Kinh tế Việt Nam "dẻo dai" trước COVID-19

06/12/2020 15:13 PM | Xã hội

Tăng trưởng kinh tế càng về cuối năm, càng lấy lại được “phong độ”. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2-3% trong năm nay.

Khó có thể nói tới sức bật của nền kinh tế trong lúc này, bởi những tác động của đại dịch COVID-19 vẫn rất nặng nề. Tuy nhiên, sự bền bỉ, sức dẻo dai là điều có thể nhìn thấy rất rõ qua các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2020.

Hàng Việt đang chiếm lĩnh các thị trường quan trọng

Dễ thấy nhất đó là số liệu về xuất nhập khẩu vẫn "đứng vững" giữa đại dịch. Xuất khẩu trong 11 tháng đạt 254,6 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tờ Lao động bình luận, đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên thế giới.

Các mặt hàng tiềm năng như gạo, trái cây, gỗ, thủy sản của Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh các thị trường quan trọng, kể cả các thị trường đang bị COVID-19 ảnh hưởng chưa khắc phục được hoàn toàn.

"Sức khỏe" nền kinh tế đang có chiều hướng tốt lên. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng dần. Nếu như xuất khẩu 10 tháng chỉ là 4,7% thì nay đã nhích lên 5,3%. Đà này nếu được tiếp tục duy trì trong tháng 12, xuất khẩu có khả năng tăng trưởng tiệm cận mức Quốc hội giao trong năm 2020 là khoảng 7%.

Kinh tế Việt Nam dẻo dai trước COVID-19 - Ảnh 1.

Hàng Việt đang chiếm lĩnh các thị trường quan trọng. Ảnh minh họa - Dân trí.

Xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD

Bức tranh kinh tế 11 tháng có thêm gam màu sáng đó là xuất siêu đạt mức kỷ lục với 20,1 tỷ USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Tờ Công Thương bình luận: Xuất siêu kỷ lục là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới…

Ở một góc nhìn khác, tờ Đầu tư phân tích, xuất siêu kỷ lục cũng một phần là do nhập khẩu chậm lại và chỉ đến tháng 11 tình hình mới được cải thiện. Nhập khẩu tăng gần đây chủ yếu ở nhóm hàng tư liệu sản xuất. Điều này cho thấy chuỗi hàng hóa quốc tế đang dần được kết nối trở lại.

Bên cạnh điểm sáng về xuất khẩu, công nghiệp cũng mang lại "trái ngọt" cho ngành kinh tế khi chỉ số sản xuât của toàn ngành tăng 3,1%. Tuy có mức tăng thấp hơn mức tăng 9,3% của 11 tháng trong năm 2019 song đây cũng là một mức tăng đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do COVID-19. Công nghiệp xứng đáng là động lực tăng trưởng.

Theo tờ Công Thương, trong khó khăn nhưng ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng gần 12% so với cùng kỳ. Sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động chế biến chế tạo mở ra hy vọng cho ngành công nghiệp sẽ phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại.

Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ 

Kinh tế Việt Nam dẻo dai trước COVID-19 - Ảnh 2.

Mức độ tăng giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng đạt hơn 400.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa - Dân trí.

Mức độ tăng giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng đạt hơn 400.000 tỷ đồng, gần bằng 80% kế hoạch của năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

So với 11 tháng năm 2019, tốc độ tăng chỉ là 7%. Thậm chí, năm 2013, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công giảm 2%. Và trong cả giai đoạn từ 2011 đến 2019, năm cao nhất - năm 2016, tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ 15%. Vậy mà năm nay, con số là 34%, cao hơn gấp đôi so với mức đạt được của năm 2016.

Đạt được kết quả này do sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Liên tiếp nhiều hội nghị để thúc đẩy đầu tư công đã diễn ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục hối thúc không để tình trạng "có tiền mà không tiêu được" và phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất.

Nếu kinh tế quý IV có kết quả tốt, mà điều này có thể là hiện thực, cả năm kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2-3%. Điều đó cũng có nghĩa, nền kinh tế đang trên đường thắng lợi khi thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế ". Tất nhiên là phải hiểu ý nghĩa "thắng lợi" trong bối cảnh COVID-19 khiến nền kinh tế chịu tổn thất nặng nề.

Tăng trưởng kinh tế đang lại được "phong độ"

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dẫu phải đương đầu với những thách thức gay gắt chưa từng có trong năm 2020, nhưng càng về cuối năm, mức tăng trưởng càng lấy lại được "phong độ", góp phần rút ngắn khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế.

Việc COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước và việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA ) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Xét trong bối cảnh COVID-19, kinh tế duy trì tăng trưởng dương là minh chứng mạnh mẽ cho thấy hiệu lực, hiệu quả từ việc chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ mà trong đó là tinh thần không lùi bước trước khó khăn.

Đó là sự vào cuộc quyết liệt trong việc đề xuất và thực thi chính sách của các Bộ, ngành, địa phương. Kinh tế vĩ mô ổn định, đà tăng trưởng được duy trì sẽ là nền tảng tốt để kinh tế Việt Nam chuẩn bị cho một năm 2021 với những triển vọng sáng sủa hơn.

Kinh tế Việt Nam dẻo dai trước COVID-19 - Ảnh 3.

Càng về cuối năm, mức tăng trưởng càng lấy lại được "phong độ". Ảnh minh họa - Dân trí.

Phấn đấu tăng trưởng 3%

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân về tăng trưởng được thực hiện nghiêm túc" khi mà năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%.

Tờ Tuổi trẻ dẫn chứng, đầu tư công cải thiện mạnh mẽ và đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt thu ngân sách vượt dự toán, trong đó riêng Quảng Ninh vượt thu khoảng 1.500 tỉ đồng.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân tốt nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí.

Bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân (bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài). Muốn làm được điều đó thì phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

Kỳ vọng đón làn sóng FDI thứ 4

Theo Reuters, vào cuối tháng 11 vừa qua, Foxconn - nhà gia công lớn của thế giới và chuyên sản xuất cho Apple, sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam.

Đại diện Bộ KH-ĐT cũng xác nhận việc có nhà đầu tư đối tác lớn của Apple là Foxconn, Winstron và Luxshare đã chính thức hiện diện tại Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng làn sóng đầu tư FDI thứ 4.

Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM