Kinh tế số có thể đem lại 1.000 tỷ USD cho các nước Đông Nam Á, Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng cơ hội?

13/09/2018 14:02 PM | Xã hội

Theo báo cáo mới được Bain & Co. công bố, đến năm 2025 nền kinh tế khu vực Đông Nam Á có thể tăng thêm 1 nghìn tỷ USD nếu như tận dụng tốt các cơ hội do thương mại điện tử và nền kinh tế số nói chung mang lại.

Tiềm năng của khu vực ASEAN là rất lớn, bởi hiện nay nền kinh tế số mới chỉ chiếm tỷ trọng 7% GDP, so với mức 16% ở Trung Quốc, 27% ở châu Âu và 35% ở Mỹ. Như vậy làm sao để các nước ASEAN có thể tận dụng cơ hội cũng như nên làm thế nào để giải quyết các thách thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số mang lại?

Đó cũng chính là nội dung chính của phiên thảo luận chủ đề "Thị trường số, Cơ hội toàn cầu" trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra sáng nay (13/9). Trong số các diễn giả của phiên thảo luận có Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.

Thách thức của Việt Nam trong cách mạng 4.0

Phiên thảo luận bắt đầu với câu hỏi mà người điều phối dành cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta đã nói rất nhiều đến tiềm năng nhưng CM 4.0 cũng mang đến sự thay đổi rất lớn và thậm chí là thách thức đối với thị trường lao động. Việt Nam đang giải quyết thách thức này như thế nào?

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với Việt Nam, CM 4.0 trong đó có các nội dung của kinh tế số có những tác động rất sâu sắc đến VN, tác động trực tiếp đến hiệu quả phát triển và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của VN. Cùng với việc đón bắt những xu thế phát triển và thay đổi của thế giới, trong đó có CM 4.0 và đặc biệt là kinh tế số thì đảm bảo thị trường lao động truyền thống cũng là 1 bài toán cho Chính phủ để đảm bảo sự ổn định chung.

Bộ trưởng lấy ví dụ đơn cử theo đánh giá của Bộ Công thương, các doanh nghiệp Việt trong 2 ngành cơ bản là dệt may và da giày thì từ nay đến năm 2020 CM 4.0 với những nội dung về tự động hóa có thể làm mất đi 86% công ăn việc làm của dệt may và 74% của da giày, 2 ngành thâm dụng lao động rất lớn của VN và đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của VN.

Còn về tiềm năng, cơ hội của kinh tế số, từ thương mại điện tử cho đến các nội hàm khác quan trọng trong cả công nghiệp, nông nghiệp và nhất là dịch vụ lại đang đặt cho VN những cơ hội rất lớn. Bài toán hiện nay cho VN là phải cân bằng và dung hòa giữa các câu chuyện về chiến lược phát triển, trong đó bao gồm cả giải pháp về cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là tạo ra các nhận thức, hiểu biết chung của doanh nghiệp.

Yếu tố doanh nghiệp cần được nhấn mạnh bởi vì ở VN có tới 97% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ - bộ phận sẽ có những khó khăn trong việc tiếp cận các nền tảng mới của CM 4.0 cũng như nền kinh tế số.

Khảo sát mới của Bộ Công thương thực hiện cuối năm 2017 có tới 82% doanh nghiệp Việt đang ở vòng ngoài của luồng CM 4.0, và chỉ 21% trong đó có những bước đi cụ thể bước đầu. Điều đó cho thấy thách thức lớn nhất đối với Chính phủ là tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp và người dân.

Kinh tế số đem đến cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi những chuyển đổi lớn trong cơ cấu kinh tế.

Bộ trưởng chia sẻ Chính phủ Việt Nam có 3 nội dung ưu tiên cơ bản: có 1 chiến lược tiếp cận tổng thể để có thể phát triển toàn diện, tiếp cận với CM 4.0 và những nội hàm lớn của kinh tế số; hai là bằng những kế hoạch cụ thể tạo ra quan điểm nhận thức của Chính phủ, các cơ quan xây dựng chính sách và sau đó là cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ba là đào tạo nguồn nhân lực có đủ điều kiện để tiếp cận các nội hàm đó.

Ngành nào có tiềm năng nhất trong nền kinh tế số ở ASEAN?

Ông Santitarn Sathirathai, Tư vấn Kinh tế trưởng, Tập đoàn SEA, Singapore đã có nhận định rất thú vị về ngành tiềm năng nhất trong nền kinh tế số ở ASEAN: Đừng nghĩ đến các ngành mà hãy nghĩ đến phân khúc khách hàng mà chúng ta phục vụ.

"Một từ nảy ra trong đầu tôi là phải phát huy sức mạnh của giới trẻ ASEAN. Liên quan đến thương mại điện tử, 1 khảo sát mới đc WEF thực hiện cho thấy các thanh niên ở Asean rất quan tâm đến khởi nghiệp. Vậy làm sao để hỗ trợ cho giới trẻ? Đây cũng là câu hỏi mà Shoppee luôn trăn trở. Ngoài chuyện đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, chúng tôi cũng tăng cơ hội kinh doanh cho giới trẻ bằng cách giáo dục, cung cấp công nghệ số cho họ mở rộng thị trường. Hay đối với lĩnh vực thanh toán thì quan trọng là khai thác những ng chưa dùng dịch vụ ngân hàng chiếm khoảng 60% dân số", ông nói.

Mỗi ngành khác nhau có góc nhìn khác nhau, điều quan trọng là phục vụ những ai chưa được phục vụ và để thành công thì phải địa phương hóa sản phẩm.

Câu chuyện về phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Hơn nửa các startup kỳ lân (có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) ở Asean là hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam lại được coi là 1 trong 10 thị trường phát triển có tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng TMĐT, vì thế người điều phối đã hỏi Bộ trưởng về câu chuyện phát triển TMĐT cũng như nền kinh tế số tại Việt Nam.

Bộ trưởng chia sẻ điều quan trọng là phải làm sao có môi trường sinh thái cho kinh tế số, TMĐT phát triển, đặc biệt là môi trường khởi nghiệp nhất là liên quan đến trình độ nhận thức của doanh nghiệp và người dân dân. Đặc biệt cần tập trung vào yếu tố con người. Đó sẽ là công cụ và giải pháp cho những nước còn chậm phát triển và có điều kiện không thuận lợi như Việt Nam và các nước Asean, để chúng ta có thể bắt kịp với xu thế phát triển chung của toàn cầu.

Nhắc lại những quan điểm mà các diễn giả khác đã nêu về trách nhiệm của chính phủ, Bộ trưởng khẳng định vai trò của Chính phủ rất quan trọng để tạo ra sự nhận thức chung về phát triển kinh tế số.

Ở VN những động thái mới đây cho thấy 1 minh họa rất ấn tượng: thành lập ủy ban về xây dựng chính phủ điện tử. Thủ tướng là chủ tịch và tất cả bộ trưởng đều là thành viên. Trong năm 2019 sẽ xây dựng Chính phủ điện tử để tất cả các hoạt động điều hành của Chính phủ và hoạt động hành chính công đều đc thực hiện trực tuyến trên mạng.

Tại bộ công thương cũng đã đảm bảo 60% các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở cấp độ 3 và 4, tức là người dân và doanh nghiệp không cần thiết phải đến gặp các công chức của bộ máy quản lý nhà nước làm thủ tục hành chính.

Nếu tỷ lệ tăng lên 100% thì không những đảm bảo được hiệu quả của chính phủ điện tử tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công mà còn có thể góp phần giảm bớt thanh toán bằng tiền mặt, nguy cơ tham nhũng, đảm bảo môi trường công bằng minh bạch công khai và đặc biệt là kết nối được quá trình hội nhập của Việt Nam với ASEAN và thế giới.

Để phát triển Kinh tế số, Bộ trưởng đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN, trong đó, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của TMĐT và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM