"Lạc quan thì tốt nhưng lấy gì để lạc quan?": 3 kinh nghiệm xương máu tôi dành cả thanh xuân để hiểu bản thân

25/02/2020 13:00 PM | Sống

Có thể với mỗi người, sự lạc quan sẽ đến từ nhiều thứ khác nhau. Nhưng điều quan trọng là hãy luôn giữ lạc quan như là một phần con người bạn.

"Lạc quan thì tốt nhưng lấy gì để lạc quan?"

Hôm nay xem một video nói tóm tắt về kinh tế của Việt Nam, trong video có một câu làm tôi tự đặt ra câu hỏi trong đầu. Ngay lúc này, tôi lấy gì để lạc quan? 

Bản thân tôi trước đây và bây giờ không phải là người để phần lạc quan chiếm đa số. Sở dĩ tôi nói vậy là trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi cảm thấy khá bế tắc và có khi bất lực. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ để sự lạc quan của mình dậm chân tại chỗ, tôi luôn cố gắng nhắc nhở bản thân từng ngày để nghĩ tích cực hơn vào hiện tại và đặt niềm tin vào tương lai. Tôi viết những dòng này, là vì tôi chưa bao giờ cho phép bản thân ngừng mơ và ngừng học hỏi để tốt hơn.

Đừng xả hơi khi bắt đầu một sự học mới

Hồi còn là sinh viên năm nhất, vào thời và ở nơi tôi sống, vẫn thường nghe rằng việc học đại học sẽ nhàn hơn so với hồi cấp ba. Và suy nghĩ đó ăn sâu vào đầu đến mức mà hầu hết thời gian năm đầu và gần 2 năm về sau, tôi học chỉ vì cố gắng lấy được tấm bằng đẹp. Tôi cố gắng học chỉ vì điểm số thay vì suy nghĩ mình học để sau này có thể làm một nghề nào đó, có một công việc nào đó. 

Chính vì những suy nghĩ đó, nên tôi chỉ học những điều mình được học một cách vừa đủ. Năm nhất tôi học tiếng Anh vừa đủ, năm hai tôi học các môn cơ sở vừa đủ, năm ba tôi học các môn chuyên ngành vừa đủ và tự hỏi mình học mấy môn này để làm gì nhỉ. Mãi cho đến cuối năm 3 tôi mới bắt đầu học tiếng Nhật và cho đến lúc này tôi nghĩ mình mới thực sự yêu việc học và thực sự học. Cho đến khoảng thời gian sau này nữa, tôi bắt đầu đi tìm học những điều khác hơn ngoài trường học, đọc nhiều sách hơn, tự tin tham gia nhiều khoá học khác và đi làm nhiều hơn.

Bây giờ, khi ngồi nhìn lại khoảng thời gian qua, tôi nhận ra việc học đại học dù không giúp mình bước theo con đường đã lựa chọn nhưng lại mở ra cho mình những con đường khác nhờ những người bạn và người thầy mình đã từng có trong đời. Điều duy nhất tôi cảm thấy hối tiếc đó là đã không thực sự học một cái gì đó, bất kể nó là cái gì ngay từ khi mình bắt đầu vào đại học. Thế nên, nếu bạn cũng đã từng như tôi, thì chưa bao giờ là muộn để bắt đầu lại cả.

Những gì bạn thực sự học và đầu tư cho nó sẽ là thứ giúp bạn lạc quan hơn.

Lạc quan thì tốt nhưng lấy gì để lạc quan?: 3 kinh nghiệm xương máu tôi dành cả thanh xuân để hiểu bản thân - Ảnh 1.

Đừng xả hơi khi tiêu tiền

Đây là một sai lầm tôi gặp khi ra trường và có việc làm đầu tiên. Tôi nghĩ việc dành ra tháng lương đầu tiên để mua quần áo đi làm là một việc làm hoàn toàn đúng, tuy nhiên nếu tất cả những tháng lương sau đều dành cho việc đó thì không ổn chút nào. Vì thế đừng xả hơi với tiền, nếu không muốn trở thành một người lạm chi. 

Hãy nhớ lại thời sinh viên, bạn cần bao nhiêu tiền để tiêu một tháng, đến lúc bạn đi làm bạn cần bao nhiêu tiền để chi tiêu một tháng, và đến khi bạn tăng lương bạn cần bao nhiêu tiền để chi tiêu một tháng. Có phải con số này luôn tăng lên và bạn luôn tự hỏi tại sao có 5 triệu/tháng bạn vẫn sống đủ, nhưng có khi có 9 triệu/tháng bạn vẫn tiêu hết. Hãy tự tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó để sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan hơn.

Đừng xả hơi tiền. Bởi vì tiền, trong nhiều hoàn cảnh, có thể làm bạn lạc quan hơn.

Lạc quan thì tốt nhưng lấy gì để lạc quan?: 3 kinh nghiệm xương máu tôi dành cả thanh xuân để hiểu bản thân - Ảnh 2.

Đừng bao giờ tự trách bản thân khi bạn đang rơi xuống "hố"

Tôi nghĩ rằng việc tự đối thoại với chính mình trong những lúc như vậy sẽ khiến bạn hiểu bản thân mình hơn. Nhưng hãy nhớ rằng việc tự trách bản thân về quá khứ là một việc mà nếu không cố gắng cải thiện chúng ta sẽ phải làm nó cả đời. 

Với những gì đã trải qua, tôi càng ngày càng thấu hiểu rằng việc một ai đó thành công họ phải bỏ công sức rất lớn và chắc chắn có những ngày họ cũng đang bất an về cuộc đời giống mình, chính vì thế tôi lựa chọn là người tiến lên chứ không phải đứng lại. Không phải sách nào nói hay ai nói, mà việc tự mình nhận ra mới quan trọng, vì chỉ có như vậy động lực của sự cố gắng mới thật sự đến với mình.

Và quan trọng hơn hết, đừng bao giờ để khó khăn khiến bạn trở nên cô đơn. Tự trách mình sẽ khiến bạn rơi vào chìm đắm đến mức bạn sợ phải nói ra với bất kỳ ai về điều đó. Thế nhưng việc bạn có thể nói ra một điều gì đó, thì không có một minh chứng nào khác ngoài việc bạn thực sự là một người mạnh mẽ, dũng cảm và việc nói ra có thể phần nào giúp bạn chữa lành và lạc quan hơn.

Việc nói ra hay tìm một hướng đi khác thay vì tự trách mình sẽ giúp bạn tiến tới sự lạc quan.

Có thể với mỗi người, sự lạc quan sẽ đến từ nhiều thứ khác nhau. Nhưng điều quan trọng là hãy luôn giữ lạc quan như là một phần con người bạn.

Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM