Kỳ lạ: Làm cao tốc Việt Nam đắt hơn cả Mỹ, nhưng thu phí lại rẻ nhất Đông Nam Á?

13/04/2016 16:07 PM | Kinh tế vĩ mô

Chi phí xây đường cao tốc thì đắt hơn cả nước giàu nhất, nhưng thu phí BOT lại rẻ hơn các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Từ đầu tháng 4 vừa qua, việc chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng phí 25%, đồng thời quốc lộ 5 cũng trên chặng Hà Nội - Hải Phòng tăng phí 50% đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đặc biệt là những cá nhân, đơn vị thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến này.

[Xem thêm: Phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 tăng sốc từ 1/4]

Với chiều dài 105,5km, tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD (tức chi phí vào khoảng gần 20 triệu USD/1 km đường), cũng giống như nhiều dự án cao tốc khác tại Việt Nam, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tiếp tục vượt mặt các quốc gia phát triển về chi phí làm đường.

Chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn Mỹ, châu Âu

Tuy nhiên, chi phí 20 triệu USD/km đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xem ra còn thuộc hàng "khiêm tốn" so với một số con đường khác được xây dựng trước đó.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án có mức đầu tư lớn nhất, vốn đầu tư cao gấp 3 lần dự án đường cao tốc Tp.HCM-Trung Lương (đường cao tốc đúng chuẩn đầu tiên của Việt Nam).

Với chiều dài hơn 57,1 km, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng vốn đầu tư ban đầu là 31.320 tỉ đồng, tương đương hơn 1,6 tỉ USD. Tính ra, mỗi 1 km đường cao tốc của dự án này tiêu tốn khoảng 25,8 triệu USD (554 tỉ đồng). Tuy nhiên, đây mới chỉ là chi phí giai đoạn 1 của dự án.

Theo các chuyên gia cầu đường, chi phí đầu tư cho các dự án đường cao tốc ở Việt Nam bình quân cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với các nước cùng khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, thậm chí cao hơn cả Mỹ.

Theo số liệu từ Sở GTVT Hoa Kỳ (U.S. Department of Transportation), xây dựng 1 km đường cao tốc tại Mỹ (4 làn xe) có chi phí dao động trong khoảng từ 5 triệu USD (khu vực nông thôn) đến 24,4 triệu USD (khu vực thành thị).

Tại một số nước Châu Âu, chi phí cho mỗi km đường cao tốc tương đối rẻ so với Mỹ. Ví dụ, Tây Ban Nha là 2,8 - 12 triệu USD; Croatia là 8 - 9 triệu USD; Bulgaria là 1,6 - 2 triệu USD; Na-uy là 14 - 18 triệu USD; Ba Lan là 7 - 19 triệu USD...

Tại một số nước Châu Á, chi phí cho mỗi km tại Ấn Độ trung bình khoảng 2 - 3,5 triệu USD; Trung Quốc là 4,4 - 11 triệu USD.

Theo một ví dụ khác, con đường xuyên Emirates - một đại lộ với 12 làn xe, mỗi bên 6 làn, đẹp như mơ, không hạn chế tốc độ, chi phí xây dựng chỉ vào khoảng 4 triệu USD/km đường. [Xem thêm: Đường 12 làn ở Dubai mất 4 triệu USD/km, dùng 50 năm]

Tất nhiên, những con số nêu trên chỉ để tham khảo, chi phí thực tế để xây dựng một tuyến đường cao tốc còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như địa hình, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, công trình phụ trợ...

Chưa tính đến việc so sánh chất lượng công trình, chỉ xét đến các loại chi phí bảo trì, duy tu đường theo lệ thường ở Việt Nam cũng khiến người ta giật mình. Chẳng hạn, chi phí dọn cỏ, vệ sinh đường quốc lộ (chưa phải cao tốc) cũng có thể lên đến cả triệu USD/km. [Xem thêm: 1 triệu USD chỉ đủ để dọn rác, nhặt cỏ ven đường Quốc lộ 5].


Lún, nứt trên cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Lún, nứt trên cao tốc TPHCM - Trung Lương.

"Thu phí đường bộ BOT rẻ nhất Đông Nam Á"?

Tốn kém tiền của để xây dựng đường là vậy, tuy nhiên, trong một phát biểu mới đây trước báo giới, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: "So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì phí đường bộ BOT của Việt Nam là "rẻ nhất".

Với các trạm thu phí trên cao tốc, hầu hết đang thu với mức 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn, trừ Hà Nội - Hải Phòng thu với mức 2.000 đồng/km. Các trạm BOT quốc lộ phổ biến 30.000-35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn, một số trạm là 45.000 đồng/lượt xe.

Trong khi, mức phí trung bình ở Trung Quốc là một NDT/km, còn các nước châu Âu khoảng 0,5-1 USD/km.

Tức là ở Việt Nam đang tồn tại nghịch lý: khi xây đường thì đắt hơn cả nước giàu nhất, nhưng thu phí lại rẻ hơn các quốc gia đang phát triển trong khu vực. Vậy thì có lẽ lời giải thích của vị Chủ tịch Vidifi (đơn vị đầu tư cao tốc HN-HP) về việc tăng phí là hoàn toàn hợp tình, hợp lý.

"Tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng, vay vốn với lãi suất bình quân 10,5%-11,4% trong thời gian 30 năm. Nếu không kiểm soát được phương án tài chính thì dễ dẫn đến phá sản”.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM