Trông giữ xe ở khu tập thể, thu nhập đến 50 triệu đồng/tháng

16/06/2015 12:11 PM |

Bỏ bán cà phê, nhận trông xe dưới khu tập thể, anh chị Q-H, (Thanh Xuân - Hà Nội) thu về hơn 50 triệu đồng mỗi tháng.

Thiếu hụt trầm trọng các bãi để xe có quy hoạch, câu chuyện không mới nhưng hàng chục năm vẫn không thay đổi.

Chuyện từ một quán cà phê

Có lợi thế đất rộng dưới chân khu tập thể cũ, vợ chồng anh chị Q-H (Thanh Xuân - Hà Nội) kinh doanh quán cà phê từ năm 2000. Chuyện bắt đầu từ một lần anh chị bị khách “bỏ bom” để xe lại qua đêm nhất định không chịu lấy, đó là vào năm 2007.

Chị H. kể, ngày hôm đó, có một khách quen uống cà phê xong đi đâu đó nhất định không chịu về lấy xe làm chị phải thức chờ cả đêm rất ấm ức. Sáng hôm sau gặp mặt, vị khách này ỉ ôi xin lỗi và mong chị thông cảm vì “nếu không làm thế thì không biết để đâu. Nhà thuê trên tận tầng 5, cầu thang thì bé không vác lên được. Lỡ đi về muộn không gửi được xe nên chỉ còn cách này”.

Kể từ đó, quán cà phê nhỏ của chị vì "thương tình" những khách nhỡ nhàng nên thi thoảng cũng nhận cho gửi xe qua đêm và cũng để “thêm tiền điện nước”. “Dồn hết bàn ghế sang một phòng thì một phòng cũng chỉ để được nhiều nhất là 10 xe, không thể hơn”, chị H. nói.

Bất cập ở các khu tập thể cũ

Thực tế, nhu cầu gửi xe trên địa bàn thành phố Hà Nội là vô cùng lớn, đặc biệt ở những khu vực đông dân cư như các khu tập thể cũ. Các nhà tập thể được xây dựng từ mấy chục năm trước nên thường nhỏ, cầu thang hẹp và dốc, khi xây dựng lại không được tính đến thiết kế nhà để xe nên bắt buộc người dân phải gửi xe ở ngoài. “Vừa bất tiện lại tốn chi phí nhưng nếu không gửi ngoài thì cũng không biết để đâu”, một người dân cho biết.

Cũng chính vì thế, hầu hết các hộ dân sống ở tầng dưới các khu tập thể đều tận dụng tầng 1 và một phần diện tích ở để làm nơi trông giữ xe cho các hộ ở tầng trên. Diện tích thì có hạn mà nhu cầu khách gửi ngày một tăng. "Nhà nào bây giờ cũng có ít nhất là 2 xe, có nhà gửi tận 5 xe vì mỗi người trong gia đình đều có nhu cầu xe để đi lại”, chị Vân – chủ một cơ sở trông giữ xe cho biết.

Thậm chí, chân cầu thang, lối hành lang đi lại, và cả một phần diện tích sân vui chơi chung cũng được tận dụng để trông giữ xe, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân, nhưng dù vậy vẫn không đủ đáp ứng hết nhu cầu.

Các khu vực sân chơi công cộng dưới các tòa nhà tập thể đều bị lấn chiếm làm bãi giữ xe. Ảnh: Hiền Giang

Các khu vực sân chơi công cộng dưới các tòa nhà tập thể đều bị lấn chiếm làm bãi giữ xe. Ảnh: Hiền Giang

Điều rất đáng lo ngại nữa là những điểm trông xe này đều là tự phát, do các hộ gia đình đứng ra tổ chức, mật độ xe đông, các xe để san sát nhau vì muốn tận dụng tối đa diện tích, trần thấp, nhà tối nhưng lại không được trang bị bất kỳ phương tiện phòng cháy chữa cháy nào.

 

Một bãi trông giữ xe tạm bợ tại khu tập thể chung cư cũ. Ảnh: Báo xây dựng

Một bãi trông giữ xe "tạm bợ" tại khu tập thể chung cư cũ. Ảnh: Báo xây dựng

Bên cạnh đó, khách gửi xe phải phụ thuộc hoàn toàn vào giờ giấc sinh hoạt của nhà xe, thường là khoảng 6 giờ sáng mở cửa, 10 giờ tối đóng cửa, ngoài thời gian này coi như không có xe đi, hoặc không có chỗ cất xe khi về.

Đây quả thực là một bất cập lớn. Bởi trong cộng đồng dân cư, có rất nhiều những thành phần như: công nhân làm theo ca, sinh viên đi làm thêm hay bất kể hộ gia đình khi có việc đột xuất cần sử dụng xe trong thời gian “giới nghiêm” thì không biết sẽ phải kêu khóc với ai.

Đấy là chưa kể việc các hộ kinh doanh trông giữ xe tự do có thể áp đặt bất cứ mức giá vô lí nào vì nhu cầu xe gửi luôn rất cao.

Bỏ cà phê chuyển sang trông giữ xe, thu nhập 50 triệu đồng/tháng

Trở lại với quán cà phê của anh chị Q-H. Anh chị từng có thời gian liên tục gặp phải tình huống dở khóc dở cười: khách đi về khuya không có chỗ gửi xe đành vờ vào uống cà phê rồi để xe lại luôn.

Thiếu thốn các điểm trông giữ xe tập trung, nhu cầu gửi xe của các hộ dân quanh khu tập thể lại quá đông, cùng với việc liên tục gặp những tình huống phải nhận trông xe đêm bất đắc dĩ như đã kể trên, năm 2009, vợ chồng anh chị quyết định bỏ hẳn kinh doanh cà phê và chuyển sang nhận trông giữ xe tháng. Điều đặc biệt là cơ sở trông giữ xe của gia đình này hoạt động 24/24.

Biết được thông tin, khách ồ ạt đến đăng ký gửi xe. Thậm chí, anh chị đã phải từ chối rất nhiều xe vì sợ quá tải.

Ảnh: Hiền Giang

Ảnh: Hiền Giang

Thời điểm căng nhất nhà xe này đã phải nhận đến 300 xe vì khách nào cũng nhờ vả hết lời. Nhưng sau đó, do chủ trương không được sử dụng đất ngoài khu vực, anh chị đành rút số lượng xe xuống còn khoảng 200 xe, đủ để gọn trong sân nhà.

Ảnh: Hiền Giang

Ảnh: Hiền Giang

Được biết, phí gửi xe tháng trung bình mỗi xe dao động từ 200.000 – 300.000 (tùy loại xe). Với mức giá như vậy và số lượng 200 xe như hiện nay ước tính gia đình anh chị thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng mỗi tháng.

Anh chị cũng phải thuê từ 1 - 2 lao động. “Thường là con cháu ở quê cho tin tưởng”, chị H. cho hay. Cả gia đình 3-4 người thay ca nhau trông xe cả ngày đêm.

Tuy nhiên, việc trông giữ xe 24/24 cũng mang đến nhiều vất vả bất tiện cho gia đình anh chị. “Từ ngày nhận trông xe đến nay, chưa lúc nào mà hai vợ chồng có thể đi đâu cùng nhau. Có việc gì thì cũng một người đi, một người phải ở nhà trông nhà. Chưa kể, càng nhiều người khắp nơi tụ tập đến thì nguy cơ mắc bệnh trong những đợt bùng phát dịch bệnh sẽ càng cao”, chị H. cho biết.

Vì đâu Hà Nội vẫn "ngập" trong xe?

Có thể thấy, vấn đề thiếu thụt các bãi đỗ xe, các điểm trông giữ xe có quy hoạch đang ngày càng trở nên trầm trọng, không chỉ ở các khu tập thể mà trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội: khu vực phố Cổ, các trung tâm thương mại, những địa điểm hay tổ chức lễ hội, chương trình giao lưu văn hóa, ca nhạc…

Nguyên nhân là do dân cư tập trung về thành phố ngày càng nhiều, nhu cầu sử dụng xe ngày càng lớn: học sinh, sinh viên thì đi xe đạp điện, xe máy, các hộ gia đình có ô tô thì cũng vẫn mỗi người một xe máy riêng, chưa kể có người cùng lúc sở hữu cho mình nhiều loại xe.

Các trung tâm thương mại, các nhà cao tầng dù có thiết kế nhiều tầng hầm để xe thì khi có sự kiện hoặc lễ hội vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Chưa kể việc để xe dưới các tầng hầm thấp cũng phát sinh tai nạn khó lường như vụ việc gần 20 người ngất xỉu ở big C do ngạt khí xe máy cách đây không lâu.

Các dự án cơ sở hạ tầng giao thông công cộng: dự án tàu điện ngầm thủ đô, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông,… đều là những công trình dang dở, không những chưa góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông một cách nhanh chóng, mà còn gây khó khăn cho lưu thông phương tiện, tổn hại về người và của trong quá trình thi công.

Việc xây dựng các bãi trông giữ xe có quy hoạch và quản lý một cách hợp lý không những sẽ giải quyết được nhu cầu dân sinh lớn mà còn góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường sống của các khu dân cư cũng như đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao an toàn cháy nổ trong toàn dân.

Cần cẩu đổ sập vào nhà 361 Cầu Giấy, đè trúng 2 xe lưu thông dưới lòng đường. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Tai nạn sập cẩu tại dự án đường sắt đô thị. Ảnh: Phạm Duy.

Hiền Giang

Cùng chuyên mục
XEM