Là khách hàng lớn của FPT, Vietcombank được FPT cho nợ bao nhiêu tiền khi mua hàng hoá, dịch vụ?

13/04/2022 10:03 AM | Kinh doanh

Ngày 07.04.2022, Công ty FPT đã tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong đại hội, đại diện 1 quỹ đầu tư đánh giá cao sự cầu thị của FPT khi đã có những thay đổi cụ thể trên cơ sở ý kiến của cổ đông trong lần hội nghị trước như đưa nhân sự nữ vào thành viên HĐQT hay thay đổi đơn vị kiểm toán BCTC nhiều năm...

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng hoan nghênh FPT đã "disclose" (công khai) những chỉ số trên BCTC kiểm toán để cổ đông có thể đánh giá rủi ro của công ty tốt hơn. Ví dụ như khoản phải thu, vì trong hai năm 2020 - 2021, nhiều nhà đầu tư thắc mắc liệu có khách hàng không có thanh toán không.

Sở dĩ các nhà đầu tư thắc mắc vì trong BCTC những năm trước, FPT gần như "close" (giữ kín) khoản mục phải thu ngắn hạn khách hàng khi chỉ diễn giải ngắn gọn như thế này

Là KH lớn của FPT, Vietcombank được FPT cho nợ bao nhiêu tiền cho việc mua hàng hoá, dịch vụ? - Ảnh 1.

Trích BCTC hợp nhất kiểm toán 2020 của FPT

Khoản phải thu (KPT) là một loại tài sản tính dựa trên tất cả các khoản nợ mà khách hàng mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ nhưng chưa thanh toán. Hay nói đơn giản, doanh nghiệp bán hàng nhưng chưa thu được tiền.

Mỗi doanh nghiệp tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mà xây dựng chính sách tín dụng hợp lý để đảm bảo giữa lợi thế cạnh tranh trong bán hàng (cho nợ) với việc thu hồi được tài sản.

Các khoản phải thu phản ánh tiền được thanh toán trong tương lai, tuy nhiên chất lượng của loại tài sản này luôn là một dấu hỏi lớn đối với các nhà đầu tư. Thông thường, chất lượng KPT khách hàng thường được đánh giá theo các tiêu chí:

Một là KPT không tập trung quá nhiều vào một hay một nhóm khách hàng. Nếu xuất hiện KPT lớn trên 1 KH cần phải được đánh giá thận trọng, vì ngoài yếu tố rủi ro "bỏ trứng vào cùng 1 giỏ" còn có thể là dấu hiệu sớm nhận biết việc "book" doanh thu qua KPT KH.

Điều này không có ở FPT khi mà nhiều năm nay, doanh nghiệp không tồn tại KPT KH nào có số dư vượt quá 10% tổng số dư phải thu ngắn hạn của KH.

Hai là đánh giá việc luân chuyển của khoản phải thu.

Ba là đánh giá uy tín thanh toán, thương hiệu, năng lực tài chính của KH cho nợ.

Ngoài ra, người ta cũng thông qua số liệu tổng hợp là vòng quay khoản phải thu để đánh giá chung về tính hiệu quả trong chính sách tín dụng của DN. Vòng quay KPT cao cho thấy việc thu hồi khoản phải thu hiệu quả, khách hàng trả nợ nhanh hoặc đúng hạn. Vòng quay thấp phản ánh công ty có quy trình thu hồi khoản phải thu yếu, các chính sách tín dụng chưa tốt và có dấu hiệu khách hàng không đáng tin cậy.

Là KH lớn của FPT, Vietcombank được FPT cho nợ bao nhiêu tiền cho việc mua hàng hoá, dịch vụ? - Ảnh 2.

Phải thu khách hàng ( Accounts receivable from Customers) - Hình ảnh minh hoạ internet

Quay trở lại BCTC của FPT, những khoản phải thu KH chiếm dưới 10% tổng khoản phải thu KH thường được xếp vào không trọng yếu và không bắt buộc diễn giải chi tiết trên BCTC.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến cổ đông, BCTC kiểm toán 2021 của FPT đã "disclose" khoản mục này khi diễn giải chi tiết những khách hàng có số dư phải thu chiếm tỷ trọng từ 2% trở lên.

Là KH lớn của FPT, Vietcombank được FPT cho nợ bao nhiêu tiền cho việc mua hàng hoá, dịch vụ? - Ảnh 3.

Trích BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021

Nhìn vào số liệu, có thể thấy Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank là khách hàng có khoản phải thu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 4,1% tổng phải thu KH năm 2021 và 7% tổng phải thu KH năm 2020.

Vietcombank là đối tác nhiều năm nay của FPT

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, công ty mẹ của Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT đồng thời cũng là thành viên độc lập Hội đồng quản trị của Vietcombank.

Ông Bình tham gia vào Hội đồng quản trị Vietcombank từ tháng 4/2018. Khi đó nhiều nhận định cho rằng, sự có mặt của ông Bình trong đội ngũ quản trị sẽ mang đến các thay đổi tích cực về mặt công nghệ, bảo mật thông tin cho ngân hàng.

Bắt đầu từ tháng 6/2018, Vietcombank công bố công ty con của FPT - công ty TNHH hệ thống thông tin FPT (FPT IS) sẽ thực hiện 2 gói thầu cho Vietcombank bao gồm đầu tư nâng cấp hệ thống điều hành lên Windows 7 và nâng cấp hệ thống Solid Core Suite cho ATM của ngân hàng và mua sắm tài sản công nghệ thông tin là thiết bị mạng.

Trong 3 năm từ 2019 đến 2021, HĐQT Vietcombank đã thông qua nhiều nghị quyết về việc giao dịch mua hàng, nhận cung cấp dịch vụ với công ty TNHH hệ thống thông tin FPT.

Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) là đơn vị phát triển sản phẩm, giải pháp, tích hợp hệ thống, cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Trong nhiều năm qua, năng lực và uy tín của FPT IS được khẳng định qua hàng loạt dự án lớn như: Hệ thống thông tin quản lý thuế TNCN PIT; Triển khai ERP cho Tập đoàn Petrolimex; các hệ thống CNTT sử dụng nguồn vốn nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước; Hệ thống vé tàu điện tử cho TCT Đường sắt VN; Hệ thống VCB_CORE cho Vietcombank; Hệ thống y tế thông minh cho BV Chợ Rẫy, Hoàn Mỹ; Hệ thống CQĐT kiểu mẫu cho tỉnh Quảng Ninh; Dịch vụ SOC cho TPBank

FPT IS hiện sở hữu gần 3.000 nhân viên, trong đó có gần 2.000 kỹ sư trình độ cao. Năng lực của chuyên gia FPT IS đã được công nhận với hơn 2.000 chứng chỉ công nghệ quốc tế cấp bởi các hãng hàng đầu thế giới như Cisco, IBM, Microsoft, Oracle…

(Thông tin giới thiệu FPT IS trong vnr500)

Theo báo cáo quản trị các năm của Vietcombank, nhà băng này mua từ FPT IS phôi các loại thẻ (thẻ trắng); máy tính PC, máy tính laptop, cây ATM, các thiết bị hạ tầng như router, firewall, switch layer,..

Các dịch vụ Vietcombank nhận cung cấp từ FPT IS bao gồm: hệ thống cảnh báo máy ATM, dịch vụ bảo trì hệ thống máy phát hành thẻ, máy ATM, đầu tư khởi tạo hệ thống khoản vay bán lẻ, hệ thống phần mềm quản lý rủi ro, dịch vụ bảo trì hệ thống quản trị định danh và truy cập tập trung,..

Không có số liệu chi tiết về doanh thu giữa 2 bên nhưng nhìn vào mức độ giao dịch thường xuyên cũng như vị thế Vietcombank là ngân hàng hàng đầu Việt Nam thì việc FPT phát sinh số dư khoản phải thu với nhà băng này là điều dễ hiểu.

Ngoài Vietcombank, các khách hàng đang chiếm dụng vốn lớn của FPT lần lượt là Công ty Cox Auotomotive, Tổng Cục thuế, công ty Petronas ICT, đều là những tên tuổi lớn hoặc cơ quan Nhà nước.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM