Hốt bạc từ nghề "son phấn, mông má" đồ gỗ cũ

14/02/2013 23:18 PM |

(CafeBiz) "Mua của người chán, bán cho người thèm".

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, làng Canh Nậu và Hữu Bằng, Thạch Thất được ví như "thủ phủ" của giới buôn đồ gỗ cũ. Theo giới buôn thì đây là cái nghề “Mua của người chán, bán cho người cần”.

Đến thăm một xưởng chuyên "mông má" đồ gỗ cũ vào một chiều giáp tết, mỗi người một việc hối hả, bận rộn. Anh Khánh, chủ xưởng hồ hởi khoe "đang dịp tết, người dọn nhà cũng nhiều mà người mua cũng không ít nên xưởng của anh làm việc 18/24. Cả năm, đây là dịp "xôm" nhất của giới buôn đồ gỗ cũ ".

"Làm cái nghề này, săn được mối cũng không phải là dễ, phải mối lái với dân bản địa thì mới tìm nhanh. Nhưng nhiều khi tìm được, chủ nhà họ không muốn bán, có khi phải đến trả giá, nài nỉ gọi điện mặc cả đến nửa năm trời. Nhớ năm rồi, tôi lần mò lên tận Hưng Yên trả giá bộ bàn ghế bằng gỗ lim hơn 200 năm với giá từ 100 rồi 150 triệu mà chủ nhà nhất định không bán do đấy là cổ vật của dòng họ. Sau đó, đột nhiên, vài tháng sau họ lại chủ động gọi lại cho tôi".
 
Bác Đỉnh, có thâm niên trong nghề "phấn son" gỗ cũ đã hơn 20 năm trong xưởng của anh Khánh, tâm sự "làm cái nghề này công phu lắm, phải khéo léo và có lòng kiên trì mới thành công được. Khi món hàng xưa bị sứt mẻ, gãy bể đâu đó thì chọn đúng chủng loại gỗ, đúng sắc, đúng vân để phục bản theo nguyên tác. Nhiều vết nứt rạn, rỗ phải bả bột đá, răm mặt gỗ cho mịn rồi đánh vecni, có khi phải trưng cồn rồi đắp vào các mộng gỗ bị nứt.

Với đồ xưa, sử dụng vecni là cồn ngâm cánh kiến, thấm bột đánh bằng tay, mài đi mài lại nhiều khi vài ngày chưa xong cái tủ; không phun công nghiệp loại vecni PU được. Làm cái nghề này, càng kỳ công thì đồ càng đẹp càng có giá trị",
bác Đỉnh thủ thỉ.

Anh Sơn, một  tay săn đồ gỗ cũ có tiếng cho biết: "Nghề buôn đồ gỗ cũ vất vả thật nhưng nếu gặp được món hời có thể trúng đậm cả nửa tỷ bạc". Anh Sơn kể, năm ngoái có anh bạn mua được bộ bàn ghế, tủ, sập gỗ Trắc khảm ốc đỏ Singapore của con cháu một vị quan Nhị phẩm thời xưa với giá 1,2 tỷ đồng. Một thời gian sau, anh này sang tên cho một vị đại gia có tiếng với giá 1,8 tỷ đồng.

Anh Sơn kể, trước đây vài năm khi nghề buôn bán đồ gỗ cũ chưa thịnh như bây giờ là thời điểm "trúng mánh" đậm. Anh thường lân la khắp vùng Phú Xuyên, Thường Tín, Xuân Mai... dò hỏi gia đình nào có món đồ gỗ cũ có giá trị, rồi gạ họ đổi đồ cũ lấy mới. Đồ gỗ mới đa phần là loại gỗ rẻ tiền như gỗ sồi, xoan đào nhưng mẫu mã đẹp nên dân tranh nhau đổi. Nhiều hôm "đỏ", tôi vớ được cả bộ bàn ghế, tủ cổ bằng gỗ gụ, lim, hương... Về nhà, đánh vecni lại có khi kiếm vài chục triệu "dễ như trở bàn tay".

"Có lần chính tôi cũng "ăn đậm" được quả hơn 200 triệu", anh Sơn nói nhỏ. Lần ấy, nghe có người mách có bà lão trên tận Từ Sơn, Bắc Ninh cần bán một bộ câu đối bằng gỗ khảm trai, tôi vù đến ngay. Tới nơi thấy đôi câu đối đã cũ nhưng những chữ khảm trên trai đích thị là loại ốc đỏ Singapore  tôi đã mê mẩn rồi, bà cụ bảo: “Bán để lấy tiền chữa bệnh, câu đối gỗ này cũng cũ quá rồi”. Sau một lúc ngã giá, bà cụ đồng ý bán 7 triệu đồng".

“Tôi sướng như tê dại bởi loại khảm ốc đỏ Singapore là loại khảm cực có giá, đặc biệt nếu nhìn tinh khảm trên đôi câu đối còn là loại khảm đổi màu. Sau khi mang về nhà, tôi huy động thợ bóc hết khảm trên lớp gỗ cũ đã sứt mẻ rồi khảm lên chiếc sập gỗ gụ trị giá 50 triệu. Sau đó, có khách đến trả 270 triệu, thấy ngon ăn nên tôi bán luôn".

Anh sơn thủ thỉ, làm cái nghề “theo chân người chán, gả cho người ưa” quả là phải có đam mê, và phải là người tinh nghề. Có khi cả mấy tháng "ngồi chơi xơi nước" chả được đồng nào, có khi thẩm định sai thâm niên của mặt hàng là "chết ngay".

"Còn nhớ, có lần một người quen trong Thanh Hóa gọi ra bảo có gia đình nọ cần tiền bán bộ bàn gỗ gụ ngót ngét 100 năm tuổi. Tôi máu quá, bắt ngay xe đến nơi thì trời đã sẩm tối. Tin tưởng anh bạn và xem qua nhận thấy vân gỗ khá đẹp có độ lì và bóng, tôi vội ra giá 60 triệu với chủ nhà và cho xe chở về. Tuy nhiên, khi lau chùi cẩn thận xem lại lớp vecni thì phát hiện đây là đồ gỗ giả cổ có tuổi thọ chưa đến 10 năm tuổi".

Theo giới buôn trong nghề, để xác định được tuổi của món hàng, phải xem cho được “nước bóng mặt gỗ của thời gian”. Hàng có tuổi thì cứng cáp, nặng; đồ giả cổ, hàng nhái thường mỏng manh. Và đặc biệt, hàng cũ có cả cái hồn trong đó, nhìn dòng sông khắc trên gỗ chẳng hạn, nước như đang chảy thật, cái bông trên khảm cũng như đang nở thật, hàng khác thì bông như đang héo.

Thanh Ngà

ngatt

Cùng chuyên mục
XEM