Kỳ tích SEA Games: Việt Nam hạ chủ nhà bằng chiến thuật "hack não", ngoạn mục giành HCV

25/04/2022 15:03 PM | Sống

Trên đường đua hôm ấy, người hâm mộ được chứng kiến cảnh tượng lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử SEA Games. Và ở đó, Việt Nam đã giành được tấm HCV với chiến thuật đầy độc đáo.

ÁP LỰC ĐÈ NẶNG

Không quá khi nói đây là một trong những tấm huy chương vàng thú vị nhất mà thể thao Việt Nam từng giành được ở SEA Games , với phần tranh tài đạt hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.

Với chiến thuật độc đáo, đội chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp (nam-nữ) của Việt Nam đã tạo nên màn tranh tài đầy thú vị trong lịch sử SEA Games. Đây cũng là lần đầu tiên nội dung lần đầu tiên được tổ chức ở đại hội khu vực. Và ở đó, chúng ta đã giành chiến thắng!

Cần nói thêm rằng trước khi phần tranh tài ở nội dung này diễn ra, điền kinh Việt Nam đang ở trong tình trạng ngập tràn âu lo ở SEA Games 30. Ngày thi đấu thứ 2 sắp kết thúc nhưng đội vẫn chưa thể giành được tấm huy chương vàng nào. Lần lượt những niềm hi vọng vàng như Lê Tú Chinh (chạy 200 m nữ), Nguyễn Văn Lai (chạy 10.000 m nam), Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước nữ) đều không thể có được vị trí cao nhất ở nội dung của mình.

Vậy là trọng trách giải "cơn khát" vàng được đặt lên vai 4 VĐV Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn. Nên biết, ở nội dung này chủ nhà Philippines được dự đoán rất mạnh với 2 VĐV nhập tịch gốc Mỹ gồm Robyn Lauren Brown và Maureen Emily Schrijvers.

Kỳ tích SEA Games: Việt Nam hạ chủ nhà bằng chiến thuật hack não, ngoạn mục giành HCV - Ảnh 1.

VĐV nhập tịch Robyn Lauren Brown của Philippines.

CHIẾN THUẬT ĐỘC ĐÁO

Vừa bước vào cuộc đua, đội chạy của Việt Nam đã khiến tất cả phải bất ngờ. Trong khi Thái Lan, Malaysia và chủ nhà Philippines đều để VĐV nam chạy đầu tiên thì Việt Nam quyết định xếp nữ VĐV Nguyễn Thị Hằng vào vị trí xuất phát.

Hóa ra các đối thủ đều lựa chọn chiến thuật chạy với thứ tự nam-nữ-nữ-nam để tận dụng ưu thế của các VĐV nam ở chặng khởi đầu và nước rút về đích. Trong khi đó, HLV Nguyễn Thị Bắc của Việt Nam lại quyết định xếp đội hình nữ-nam-nữ-nam. Cần nói thêm rằng các đội chỉ đăng ký VĐV với ban tổ chức 2 giờ trước khi thi đấu và tới khi ra sân mới biết thứ tự thi của nhau như thế nào.

Kỳ tích SEA Games: Việt Nam hạ chủ nhà bằng chiến thuật hack não, ngoạn mục giành HCV - Ảnh 2.

Trần Nhật Hoàng giúp Việt Nam bứt lên dẫn đầu sau lượt 2 và trao gậy cho Quách Thị Lan. (Ảnh: Bắc Sơn)

Sự sắp xếp đầy toan tính của đội Việt Nam cũng khiến khán giả được chứng kiến cảnh tượng vô cùng thú vị. Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, cả VĐV nam và nữ cùng chạy đua với nhau trên một đường chạy.

Nguyễn Thị Hằng được ban huấn luyện đánh giá có khả năng xuất phát tốt, lại có độ lì nên được xếp chạy lượt đầu. Bởi thế mà dù phải chạy với 3 VĐV nam, Hằng cũng không hề tỏ ra nao núng. Phải tới khoảng 150 m cuối, cô mới bị đối thủ vượt qua.

Việc Hằng về cuối sau lượt chạy đầu tiên không phải điều bất ngờ, nhưng đây cũng chính là thời điểm đội chạy tiếp sức của Việt Nam "lật kèo".

Trần Nhật Hoàng được xếp chạy thứ hai. Mặc dù ở sau 3 VĐV nữ của đối phương khá xa nhưng với khả năng rướn và bứt phá tốt, nam VĐV này đã có cú nước rút ngoạn mục. Đội Việt Nam từ vị trí cuối cùng đã vươn lên dẫn đầu ngay sau lượt chạy thứ hai. Và thế là đủ để Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn tự tin hoàn thành nốt phần việc còn lại.

Lợi thế về khoảng cách giúp 2 VĐV của Việt Nam càng chạy càng tự tin. Họ bỏ xa đối thủ trong 2 lượt chạy còn lại, qua đó giành về HCV với thành tích 3 phút 19 giây 50, hơn đội nhì Thái Lan tới gần 7 giây và đội giành huy chương đồng là Philippines tới gần 8 giây.

Kỳ tích SEA Games: Việt Nam hạ chủ nhà bằng chiến thuật hack não, ngoạn mục giành HCV - Ảnh 3.

Từ trái sang: Quách Thị Lan, Trần Đình Sơn, Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng ăn mừng tấm huy chương vàng SEA Games 30. (Ảnh: Bắc Sơn)

BÍ QUYẾT CHIẾN THẮNG

Tấm huy chương vàng tổ chạy hỗn hợp 4x400 m giúp điền kinh Việt Nam giải "cơn khát" vàng ở SEA Games 30. Và sau khi đội thi đấu xong, nhiều bí mật thú vị và bất ngờ về tấm huy chương này mới được tiết lộ.

Quách Thị Lan bật mí do tập ở các tổ khác nhau và thi đấu nội dung khác nhau nên cả 4 VĐV không có nhiều thời gian để tập luyện cùng nhau. Phần thi diễn ra vào ngày 7/12/2019 thì chiều hôm trước, cô và 3 đồng đội còn lại mới có ít phút để tập trao gậy tiếp sức.

Trong khi đó, trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy cho biết Việt Nam đã có tính toán kỹ lưỡng khi sắp xếp nhân sự nhưng chiến thuật này cũng có phần "hên xui", bởi phải tới khi ra thi đấu ta mới biết đội hình chạy của đối phương như thế nào.

Kỳ tích SEA Games: Việt Nam hạ chủ nhà bằng chiến thuật hack não, ngoạn mục giành HCV - Ảnh 4.

Quách Thị Lan (giữa) được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang về huy chương vàng cho Việt Nam ở những cự ly 400 m (cá nhân, vượt rào, tiếp sức) tại SEA Games 31. (Ảnh: Bắc Sơn)

Còn theo HLV Nguyễn Thị Bắc, việc sắp xếp đội hình nữ-nam-nữ-nam là kết quả của sự tính toán kỹ lưỡng, làm sao để có thể tận dụng được tối đa điểm mạnh nhất của từng VĐV.

Nguyễn Thị Hằng xuất phát tốt, Trần Nhật Hoàng có khả năng bứt phá khi phải bám đuổi tốt hơn xuất phát, Quách Thị Lan có tốc độ, còn Trần Đình Sơn lại có điểm yếu về tâm lý thi đấu.

Bởi vậy khi bước vào cuộc đua, cả 4 VĐV của Việt Nam đều phát huy được điểm mạnh và hạn chế được điểm yếu của mình. Như với trường hợp của Trần Đình Sơn, việc được xuất phát trước, bỏ xa đối thủ giúp VĐV này có được sự tự tin và đã hoàn thành lượt chạy cuối một cách xuất sắc.

Màn "mở hàng" đầy ấn tượng của tổ chạy tiếp sức 4x400 m hỗn hợp góp phần giúp Việt Nam xếp nhất toàn đoàn môn điền kinh ở SEA Games 30. Ban đầu đội chỉ đặt chỉ tiêu giành 11 huy chương vàng do Thái Lan và Philippines bổ sung nhiều VĐV nhập tịch, nhưng cuối cùng Việt Nam đã xuất sắc vượt lên và có được 16 tấm huy chương vàng.

Theo Linh Đan

Cùng chuyên mục
XEM