nên ở”, phản đối chúng phát triển quan điểm của mình, giáo dục trẻ bằng những hạn chế nghiêm khắc với phương pháp giáo dục truyền thống. Nhưng họ không ý thức được rằng, trong rất nhiều tình huống, việc nhấn mạnh trật tự quá mức và nghiêm khắc khống chế lại trở thành gánh nặng cho trẻ.

Nhà giáo dục người Mỹ tên là Elizabeth Alice trong cuốn “Bồi dưỡng những đứa trẻ có trách nhiệm” đã viết: “Rất nhiều nghiên cứu chứng minh, những đứa trẻ bước ra từ những gia đình độc tài đều không có cuộc sống tốt đẹp… Chúng không vui vẻ, thích cô độc, khó tin tưởng người khác. So với những đứa trẻ trong những gia đình không bị khống chế quá nghiêm khắc thì sự đánh giá của chúng về bản thân là thấp nhất, thiếu tự tin nhất”.

Những cha mẹ ở nhóm buông thả thì lại hoàn toàn ngược lại. Họ bước vào một hướng cực đoan khác. Họ nghĩ mọi cách để tiếp nhận trẻ, cố hết sức để bồi dưỡng trẻ nhưng lại vô cùng bị động, không thể đưa ra những hạn chế nhất định cho trẻ, khi trẻ không phục tùng thì không biết làm thế nào. Họ cũng không yêu cầu nghiêm khắc với trẻ, thậm chí không có mục tiêu rõ ràng, chỉ hi vọng trẻ có thể phát triển tự nhiên.

Những cha mẹ ở nhóm quyền uy không giống với những nhóm trên. Họ cố gắng để bồi dưỡng trẻ tạo ra môi trường trưởng thành tốt nhất. Họ cũng có thể đề ra mục tiêu bồi dưỡng rõ ràng. Họ chỉ đạo trẻ nhưng không có nghĩa là khống chế. Họ có thể giải thích về hành vi của mình, đồng thời cho phép trẻ có chủ kiến.

Họ thích tính độc lập của trẻ, đồng thời bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của trẻ với gia đình, bạn bè và xã hội; họ phản đối tính ỷ lại và những hành vi ấu trĩ của trẻ, khích lệ và biểu dương khả năng của trẻ.

Từ đó có thể thấy, những cha mẹ quyền uy chắc chắn sẽ bồi dưỡng được những đứa trẻ tự tin, độc lập, trí tưởng tượng phong phú, khả năng thích ứng tốt, được mọi người yêu quý. Thái độ của cha mẹ với mọi người và sự việc xung quanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thái độ đối nhân xử thế của trẻ sau này.

Khi còn nhỏ, trẻ không thể khống chế hành vi của mình, hoàn toàn phải nhờ vào sự điều chỉnh của cha mẹ. Nếu cha mẹ biểu hiện không tốt thì trẻ sẽ bị nhiễm thói xấu. Cha mẹ giáo dục không tốt thì trẻ sẽ không thể phát triển tốt được.

Thái độ đối với trẻ và phương pháp giáo dục trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Cha mẹ nên kết hợp giữa “nghiêm” và “yêu”, vừa phải tôn trọng để trẻ cảm thấy bình đẳng, lại vừa phải bó buộc một cách tích cực để trẻ biết rằng khi chung sống với người khác, có những điều “có thể ” và “không thể ”, biết được rằng mình nên và không nên làm gì.

Nguyên tắc làm người chính là không gây trở ngại cho người khác, không làm tổn hại đến lợi ích của người khác, không phá hoại môi trường sống. Các bậc cha mẹ nên đối xử ôn hòa với trẻ, thường xuyên mỉm cười với trẻ. Hơn nữa, cần biết cách quan tâm và lắng nghe tâm sự của trẻ, hàng ngày bớt thời gian cùng chơi với con, hiểu được sở thích, hứng thú, ưu điểm, tính cách của trẻ. Với khuyết điểm của trẻ, không được tức giận, nổi nóng mà cần có những dẫn dắt tích cực.

Cha mẹ cũng cần chú ý, không được để những cảm xúc tiêu cực của mình ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Bởi cảm xúc tiêu cực không thể giúp giải quyết vấn đề mà sẽ lây sang tất cả mọi người, giống như một căn bệnh truyền nhiễm vậy. Vì thế, cha mẹ nên dùng lý trí để kiềm chế cảm xúc của mình, học cách nắm bắt và điều tiết cảm xúc; đồng thời giúp trẻ thoát khỏi sự khống chế của những cảm xúc tiêu cực, học cách tự điều tiết, trở thành người lạc quan và tự tin.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM