Làng rắn Vĩnh Sơn: Nông dân kiếm bạc tỷ mỗi năm nhờ rắn hổ mang

25/06/2013 10:37 AM |

Những hộ dân nuôi rắn chuyên nghiệp ở làng rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc mỗi năm kiếm lợi nhuận cả vài tỷ đồng.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, đồng thời cũng là một trong số hàng trăm hô gia đình ở đây chăn nuôi rắn hổ mang phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nói đến những làng nghề nuôi rắn truyền thống, nổi tiếng nhất Việt Nam đó là làng Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội; Làng Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội và Làng Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc. Mỗi làng nghề đều có những đặc trưng riêng về việc nuôi rắn. 

Tựu trung lại, con rắn đã mang đến diện mạo mới cho những khu làng nghề truyền thống này và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cùng với đó, nghề nuôi rắn cũng phải đánh đổi với nhiều hiểm nguy đe dọa. 

Cả làng nuôi rắn

Làng rắn Vĩnh Sơn nằm ở gần trung tâm thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây nổi tiếng khắp gần xa bởi nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ con rắn. 

Ngày trước, đây là vùng đất rậm rạp, phát triển nông nghiệp là chính nên nhiều loài rắn trú ngụ. Các thanh niên trong làng thường tìm bắt rắn để bán cho các nhà giàu ngâm rượu và làm thuốc. Nói như chủ tịch xã Vĩnh Sơn, mỗi người làng Vĩnh Sơn đều là những “du kích” bắt rắn.

Đến nay, khi kinh tế thị trường mở cửa, con rắn mà chủ yếu là các loại hổ mang đã trở thành con vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần những loài vật nuôi khác. Nghề nuôi rắn tại Vĩnh Sơn được truyền từ đời này sang đời khác và đã trở nên “nức tiếng gần xa” với các loại đặc sản nổi tiếng như rượu rắn Vĩnh Sơn, cao rắn Vĩnh Sơn,…


Chuồng nuôi rắn hổ mang chúa

Hiện nay, ngoài làm nông nghiệp, người dân Vĩnh Sơn chăn nuôi, kinh doanh rắn là chủ yếu. Có hộ gia đình phát triển thành trang trại rắn.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch xã Vĩnh Sơn chia sẻ, trước đây xã Vĩnh Sơn đã có trang trại rắn tập trung khoảng 2,7ha,. Từ sau năm 1992, nghề chăn nuôi rắn được chuyển toàn bộ cơ ngơi trại rắn về các hộ gia đình.

“Hiện nay Vĩnh Sơn có khoảng 1.300 hộ với khoảng 5.700 nhân khẩu, thì có tới 850 hộ dân nuôi rắn. Có thể nói, con rắn đã đem lại diện mạo mới cho xã Vĩnh Sơn, bởi nó dường như đã thay thế cho những con vật nuôi thuần nông khác ở làng nghề này, đem lại lợi nhuận cao hơn con trâu, con bò, con gà. Xây dựng ít tốn kém hơn, sử dụng lao động ít hơn, ô nhiễm môi trường ít hơn,…

Mặc dù nhận thấy nhiều lợi ích trong nghề nuôi rắn theo quy mô gia đình, nhưng việc phát triển lại gặp khó khăn hơn. Cho nên hiện nay, Vĩnh Sơn đang chuyển đổi mô hình phát triển thành trại rắn, và đang quy hoạch 20,87 ha để sản xuất tập trung. Chúng tôi đang tiến hành thu hồi đất. Sau 2 năm nữa có lẽ Vĩnh Sơn sẽ khác”, ông Quyết nói.

Trại rắn này sẽ được chia thành 14 khu, có khu chăn nuôi, khu chế biến và khu giới thiệu trưng bày sản phẩm. Đây sẽ là khu tập trung đầy đủ các loại rắn trên thế giới, như một bảo tàng rắn.

Kiếm bạc tỷ mỗi năm

Sản phẩm rắn có rất nhiều loại như rượu rắn Vĩnh Sơn nổi tiếng, cao rắn, thực phẩm chức năng viên nang,… Các sản phẩm của làng rắn Vĩnh Sơn không chỉ được người dân trong nước biết đến mà đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Ví dụ một lọ viên nang 30 viên nang có tác dụng chữa đau khớp, đau lung, xương cốt,…với giá 150.000 đồng/lọ. Hay cao rắn tại Vĩnh Sơn được bán với giá 500.000 đồng/lạng.

Nếu tính bình quân một hộ gia đình nuôi rắn chuyên nghiệp tại Vĩnh Sơn có mức lợi nhuận một năm khoảng vài tỷ đồng (khoảng từ 1-3 tỷ).

Kiếm bạc tỷ nhờ rắn

Ông Quyết cho biết thêm: “Vĩnh Sơn chưa bao giờ bị ế hàng các sản phẩm từ rắn. Rắn Vĩnh Sơn cũng như sản phẩm của rắn được xuất đi khắp nơi. Các loại rắn thường nuôi ở Vĩnh Sơn là hổ mang chúa, hổ trâu, và hổ mang thường.

Chia sẻ về lý do tại sao, người dân Vĩnh Sơn lại ham mê nuôi rắn như vậy, ông Quyết chia sẻ: “Có thể nói rằng ở Vĩnh Sơn con người ngủ chung với con rắn. Mặc dù biết là một nghề cực kỳ nguy hiểm nhưng vì lợi nhuận cao nên hộ gia đình nào cũng làm hết. Nghề nuôi rắn đòi hỏi phải dũng cảm mới làm được. Bản thân tôi đã bị mất một ngón tay vào năm 1987 do rắn cắn, ở Vĩnh Sơn đến nay đã có 10 người hy sinh vì rắn.

Là một trong 850 hộ gia đình nuôi rắn ở Vĩnh Sơn, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Quyết cũng đang sở hữu một trại rắn có quy mô 7.000m2 với khoảng 3.000 con rắn đang được nuôi ở trại. Có đủ các loại rắn được nuôi, từ rắn độc như hổ mang chúa (có con nặng tới 15kg đã nuôi được 6 năm) đến các loại rắn không độc như hổ trâu, hổ mang thường,…

Thức ăn cho rắn cũng không cầu kỳ chỉ là những con gà, vịt, ngan mới nở…được mua từ các lò ấp thải loại với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Mỗi con rắn thường 3 ngày mới ăn một lần, và thường nuôi 2 năm thì sẽ thu hoạch. Mức chi phí cho một con rắn đến lúc thu hoạch vào khoảng 6kg.

Giá bán một kg rắn tùy thuộc vào loài rắn độc hay không độc. Rắn độc được bán với giá khá cao từ 1-3 triệu đồng/kg, rắn không độc có giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg.

Kiều Thuật

thuatvk

Cùng chuyên mục
XEM