Lạ đời Hà Nội: Nhà đất bán chậm nhưng giá tăng (!?)

02/07/2016 11:58 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong khi nguồn cung căn hộ tại thị trường Hà Nội đang rất dồi dào, thanh khoản giảm nhưng giá lại tăng, dự báo từ đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy từ nay đến hết năm chung cư sẽ tăng khoảng 4%...

Tại sao trong khi nguồn cung nhà ở tại Hà Nội đang rất dồi dào nhưng giá nhà lại tăng?

Báo cáo tổng quan thị trường BĐS Hà Nội quý 2/2016 do Công ty CBRE công bố ngày 28/6 cho thấy, thị trường bất động sản (BĐS) đang có diễn biến khá lạ lùng khi phân khúc nhà giá trung bình có dấu hiệu sụt giảm thanh khoản trong khi phân khúc cao cấp lại có sự khởi sắc hơn.

Theo CBRE, trong quý 2/2016 có tổng cộng 6.100 căn hộ được mở bán mới từ 17 dự án, tăng 19% so với quý trước, tuy nhiên giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015.

Với phân khúc hạng sang, có một dự án tiếp tục chào bán kể từ lần chào bán đầu tiên vào đầu năm 2015, và hai dự án mới ra mắt thị trường, cung cấp cho toàn thị trường khoảng 700 căn. Căn hộ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số căn mở bán mới với thị phần 82%.

Về thanh khoản, ước tính có khoảng 4.860 căn được giao dịch trong quý, tăng 20% so với quý trước, tuy nhiên giảm 7,2% so cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là tỷ lệ lượng giao dịch của căn hộ hạng sang đạt mức khả quan nhất định, đặc biệt là từ dự án chào bán mới.

Tính cả 6 tháng đầu năm 2016, lượng giao dịch căn hộ đạt 8.900 căn, trong đó phân khúc trung cấp chiếm tới hơn 40%.

Song song với diễn biến đó, đối với phân khúc căn hộ bình dân, phân khúc từng một thời thống lĩnh thị trường, tỷ lệ giao dịch của phân khúc này lại giảm còn 20% trong 6 tháng đầu năm 2016, so với 26% năm 2015, 49% năm 2013 và 33% năm 2014.

Về diễn biến giá, tại một số dự án đã cho thấy mức tăng giá khoảng 4-6% so với năm trước, CBRE cho biết, đặc biệt tại các dự án có vị trí tốt với khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai.

Trên thị trường thứ cấp, giá thứ cấp bình quân thị trường cũng cải thiện khoảng 1% theo quý nhưng giảm 1,3% theo năm.

Trong các phân khúc, phân khúc hạng sang có mức giá tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, phân khúc cao cấp và trung cấp giảm 1,6% và 1,3% trong khi phân khúc bình dân giữ mức ổn định. So với quý trước, phân khúc bình dân tăng mạnh nhất với 3,8%, các phân khúc khác dao động nhẹ ở mức 0,5 - 0,9%.

Trên thị trường sơ cấp, giá bình quân chứng kiến mức tăng nhẹ từ khoảng 5-7% từ những dự án đã chào bán trước đây.

Tương tự, tại buổi họp công bố số liệu nghiên cứu về thị trường BĐS tại Hà Nội quý 2/2016 sáng 1/7, ông Stephen Wyatt, Giám đốc điều hành JLL tại Việt Nam cho biết trong quý 2, ở thị trường sơ cấp, giá bán tăng nhanh hơn, số dự án có giá bán tăng trên 1% theo quý chiếm tới 85% tổng cung sơ cấp. Còn đối với thị trường thứ cấp giá bán tăng thêm nhưng mức tăng có phần thấp hơn các quý gần đây.

“Phân khúc cao cấp và sang trọng ghi nhận có sự chậm lại trong xu hướng tăng giá bán. Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá ở các quận, huyện ngoại thành rõ nét hơn”, ông Stephen Wyatt cho biết.

Cũng theo giám đốc điều hành JLL thì giá căn hộ chung cư được dự báo sẽ tăng khoảng 2% mỗi quý. Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 16.000 căn hộ chung cư sẽ hoàn thành từ nay đến hết năm 2016, chủ yếu đến từ phân khúc bình dân và trung cấp. Dự báo sẽ có khoảng 8.000-10.000 căn hộ mở bán mới trong mỗi quý.

Tại sao trong khi nguồn cung nhà ở tại Hà Nội đang rất dồi dào nhưng giá nhà lại tăng?

Trả lời câu hỏi này, ông Stephen Wyatt lý giải “Ở Hà Nội, phân khúc nhà bình dân và trung cấp tăng bởi người dân mua nhà có nhu cầu ở thực sự, khác với TP.HCM, chủ yếu mua đầu tư với phân khúc cao cấp”.

Ngoài ra, ông Stephen Wyatt cũng cho hay, ở Việt Nam người mua dễ dàng hơn với chế độ thanh toán theo giai đoạn nên kích thích được người mua nhà, nhu cầu gia tăng. Với chính sách bán hàng thanh toán trả theo đợt, các dự án mới cũng có thể đẩy giá tăng lên.

Theo Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM