Nhiều người giàu lên và cũng nhiều người mất bàn tay ở “làng rắn” lớn nhất Việt Nam

22/05/2013 20:15 PM |

Mặc dù là một nghề mang lại lợi nhuận cao, nhưng nuôi rắn cũng là nghề ẩn chứa nhiều nguy hiểm và rủi ro. Người nuôi rắn cần phải trang bị đầy đủ kiến thức và cẩn thận khi hái tiền từ nghề này.

Làm giàu từ con rắn

Lệ Mật là làng nghề nổi tiếng với truyền thống bắt và nuôi rắn từ nghìn năm nay. Những năm 80 của thế kỷ trước, Lệ Mật đã là trung tâm cung cấp rắn lớn, rắn từ đây được xuất đi nhiều địa phương trong nước và sang cả Trung Quốc. Bắt rắn và nuôi rắn trở thành nghề kiếm kế sinh nhai của nhiều hộ dân trong làng. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng biết bắt rắn.

Tuy nhiên năm 1993, Nhà nước ban hành Pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có rắn. Nghề bắt và nuôi rắn đã bị cấm nên nhiều hộ dân đã chuyển sang nghề khác để kiếm sống. Vì vậy, nghề nuôi rắn ở Lệ Mật bị mai một dần.

Năm 2007, sau khi cử người tới xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) học hỏi mô hình nuôi rắn, UBND quận Long Biên phê duyệt đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề rắn Lệ Mật, kết hợp du lịch ẩm thực” và cấp giấy phép chăn nuôi cho cho các hộ dân. 

Nghề nuôi rắn được đánh giá là một nghề ít rủi ro về kinh tế, bởi rắn có sức đề kháng tốt lại có lợi nhuận cao. Trên thị trường hiện nay, rắn phì có giá khoảng 800 nghìn đồng/kg, rắn hổ mang khoảng 1 triệu đồng/kg, hổ mang chúa có giá gấp đôi… 

Do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, diện tích đất ở đang ngày một thu hẹp nên số hộ dân nuôi cũng giảm. Tuy nhiên, chỉ giảm về số hộ nuôi nhưng quy mô nuôi ngày một tăng. Hiện nay, Lệ Mật có 30 hộ được cấp giấy phép chăn nuôi rắn. Một số nhà hàng nổi tiếng chế biến về rắn như Rắn Ráo, Nguyễn Trọng Dực, Quốc Phương Trại, Xuân Chu Vườn với các sản phẩm đa dạng: các món ăn đặc sản từ rắn, giầy da rắn, ví da rắn, rượu rắn…đã thu hút đông đảo người tới thưởng thức và tham quan. Đặc biệt, nọc rắn có giá trị kinh tế rất cao, được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành dược phẩm.

Ngoài ra, Lệ Mật còn phát triển các loại hình du lịch tham quan mô hình nuôi rắn. Nhờ vào nghề nuôi rắn nhiều hộ dân đã thoát nghèo, nhiều gia đình có của ăn của để.

“Chăm rắn như chăm con mọn”

Những người nuôi rắn ở Lệ Mật hay nói đùa nhau rằng “yêu rắn hơn yêu vợ”, “chăm rắn như chăm con mọn” để nói lên sự tỉ mỉ và vất vả của nghề này. Bác Xứng – một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi rắn chia sẻ: “Không phải ai cũng nuôi được rắn vì nghề này đòi hỏi sự cẩn thận và tính kiên trì rất cao. Người nuôi rắn phải chăm sóc chúng như chăm sóc con của mình”.

Chuồng rắn được chia thành các ô nhỏ, kích cỡ 30cm x 30cm x 30cm, có cửa nhỏ cho rắn ra vào. Hằng ngày, người nuôi cho rắn ăn bằng mồi tĩnh như cóc, nhái, chuột, ếch, cổ cánh gà… Mỗi loại rắn thì có một loại thức ăn yêu thích nên cần lựa chọn thức ăn phù hợp cho chúng. Cách cho rắn ăn cũng rất cầu kì, mỗi lần phải cho thức ăn vào đĩa sạch và “mời” chúng ra ăn. Đặc biệt, nghề rắn rất kiêng kị trong việc cho người vào xem vì lo rắn “sợ vía” sẽ bỏ ăn.

Trong ngày, người nuôi phải mở cửa kiểm tra từng chuồng ít nhất 2 lần để xem rắn có bỏ ăn hay bệnh gì không, nếu rắn bỏ bữa phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao. Một số bệnh rắn hay mắc phải như ghẻ lở, đi ngoài và bệnh phổi, muốn chữa trị cần dùng thuốc kháng sinh và men tiêu hóa trộn với thức ăn. Nếu không chăm sóc cẩn thận rắn bị chết hàng loạt thì coi như cả gia tài đổ xuống sông, xuống biển.

Rắn là giống thân nhiệt nên vào mùa đông phải sưởi ấm cho chúng. Nếu như trước đây cứ đến mùa lạnh phải chất rơm rạ, phủ bạt và lấy chăn đắp, hiện nay người dân Lệ Mật sử dụng hệ thống sưởi ấm cho “con mọn” bằng điện. Bên cạnh đó, người nuôi phải chuẩn bị trước một lượng lớn thức ăn đông lạnh để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho rắn.

Muốn nuôi rắn đạt được hiệu quả cao trước khi nuôi các hộ dân phải đi tập huấn về an toàn, xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, chuẩn bị thức ăn…và trực tiếp đi thăm các mô hình nuôi rắn điển hình để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Mỗi năm địa phương sẽ tổ chức tập huấn một lần để nâng cao kỹ thuật nuôi rắn cho các hộ dân. 

Sinh nghề tử nghiệp


Rắn mang lại rất nhiều lợi ích cho người nuôi, nhưng nó cũng lấy đi  nhiều thứ của họ. Nuôi rắn là một nghề vô cùng nguy hiểm, người nuôi phải đối mặt với tử thần rình rập mọi lúc.

Ông Trương Bá Huân - nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, Trưởng ban Quản lý làng nghề Lệ Mật cho biết: “Tất cả những người nuôi rắn trong làng đều từng bị rắn cắn. Người bị nhẹ thì khoèo chân, mất ngón, co cơ, người bị nặng có thể tàn tật suốt đời hoặc nặng hơn là tử vong. Người nuôi rắn chỉ cần một phút chủ quan là có thể đánh mất tính mạng của mình vào tay thần chết bất cứ lúc nào”.
 Bàn tay anh Nguyễn Văn Vinh bị mất một ngón vì rắn cắn.

Rắn là loài bò sát nguy hiểm, nọc của nó có thể giết chết một con vật khác thậm chí lấy đi sinh mạng của một người khỏe mạnh. Sự nguy hiểm đó càng tăng lên khi những hộ dân của làng tham gia nuôi rắn hổ mang – loại rắn cực kì độc.

Anh Nguyễn Văn Vinh – một thợ thịt rắn kể lại: “Năm ngoái, trong một lần bắt rắn để làm thịt, anh bị cắn vào tay, phải lập tức chặt bỏ ngón tay bị cắn để tránh chất độc chạy vào tim. Ở làng này chuyện chặt ngón tay vì rắn cắn là bình thường, phải nhắc tới ông Quốc Triệu – một người bắt rắn rất giỏi và cũng làm giàu từ con rắn. Hiện ông là chủ của Quốc Phương Trại, nhưng rắn cũng lấy đi của ông một bàn tay. Mấy năm trước, ông đã bị một con hổ mang nặng 3,5 kg cắn vào tay, sau đó bàn tay đã bị hoại tử và để lại dị tật suốt đời”.

Để phòng và tránh những trường hợp bị rắn cắn, người dân Lệ Mật phải rất cẩn thận trong các khâu nuôi và chăm sóc rắn. Người nuôi khi vào chuồng phải mặc áo da, mang găng tay dày, đeo kính bảo hộ, cẩn thận hơn phải đeo cả mũ bảo hộ nhằm không cho rắn cắn hoặc nọc của nó phun vào mắt. Khi bắt rắn, người bắt phải hết sức nhẹ  nhàng, từ tốn, không được cầm con rắn quá chặt, nếu không nó sẽ “cáu” và quay ra cắn lại người chủ.

Ông Huân chia sẻ thêm: “Ngày trước, người trong làng bị rắn cắn rất nhiều, vì vậy chúng tôi đã có những phương thuốc bí truyền chữa rắn cắn của riêng mình. Khi bị rắn cắn, người ta cần phải lấy bớt chất độc ra ngay lập tức bằng cách rạch một vết chỗ cắn, cho tay xuống nước và vuốt độc ra, sau đó tiến hành garô và đắp lá. Người dân Lệ Mật thường sử dụng các loại lá cây như: lá móc diều, lá bồ cu vẽ, lá táo hay bèo cái…nhằm chữa trị các vết thương do rắn cắn”.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của y học, nọc rắn đã được ứng dụng chế tạo thành các loại huyết thanh hoặc vắcxin để chữa trị cho những trường hợp bị rắn cắn. Vì vậy, người bị rắn cắn nếu được đưa đến nơi có thuốc kịp thời sẽ giảm tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Năm 2011, Lệ Mật được công nhận là làng nghề truyền thống , trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ từ rắn hàng đầu trên cả nước. Nghề nuôi rắn thực sự là con đường làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây.
Theo Hải Đức - Tuyến Phan

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM