Lắc đầu để vẩy nước ra khỏi tai có thể gây tổn thương não, đặc biệt là với trẻ nhỏ

29/11/2019 12:35 PM | Khoa học

Phương pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất, hóa ra, không phải là phương pháp an toàn nhất.

Tai bị vào nước sau khi bơi là một thực tế hết sức phổ biến. Nhưng phản ứng đầu tiên mà bạn thường làm trong tình huống này là gì? Giống như nhiều người khác, có thể bạn sẽ lắc đầu liên tục để mong nước văng hết ra ngoài.

Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy chúng ta không nên làm động tác này. Lí do bởi những cú lắc đầu đó có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe - đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Cornell nói rằng gia tốc từ cú lắc đầu có thể kéo nước ra khỏi ống tai một cách hiệu quả, nhưng nó cũng có thể tạo ra một lực đủ để gây ra những tổn thương não

"Nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu tập trung vào gia tốc cần thiết để đưa được nước ra khỏi ống tai", Anuj Baskota, tác giả chính của nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ tại Seattle cho biết.

"Gia tốc cực lớn mà chúng tôi thu được từ thực nghiệm trên các ống thủy tinh và mô hình ống tai in 3D có giá trị gấp khoảng 10 lần gia tốc trọng trường đối với trẻ sơ sinh, một lực có thể gây tổn thương não".

Để đo được chính xác lực lắc cần thiết để vẩy bật nước ra khỏi tai, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Cornell đã chế tạo các mô hình ống thủy tinh có đường kính khác nhau, tạo thành một bản sao đơn giản của ống tai người thật.

Để làm cho những ống tai giả này trở nên cách chân thực nhất có thể, các nhà nghiên cứu đã in những mô hình 3D dựa trên ống tai của các bệnh nhân đã được chụp cắt lớp CT. Mặt trong của ống thủy tinh sau đó được bọc bằng một lớp silane, để mô phỏng bề mặt kỵ nước của ống tai người thật.

Kế đó, các nhà khoa học bơm nước vào các ống tai giả này, rồi thả chúng xuống một chiếc lò xo để đo lực hấp dẫn cần thiết cho nước văng ra khỏi đó.

"Kết quả cho thấy một gia tốc lớn là cần thiết để loại bỏ nước khỏi ống tai, và nó phụ thuộc rất nhiều vào thể tích cũng như vị trí của chất lỏng bị mắc kẹt", nhóm nghiên cứu giải thích. "Chúng tôi đã quan sát thấy một gia tốc tới hạn là 10 g, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến não bộ của con người".

Trẻ em là đối tượng đặc biệt có nguy cơ, các nhà nghiên cứu cho biết. Bởi ống tai của trẻ có kích thước nhỏ hơn, đòi hỏi một gia tốc lớn hơn mới có thể vẩy được nước ra khỏi đó.

Nói cách khác, người lớn có thể lắc nước ra khỏi tai dễ hơn trẻ nhỏ - nhưng dựa trên quan điểm vật lý – đó có lẽ không phải là phương pháp an toàn được khuyến nghị cho mọi người.

Để có thể lấy nước ra khỏi tai, có một số mẹo khác mà bạn có thể làm, bao gồm nằm nghiêng để lợi dụng lực hấp dẫn sẵn có của Trái Đất, hoặc đơn giản là cầm và kéo hai bên dái tai để thay đổi sức căng bề mặt giúp nước trong tai chảy ra.

"Từ thí nghiệm và mô hình lý thuyết của mình, chúng tôi đã phát hiện sức căng bề mặt của chất lỏng là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy nước bị kẹt trong ống tai ra ngoài", Baskota nói.

Đền đây, anh gợi ý thêm một mẹo nữa: "Có lẽ, nhỏ một vài giọt chất lỏng có sức căng bề mặt thấp hơn nước, như rượu hoặc giấm, vào tai sẽ làm giảm lực căng bề mặt cho phép nước chảy ra ngoài".

Lắc đầu để vẩy nước ra khỏi tai có thể gây tổn thương não, đặc biệt là với trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Mô hình ống tai thủy tinh mà các nhà khoa học sử dụng trong nghiên cứu.

Cần phải nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là phát hiện ban đầu dựa trên các thí nghiệm mô phỏng lực, và không có sự tham gia của người thật (rất may là vậy). Cho nên, chúng ta cũng chưa thể sử dụng kết quả này như một bằng chứng lâm sàng về tổn thương não phát sinh từ những cú lắc đầu.

Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn mang trọn vẹn ý nghĩa cảnh báo của nó, cho thấy phương pháp hiệu quả nhất và nhanh nhất để vẩy nước ra khỏi tai hóa ra lại không phải lựa chọn an toàn nhất. Vì vậy, lần sau đi bơi đừng vội lắc đầu khi lên khỏi bể, có nhiều phương pháp an toàn hơn sẽ giúp bạn.

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM