Kiva: Tổ chức tài chính kỳ lạ nhất thế giới

29/12/2018 10:45 AM | Xã hội

Những con số liên quan đến tổ chức cho vay cộng đồng Kiva (crowd-lending), ngân hàng tài chính vi mô lớn nhất thế giới là rất ấn tượng; tổng số khoản vay đã tăng từ 5 triệu USD trong năm 2007 lên đến 1.243.847 tỷ USD năm 2018.

Kiva hiện có 1,8 triệu người cho vay, 3,1 triệu người vay vốn đến từ 86 quốc gia trên thế giới với 81% phụ nữ, và tỷ lệ hoàn trả hiện là 96,9%. Đây là những con số chẳng kém bất kỳ một tổ chức tín dụng hoạt động vì lợi nhuận nào. Vậy Kiva thực sự là gì?

Kiva: Tổ chức tài chính kỳ lạ nhất thế giới - Ảnh 1.

Những con số ấn tượng của tổ chức cho vay cộng đồng Kiva


Kinh tế chia sẻ cho người nghèo

Ông Ken Gardner là một người cho vay vi tín dụng trên Kiva. Tính đến nay, ông đã cho vay 91 khoản ở 20 quốc gia. Khoản cho vay đầu tiên của ông là 25 USD. Ông nói: "Tôi chỉ cần truy cập mạng Internet là có thể sử dụng đồng tiền như mình muốn." Ông cũng kể về một trường hợp: "Đó là một người thiếu phụ ở Ecuador có một quầy nhỏ bán trái cây, đang chật vật tìm cách để sống còn. Bà đang phải đi mượn tiền của những người cho vay nặng lãi với lãi suất 30%. Vậy là tiền lãi ăn hết cả phần lợi nhuận của bà. Vì thế mà tôi chọn bà là người đầu tiên để cho vay."

Cứ như vậy Kiva đến với hàng triệu người nghèo, ở khắp nơi trên thế giới. Bạn có thể coi sự thiện chí của Kiva như một tổ chức từ thiện nếu thích. Nhưng thực sự những người đầu tư tiền trên Kiva như ông Ken Gardner lại chỉ coi đó như việc là cho một người bạn vay tiền - không có lãi, nhưng hy vọng sẽ tạo ra một số thay đổi tích cực.

Kiva: Tổ chức tài chính kỳ lạ nhất thế giới - Ảnh 2.

Jessica Jackley nhà sáng lập Kiva từng chia sẻ rằng giá trị thực sự của việc cho vay cộng đồng được tìm thấy trong những câu chuyện của con người: "Kiva thực sự bắt đầu từ những câu chuyện. Kiva viết lại câu chuyện về người nghèo, làm cho mối quan hệ hợp tác có giá trị, không phải một mối quan hệ dựa trên sự quyên góp như truyền thống. Đó là mối quan hệ có thể nâng cao sự tôn trọng và hy vọng và sự lạc quan rằng cùng nhau chúng ta có thể phát triển".

"Tôi nghĩ đến những người mà tôi đã đích thân cho mượn tiền. Có một người bán bắp rang ở Samoa, có một người bán thịt ở Afghanistan, một người chủ tiệm làm tóc ở Iraq, và nhiều nhà chăn nuôi bò, gà, dê, những người có quầy bán trái cây, rau cỏ, đại loại như thế." Đây là những người thực sự với những câu chuyện có thật, và bằng cách đầu tư vào họ, bạn giúp biến thế giới thành một nơi nhỏ hơn.

Những người vay tiền trên Kiva có thể coi đây như một ngân hàng. Và những người điều hành Kiva cũng coi mình là một trong những thị trường có thể cho phép tạo ra "hàng tỷ doanh nhân tiềm năng" hướng đến những người nghèo có được một cuộc sống mới. Trách nhiệm của Kiva là kết nối những người đó với cộng đồng địa phương của họ. Trên thực tế việc đảm bảo một phần các khoản vay của mình được tài trợ trong cộng đồng của chính người dùng sẽ làm tăng tỷ lệ trả nợ. "Khi mọi người biết rằng đó là người cho họ vay, động lực trả nợ đó đã vượt xa nghĩa vụ thể chế khi vay ngân hàng thông thường".

Kiva: Tổ chức tài chính kỳ lạ nhất thế giới - Ảnh 3.

Khoản vay 100.000 đô la giúp mua các hệ thống nhà năng lượng mặt trời cho các cộng đồng nông thôn ở Sierra Leone nơi mà tỷ lệ điện khí hóa chỉ có 1%.


Hành trình của một khoản vay Kiva

Tổ chức phi lợi nhuận Kiva (Kiva trong tiếng Swahili có nghĩa là thống nhất, hòa hợp) xuất hiện vào khoảng năm 2005, rất lâu trước khi Kickstarter hoặc cho hình thức cho vay ngang hàng xuất hiện. Một trong những công ty đầu tiên thực sự tận dụng sức mạnh của Internet để kết nối những người có với những người cần, Kiva cho phép bất cứ ai cho các "doanh nhân tiềm năng" vay ở các nước đang phát triển theo cách tương đối không có rủi ro.

Có trụ sở tại San Francisco, Kiva hợp tác với một mạng lưới các tổ chức tài chính vi mô khổng lồ trên toàn thế giới mà họ gọi là các field partner. Các đối tác có thể là bất cứ tổ chức nào từ doanh nghiệp đến trường học cho đến tổ chức phi lợi nhuận.

Họ tìm kiếm các doanh nhân tiềm năng ở các nước thế giới thứ ba và các vùng nông thôn để và đưa họ đến với các nhà tài trợ trên Kiva. Một phần công việc của các đối tác này là tìm kiếm những người nhận tiền vay, những người xứng đáng nhận được nhận đầu tư: những ý tưởng kinh doanh vững chắc và đã được thực hiện và chứng minh.

Kiva: Tổ chức tài chính kỳ lạ nhất thế giới - Ảnh 4.

Kiva dựa vào các tình nguyện viên để dịch những câu chuyện về người vay sang tiếng Anh cho trang web, nơi bạn có thể đọc, chi tiết và bằng hình ảnh, để những người tài trợ ra quyết định chính xác họ muốn đầu tư vào ai, và tại sao.

Không giống như các trang web cho vay ngang hàng, Kiva không phải trả lãi cho người cho vay. Người vay trả một số tiền lãi nhỏ (thường tốt hơn so với các lựa chọn vay địa phương, ít uy tín hơn), nhưng phần lợi nhuận này được sử dụng để trả cho các field partner, những người đang tìm kiếm người nhận phù hợp và đảm bảo chắc chắn tiền sẽ đến đúng địa chỉ.

Thay vì lợi nhuận tài chính từ số tiền bạn cho vay, bạn nhận được một thứ mà có giá trị hơn rất nhiều: cơ hội tạo ra sự khác biệt rõ rệt trên thế giới và tác động đến cuộc sống của một người lạ theo cách tích cực, lâu dài. Kiva không phải là đầu tư tiền theo nghĩa truyền thống; Nó nói về việc sử dụng tiền thừa của bạn để bắt đầu một cuộc sống ở một nơi khác trên thế giới.

Làm từ thiện hiệu quả luôn khó hơn đầu tư rất nhiều, và Kiva cho đến nay đã làm được cả hai điều đó theo cách đơn giản nhất. Chúng ta có nền kinh tế chia sẻ vận tải như Uber, Grab, chúng ta cũng có sự sẻ chia đến từ những người cần tìm và những người sẵn sàng cho thuê chỗ ở như Airbnb, và chúng ta cũng có một nền kinh tế chia sẻ cho người nghèo với Kiva.

Và từ Kiva, hàng triệu doanh nhân tiềm năng đã, đang và sẽ tiếp tục được ươm mầm. Vậy tại sao lại không thử bắt đầu tất cả những điều đó với 25 đô la?

Theo Linh Bùi

Cùng chuyên mục
XEM