'Ký nháy' cũng không thoát lao lý

22/08/2022 13:59 PM | Kinh doanh

TAND TP Hà Nội đang xét xử 28 bị cáo trong vụ án “thâu tóm” hai lô đất 43ha và 145ha tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thanh Liêm, là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2020, Trưởng ban chỉ đạo Cổ phần hóa Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) phải có trách nhiệm thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định.

Tuy nhiên, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 17/4/2017, khi biết Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú trái pháp luật nhưng ông Liêm không những không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng mà còn tiếp tục đồng ý cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh (Công ty Tân Phú) cho Công ty Âu Lạc (tại Dự án khu Đô thị-Thương mại-Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha), tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh hoàn thành chuyển nhượng tài sản nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát hơn 900 tỷ đồng.

Đối với khu đất 145ha, bị cáo Liêm biết UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt phương án sử dụng đất, tiếp tục kế thừa để tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Đồng thời, biết Tổng Công ty 3/2 đưa khu đất 145ha vào góp vốn tại Công ty Tân Thành nhưng khi chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Cổ phần hóa Tổng Công ty 3/2, bị cáo Liêm vẫn ký ban hành Quyết định số 3468 phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thống nhất với kết quả phân loại, đưa khu đất 145 ha này vào mục “tài sản chờ thanh lý”, gây thất thoát hơn 4.030 tỷ đồng.

'Ký nháy' cũng không thoát lao lý - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa

Cùng vụ án, bị cáo Nguyễn Thanh Trúc, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, khi nhận được Văn bản 11906 để thẩm định, biết rõ Cục thuế tỉnh đề xuất cho áp dụng đơn giá đất bình quân 51.914 đồng/m2 ( theo bảng giá đất của năm 2006) để tính thu tiền sử dụng đất trên khu đất 43ha cho Tổng Công ty 3/2 là trái quy định. Tuy nhiên, bị cáo vẫn đồng thuận, duyệt nội dung để trình bị cáo Trần Văn Nam (Bí thư Tỉnh ủy) ký ban hành Văn bản 3444 cho phép áp dụng đơn giá đất như trên cho Tổng Công ty 3/2.

Còn bị cáo Võ Văn Lượng (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương) có trách nhiệm xét đề xuất của Cục thuế tỉnh, thẩm tra nội dung dự thảo Công văn số 3444 do Trần Xuân Lâm (cựu Trưởng phòng Kinh tế ngành thuộc Văn phòng UBND tỉnh) soạn thảo. Sau khi kiểm tra hồ sơ, Lượng biết Cục thuế đề xuất cho áp dụng đơn giá đất bình quân 51.914 đồng/m2 để tính thu tiền sử dụng đất là sai nhưng vẫn đồng thuận với ý kiến tham mưu của Lâm, cùng “ký tắt” vào văn bản dự thảo để trình bị cáo Trần Văn Nam ký ban hành Văn bản 3444 tính thu tiền sử dụng đất đối với khu 43ha và 145ha.

Biết đề xuất áp dụng đơn giá đất bình quân 51.914 đồng/m2 để tính tiền sử dụng hai lô đất vàng là trái pháp luật nhưng nhóm cựu cán bộ tỉnh Bình Dương vẫn ký trình hoặc “ký nháy” tham mưu cho Bí thư Tỉnh ủy ban hành công văn cho phép áp dụng đối với Tổng Công ty 3/2.

“Chữ ký nháy không có ý nghĩa gì”?

Trả lời xét hỏi tại tòa, ông Trần Thanh Liêm khai, năm 2019, khi báo chí nêu về các sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất ở Bình Dương, lúc này bị cáo mới biết Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú.

Giải thích về việc ký ban hành quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thống nhất với kết quả phân loại, đưa khu đất 145ha vào diện “tài sản chờ thanh lý”, mà không phải mục “ tài sản xác định giá trị doanh nghiệp”, bị cáo Liêm cho hay, “thời điểm đó, bị cáo nghĩ việc làm đó không sai”.

Theo cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông ký quyết định chỉ căn cứ vào ý kiến của các đơn vị tham mưu, căn cứ vào tờ trình của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương chứ không đối chiếu các tài liệu. Đến khi làm việc với Cơ quan điều tra, được xem các tài liệu đối chiếu, được nghe cán bộ điều tra phân tích, bị cáo mới thấy việc không đưa khu đất 145ha vào - tài sản xác định giá trị doanh nghiệp” là sai.

Đối với sai phạm của Võ Văn Lượng và Nguyễn Thanh Trúc, đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử đã đề nghị tòa tuyên các mức án từ 5 - 7 năm tù.

Bào chữa cho bị cáo Lượng và Trúc, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, mức đề nghị án của Viện kiểm sát cho hai thân chủ là quá nặng nề, nghiêm khắc.

Theo quan điểm của luật sư Thanh, trong vụ án có nhiều hành vi, nhiều vi phạm. Nhưng hai bị cáo Trúc và Lượng chỉ có một hành vi duy nhất là “ký nháy” vào Công văn 3444 ngày 23/11/2012. Chữ ký nháy đó của hai bị cáo không có ý nghĩa gì, vì nếu không có hai chữ ký đó, Công văn 3444 vẫn sẽ được ban hành.

Luật sư băn khoăn về cáo buộc cho rằng, ông Lượng và Trúc bị coi là đồng phạm của tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

“Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Vậy hai bị cáo đồng phạm với ai? Trao đổi bàn bạc thống nhất với ai để thực hiện việc tạo điều kiện để Tổng Công ty 3/2 nộp ít tiền sử dụng đất và tiền lệ phí trước bạ?”, luật sư Giang Hồng Thanh đặt câu hỏi.

Kết thúc phần bào chữa của mình, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng Khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự, cho hai thân chủ của mình được nhận mức án tù bằng hạn tạm giam (14 tháng tù).

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM