'Kỳ lân' Vinted: “Mua của người chán, bán cho người cần” và mục tiêu bảo vệ môi trường thế giới

12/09/2022 10:30 AM | Kinh doanh

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ngành công nghiệp thời trang đang chiếm 10% lượng khí thải hàng năm và với tốc độ hiện tại, nó sẽ sinh ra đến 30% khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Vấn nạn mua sắm "bất tận"

Vào năm 2008, Milda Mitkute rơi vào một tình huống "oái oăm": Cô có quá nhiều quần áo, hầu hết chưa từng mặc, nhưng lại không còn nơi cất giữ, trong khi những đơn hàng mới tiếp tục đổ về sau những đợt "săn sale".

Justas Janauskas, một người bạn của Milda Mitkute cũng chia sẻ tình cảnh tương tự, và ý tưởng Vinted đã đến với 2 nhà sáng lập.

'Kỳ lân' Vinted: “Mua của người chán, bán cho người cần” và mục tiêu bảo vệ môi trường thế giới - Ảnh 1.

Justas Janauskas và Milda Mitkute khi mới thành lập Vinted


Vinted về cơ bản là một sàn thương mại điện tử C2C (giao dịch giữa những người tiêu dùng thông qua một bên thứ ba), nơi các cá nhân có thể mua, bán hoặc trao đổi quần áo và các phụ kiện thời trang cũ, một giải pháp hoàn hảo cho những tủ quần áo "quá tải".

Ban đầu, Vinted chỉ được mở ra để trao đổi quần áo giữa hai gia đình và một vài người bạn của hai nhà sáng lập, nhưng giá trị của nó đã nhanh chóng thuyết phục phần đông dư luận và lập tức trở thành một "hot app" ở Lithuania. Chỉ trong vòng 1 năm, Vinted đã mở rộng sang Đức và Cộng hòa Séc.

Năm 2011, Mantas Mikuckas trở thành một trong những nhà đầu tư ban đầu và COO của Vinted, giúp mở rộng hoạt động của ứng dụng này ra toàn cầu. Dù hoạt động trên 15 thị trường khác nhau, nhưng Vinted đặc biệt thành công tại Pháp – thủ phủ thời trang thế giới.

Vào năm 2013, Vinted huy động được 5,2 triệu Euro ở vòng gọi vốn Series A. Sau 5 năm hoạt động, Vinted thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và đã huy động được 562,3 triệu USD sau 6 vòng gọi vốn.

Mô hình kinh doanh của Vinted

Các thành viên sẽ đăng ảnh kèm thêm chi tiết sản phẩm trên nền tảng Vinted. Khi sản phẩm được đặt, Vinted sẽ lên đơn hàng, in nhãn và hướng dẫn người bán gửi hàng.

Vinted là một trong những đại diện tiêu biểu của Kinh tế tuần hoàn, quần áo sau khi sản xuất sẽ được luân chuyển từ cá nhân này sang cá nhân khác, thay vì chỉ được sử dụng một lần và sau đó… ra bãi rác.

'Kỳ lân' Vinted: “Mua của người chán, bán cho người cần” và mục tiêu bảo vệ môi trường thế giới - Ảnh 2.

Mô hình "thanh lý" hàng hóa của người dùng Vinted


Tính đến cuối năm 2015, với mô hình đơn giản và dễ hiểu, Vinted đã có mặt tại 11 quốc gia với 12 triệu người dùng và 22 triệu mặt hàng được đăng.

Tuy nhiên, do mở rộng quá đà và không quản lý được dòng tiền, vào năm 2016, Vinted nhanh chóng xài hết số tiền được đầu tư và đứng trên bờ vực phá sản. Vào thời điểm "dầu sôi lửa bỏng", nhà đầu tư Insight Partners đã trực tiếp liên hệ Thomas Plantenga, một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp để về quản lý Vinted.

Thomas ngay lập tức thu gọn mô hình kinh doanh của Vinted, bao gồm giải thể nhiều văn phòng đại diện tại các nước hoạt động không hiệu quả, sa thải 25% nhân sự và tập trung mở rộng nguồn doanh thu của công ty, mục tiêu "sống còn" được đặt lên hàng đầu.

'Kỳ lân' Vinted: “Mua của người chán, bán cho người cần” và mục tiêu bảo vệ môi trường thế giới - Ảnh 3.

Thomas Plantenga được mời về để cứu "con tàu đắm" Vinted


Trong đó tiêu biểu nhất là mô hình kinh doanh, Vinted từng thu "hoa hồng" của người bán cho mọi giao dịch như các sàn thương mại điện tử khác. Kể từ khi Thomas Plantenga tiếp quản, thay vì tính phí người bán, Vinted chuyển sang thu phí người mua, trở thành một trong số ít mô hình C2C đi ngược lại với mô hình truyền thống.

Trong đó tiêu biểu nhất là Phí dịch vụ bảo vệ người mua, Vinted thu 5% giá mặt hàng, cộng với số tiền cố định 0,70 Euro cho mỗi sản phẩm. Khoản phí này được dùng để mở rộng dịch vụ khách hàng, tích hợp hệ thống thanh toán an toàn và duy trì chính sách hoàn tiền nếu sản phẩm bị hư hỏng do quá trình vận chuyển hoặc không giống với mô tả.

Kể từ đó, việc sang nhượng lại quần áo trên Vinted trở nên hấp dẫn hơn với người bán vì nó hoàn toàn miễn phí. Đối với những người bán có nhu cầu cao hơn, Vinted tung ra 2 dịch vụ:

- Vị trí "tiêu điểm": Đối với người bán có nhu cầu, Vinted sẽ làm nổi bật các mặt hàng trong vòng 7 ngày, gia tăng khả năng "chốt đơn".

- Đẩy sản phẩm: Một tính năng trả phí thú vị khác, khi sản phẩm được xuất hiện lại ở trên dòng thời gian để tiếp cận nhiều người dùng, người bán có thể chọn gói "3 ngày" hoặc gói "cam kết bán được".

'Kỳ lân' Vinted: “Mua của người chán, bán cho người cần” và mục tiêu bảo vệ môi trường thế giới - Ảnh 4.

Mẫu quảng cáo dịch vụ "đẩy sản phẩm" và hiệu quả mang lại cho người bán


Ngoài ra, Vinted còn hợp tác với các nhãn hàng thời trang có nhu cầu tiếp cận với người dùng để đặt quảng cáo, vì những người truy cập Vinted có nhu cầu rất cụ thể về thời trang.

Với mô hình mới trên, Vinted vừa gia tăng được số lượng sản phẩm cho người mua, đồng thời đưa ra nhiều sự lựa chọn hợp lý hơn cho người bán, khuyến khích họ đăng nhiều hơn trên Vinted.

Kỳ lân của Lithuania

Kế hoạch trên của Thomas đã thành công mỹ mãn, số lượng người dùng của Vinted tăng đến 4 lần, chạm 22 triệu người dùng thường xuyên từ năm 2016 đến năm 2018. Thomas Plantenga cũng được chỉ định làm CEO cho dự án này.

Tính đến năm 2019, cứ 3 người Pháp thì có một người biết đến hay đã sử dụng Vinted, giúp công ty này phát triển mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19 với số lượng bài đăng tăng hơn 20%. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thị trường "hàng đã qua sử dụng" sẽ tăng gấp 2 lần, chạm mốc 77 tỷ USD vào năm 2025.

'Kỳ lân' Vinted: “Mua của người chán, bán cho người cần” và mục tiêu bảo vệ môi trường thế giới - Ảnh 5.

Các sản phẩm được bán trên Vinted


Trong đại dịch, Vinted không những không chịu ảnh hưởng mà còn "thâu tóm" đối thủ United Wardrobe, sàn thương mại đồ cũ lớn thứ 2 Hà Lan, và Chicfy, một trong những đối thủ đáng gờm tại Tây Ban Nha.

Tính đến năm 2021, Vinted được định giá đến 3,5 tỷ Euro, với hơn 50 triệu người dùng tại 15 nước khác nhau, trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Lithuania và là một trong những startup thành công nhất Châu Âu.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư cũng như các nhà hoạt động vì môi trường, cộng với khả năng lãnh đạo và nhận thức ngày một cải thiện của người tiêu dùng, Vinted chắc chắn sẽ còn mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực lên thế giới trong tương lai.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM