Kỹ sư Viettel “kể khổ” về hành trình đưa Việt Nam vào top 6 nước triển khai 5G sớm nhất: Cả tháng trời chỉ ngủ 4-5h/ngày, vừa làm vừa lo phòng cướp giật!
Với sự kiện Viettel thử nghiệm thành công mạng 5G trong năm 2019, Việt Nam đã đứng vào nhóm nước đầu tiên trên thế giới triển khai hệ thống này, chỉ sau Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia. Đây là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel, cũng là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới.
Với người ngoại đạo, câu chuyện từ mạng 2G, 3G đi lên 4G và bây giờ là 5G chỉ đơn giản như một sự phát triển mang tính tất yếu. Nhưng với dân kỹ thuật thì chuyện thử nghiệm thành công mạng 5G thực sự là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng công nghệ Việt Nam.
Lần đầu tiên, Việt Nam đã có thể triển khai công nghệ này cùng lúc với các nước lớn khác,chứ không phải đi sau 7-10 năm như đối với mạng 2G, 3G hay 4G.
"Do đồng hành cùng thế giới về triển khai 5G nên đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Viettel không tận dụng được các kinh nghiệm quốc tế để ứng phó với những tình huống thực tế. Những vấn đề phát sinh trong quá trình lắp đặt, tích hợp và tối ưu mạng 5G không chỉ mới mẻ với kỹ sư Viettel mà còn cả các chuyên gia quốc tế", anh Nguyễn Trọng Công, Trưởng phòng Hệ thống Di động, Tổng công ty Mạng lưới Viettel chia sẻ.
Anh tiết lộ bản thân các nhà cung cấp là đối tác của Viettel như Nokia, Ericsson cũng đang trong quá trình nghiên cứu phát triển 5G nên Việt Nam hầu như chưa thể tham khảo thêm điều gì. Chưa kể đến việc các thiết bị cho thử nghiệm 5G vừa hiếm vừa đắt vì sản xuất hạn chế, thậm chí có tiền cũng chưa chắc mua được.
Thời điểm tháng 4/2019, khi Viettel bắt đầu quá trình thử nghiệm, trên thế giới chưa có thiết bị 5G nào được thương mại hóa. Mãi đến tháng 5, Samsung mới cho ra mắt chiếc điện thoại 5G thử nghiệm (mobile test platform) với vỏn vẹn 15 chiếc trên toàn cầu.
Không chỉ có khăn về mặt thiết bị, quá trình lắp đặt phần mềm cũng liên tục gặp trục trặc. Suốt hơn một tháng trời, đội 5G của Viettel thường xuyên chỉ được ngủ 4-5 tiếng /ngày. Bởi lệch múi giờ với các chuyên gia quốc tế, việc trao đổi nhiều khi diễn ra vào lúc nửa đêm, rạng sáng.
Sau này, khi thử nghiệm 5G thành công, chính bản thân các kỹ sư của Viettel cũng được đối tác cảm ơn vì đã gây sức ép quyết liệt. Nhiều chuyên gia Nokia sau khi hoàn thành công việc ở Việt Nam tiếp tục được hãng cử đi triển khai 5G tại các thị trường khác trong vài trò nhân sự chủ chốt.
Những kỹ năng đặc biệt ngoài kỹ thuật
Việc triển khai 5G gần như từ con số 0 vì những kinh nghiệm cũ không thể áp dụng, Tuy nhiên anh Công cho biết, công nghệ chỉ là một trong nhiều vấn đề bởi tại TPHCM, đội 5G còn phải rất vất vả trong khâu vận chuyển vật tư và chống cướp giật.
Tại TPHCM, đa phần các trạm đều nằm trên nóc nhà dân, gây trở ngại cho việc vận chuyển thiết bị tới trạm. Ví dụ với trạm HCM 2551, đội 5G phải chuyển vật tư bằng đường thang bộ chật hẹp chỉ đủ cho một người di chuyển. Để chuyển một khối anten 5G khoảng 50kg, các kỹ sư phải chia ra một người cõng, một người đỡ, rồi nhích từng bước, chỉ chỉ cần sơ sẩy là có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trung bình để lắp trạm 5G, cần chuyển lên 300kg và chuyển xuống gần 200kg. Thiết bị chuyển xuống là những anten 2G, 3G, 4G được thay thế bằng anten mới tích hợp cả 3 dịch vụ trên.
Không những vậy, trong quá trình thử nghiệm, đội 5G thường xuyên phải mang theo laptop và các thiết bị đắt tiền khác như điện thoại 5G nên lúc nào cũng trong trạng thái đề phòng cướp giật.
"Đo sóng thì điện thoại phải giơ ra ngoài nên chúng tôi cứ nơm nớp lo lắng, bởi có những thiết bị còn không thể mua được trên thị trường. Vì nhiệm vụ và tiến độ gấp rút, anh em cũng không nề hà, thưởng xuyên nhắc nhau cẩn thận, đi cùng giúp nhau để ý", anh Công nhớ lại.
Vượt qua tất cả khó khăn và thử thách, các kỹ sư Viettel cùng với đối tác đã hoàn thành phủ sóng 10 trạm 5G trong vòng chưa đầy một tháng. Chất lượng mạng được đánh giá khá tốt với tốc độ lên tới 1,7GB/s.
Sáng ngày 10/5/2019, Viettel thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. Tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt 1,5-1,7Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương tốc độ của cáp quang thương mại. Theo dự kiến trong năm nay, gói cước và SIM 5G mới sẽ được Viettel phát hành để người dân có thể sử dụng trên thiết bị cá nhân.
Vì sao phải thử nghiệm sớm 5G
Sự khác biệt vượt trội của công nghệ 5G so với 4G là tốc độ nhanh hơn từ 10-20 lần và hàng trăm lần so với công nghệ 3G. Ngoài ra, 5G cũng có độ trễ rất thấp, phù hợp với các dịch vụ đòi hỏi thời gian thực, cho phép các xe tự vận chuyển hàng, xe tự lái, điều khiển từ xa hay phẫu thuật,...Ngoài ra, 5G còn có khả năng hỗ trợ ít nhất 1 triệu thiết bị trên diện tích 1km2, gấp 1.000 lần so với hiện nay, đặc biệt phù hợp với xu thế kết nối vạn vật (Iot-Internet of Thinsgs).