Kỹ sư và bác sĩ: Ai thông minh hơn ai? Hãy để khoa học chứng minh

19/12/2021 20:32 PM | Công nghệ

Đây có lẽ là so sánh nghề nghiệp thú vị nhất, bởi một bên chúng ta có Iron Man còn bên còn lại là Dr Strange. Rốt cuộc ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đấu trí tuệ?

Nếu để chọn ra một nhóm những người thông minh nhất thế giới, có lẽ nhiều người trong số chúng ta sẽ nghĩ mình cần đến NASA và Bệnh viện Johns Hopkins. Người Mỹ thường có câu "Đó không phải là khoa học tên lửa", và họ cũng hay nói "Đó không phải là phẫu thuật thần kinh". NASA là nơi quy tụ những kỹ sư tên lửa giỏi nhất hành tinh còn bệnh viện Johns Hopkins là cơ sở phẫu thuật não hàng đầu thế giới.

Cả hai nghề nghiệp đặc thù này đều đặc trưng bởi người theo đuổi nó cần trang bị một khối lượng kiến thức khổng lồ, đại diện cho khả năng làm việc của khối óc trong đầu họ. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi liệu giữa một kỹ sư tên lửa và một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, ai thực sự thông minh hơn ai?

Đây có lẽ là một so sánh nghề nghiệp thú vị nhất, bởi một bên chúng ta có Iron Man còn một bên còn lại là Dr Strange. Rốt cuộc ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đấu trí tuệ?

 Kỹ sư và bác sĩ: Ai thông minh hơn ai? Hãy để khoa học chứng minh  - Ảnh 1.

Kỹ sư và bác sĩ: Ai xứng đáng với chiếc vương miện trong lòng công chúng?

Nói về nguồn gốc của các thành ngữ tại Mỹ, câu nói "Đó không phải khoa học tên lửa" được cho là bắt nguồn từ thập niên 1950, khi người Mỹ bắt đầu chiêu mộ các nhà khoa học Đức tới với họ để phát triển các chương trình tên lửa quân sự và tên lửa chinh phục không gian.

Khoa học tên lửa thời kỳ đó được mệnh danh là ngành khoa học đỉnh cao và khó chinh phục nhất, khi mà những người Mỹ cũng không thể tự mình thực hiện được.

Câu nói "Đó không phải phẫu thuật thần kinh" thì có một lịch sử kém rõ ràng hơn. Nhưng có vẻ như nó đã xuất hiện trước, vào khoảng thập niên 1920, khi bác sĩ Harvey Cushing bắt đầu phát triển được các kỹ thuật tiên phong trong lĩnh vực này.

Cushing là người đã biến phẫu thuật não trở thành một ngành chuyên biệt và tách khỏi các thủ thuật phẫu thuật khác. Có thể vì sự phức tạp của những thao tác với não bộ, nghề nghiệp này đã thu hút được sự thán phục và ngưỡng mộ của công chúng, dẫn đến sự ra đời của câu thành ngữ ban đầu.

Bây giờ, trong số mới nhất của tạp chí y học BMJ, một nhóm các nhà khoa học thần kinh tại Anh đã cố gắng đưa nghề nghiệp của họ lên bàn cân với các kỹ sư tên lửa một cách khách quan nhất có thể.

Họ đã phân tích điểm kiểm tra nhận thức của 329 kỹ sư hàng không vũ trụ và 72 bác sĩ phẫu thuật thần kinh, so sánh các kỹ năng giải quyết vấn đề giữa họ, bao gồm khả năng lập kế hoạch và lý luận, khả năng ghi nhớ, khả năng chú ý và xử lý cảm xúc. Mục đích là để tìm ra nghề nghiệp nào mới xứng đáng với chiếc vương miện mà công chúng phong cho mình.

 Kỹ sư và bác sĩ: Ai thông minh hơn ai? Hãy để khoa học chứng minh  - Ảnh 2.

Kết quả cho thấy các bác sĩ phẫu thuật thần kinh vượt trội hơn đáng kể so với kỹ sư hàng không vũ trụ trong thang đo giải quyết vấn đề liên quan đến ngôn ngữ. Cụ thể, họ đã đạt được điểm số cao hơn trong bài kiểm tra xác định từ hiếm và hiểu các phép loại suy bằng lời nói.

Tác giả dẫn đầu nghiên cứu, nhà khoa học thần kinh Inga Usher đến từ Đại học London cho biết lợi thế về mặt ngôn ngữ trong nghề nghiệp của họ có thể đến từ việc các bác sĩ phải tiếp xúc nhiều với các thuật ngữ y tế có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh.

"Ở phía ngược lại, các kỹ sư hàng không vũ trụ cho thấy điểm số cao hơn đáng kể trong các bài kiểm tra thao tác trí óc và sự chú ý", Usher viết. Các bài kiểm tra này liên quan đến việc thao tác với vật thể 3D, thứ mà một kỹ sư tên lửa đã phải làm nhuần nhuyễn trong quá trình họ được đào tạo.

Ngoài ra, "không có sự khác biệt nào được tìm thấy giữa hai nhóm dựa trên điểm số chấm cho trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề không gian, tốc độ giải quyết vấn đề và tốc độ nhớ lại một ký ức", kết quả nghiên cứu cho biết.

 Kỹ sư và bác sĩ: Ai thông minh hơn ai? Hãy để khoa học chứng minh  - Ảnh 3.
 Kỹ sư và bác sĩ: Ai thông minh hơn ai? Hãy để khoa học chứng minh  - Ảnh 4.

Hóa ra họ cũng như người bình thường

Đến đây, chúng ta có thể tạm kết luận kỹ sư tên lửa và bác sĩ phẫu thuật thần kinh đều có những thế mạnh riêng. Nhưng dường như tất cả các thế mạnh đó của họ đều đến từ việc được luyện tập và thực hành liên tục.

Vì vậy, Usher và các đồng nghiệp của mình đã làm thêm một so sánh nữa. Họ lấy điểm kiểm tra của 18.257 người bình thường đại diện cho tất cả các nhóm nghề nghiệp còn lại trong xã hội rồi so sánh họ với các bác sĩ phẫu thuật thần kinh và kỹ sư tên lửa.

Thật bất ngờ, trên cả 6 tiêu chí, Usher không tìm thấy sự khác biệt nào đáng kể giữa kỹ sư tên lửa với những người bình thường. Các kỹ sư dường như chỉ có trí nhớ tốt hơn người bình thường một chút.

Về phía các bác sĩ phẫu thuật thần kinh, ông thấy họ có tốc độ giải quyết vấn đề nhanh hơn, nhưng lại có tốc độ nhớ lại các ký ức chậm hơn. Đây là hai khác biệt đáng chú ý nhất trong điểm số các bài kiểm tra giữa họ:

 Kỹ sư và bác sĩ: Ai thông minh hơn ai? Hãy để khoa học chứng minh  - Ảnh 5.

Như vậy, tất cả các khảo sát này có nghĩa là gì? Nhóm nghiên cứu của Usher cho biết: "Trong những tình huống không yêu cầu chúng ta phải giải quyết tình huống một cách nhanh chóng, sử dụng thành ngữ "Đó không phải phẫu thuật thần kinh" sẽ hợp lý. Nhưng trong tình huống chúng ta cần nhớ lại thông tin, tốt nhất bạn nên tránh dùng thành ngữ này".

Còn đối với các kỹ sư tên lửa, dường như họ cũng không có gì quá đặc biệt hơn so với người bình thường. Vậy thì bất cứ ai cũng có thể trở thành một kỹ sư tên lửa nếu được rèn luyện, ít nhất là theo nghiên cứu này.

Tất nhiên, để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là lĩnh vực học thuật, bạn cũng đều phải tích lũy một lượng kiến thức khổng lồ để có thể thực hiện công việc mà mình theo đuổi. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có vẻ như bác sĩ phẫu thuật thần kinh và kỹ sư tên lửa đều đang "bị đặt lên bệ một cách không cần thiết".

Điều này có thể cản trở nhiều người trẻ có ước mơ theo đuổi hai lĩnh vực học thuật này. Ngoài ra, "cũng có thể có những ngành nghề khác xứng đáng đứng trên bệ đó hơn", các nhà khoa học viết ."Công việc mà chúng ta nên làm trong tương lai là xác định được đâu là nhóm ngành xứng đáng nhất với danh xưng này".

Tham khảo Sciencealert

Thanh Long

Từ khóa:  kỹ sư
Cùng chuyên mục
XEM