Guốc mộc 'sống' nhờ Tây mua, người hoài cổ bán

14/08/2013 08:40 AM |

Giữa thời giày dép nhựa tràn lan, các cửa hàng nếu có bán guốc lại chỉ bán guốc hiện đại, nhiều người vẫn tìm đến đôi guốc mộc quen thuộc. Với những người vẫn còn gắn bó với nghề bán guốc là do hoài cổ.

Chợ Bình Tây (quận 6, TP. HCM) trước đây là đầu mối đưa guốc đi khắp các tỉnh, giờ chỉ còn lại vỏn vẹn hai sạp. Chợ An Đông (quận 5) cũng nổi tiếng một thời với nhiều loại guốc kiểu dáng đẹp, sang trọng giờ đây chỉ còn một sạp bán guốc nhỏ xíu, cạnh tranh từng centimét quầy kệ với hài thêu, giày dép.

Tương tự, chợ Minh Phụng, chợ Phú Lâm cùng ở quận 6, một thời nhộn nhịp tiếng đóng guốc cho khách đi chợ đêm, giờ đây cũng đìu hiu... dáng guốc. Chợ Bến Thành nay cũng chỉ còn có một sạp bán chuyên guốc của bà Nguyễn Thị Liên, các sạp còn lại hầu như bán guốc kèm vô cho đủ mặt hàng.

Bà Liên nói: “Đáng lẽ guốc đã chết rồi. Nhưng may mà khoảng năm 2000, guốc được người nước ngoài ưa chuộng nên mới còn được như ngày nay”. 

Theo lời bà Liên, nếu cho thuê lại sạp sẽ được nhàn nhã thu tiền hàng tháng nhiều hơn tiền lời bán guốc! Nhưng bà đã gắn bó với nghề guốc mấy chục năm, “nghỉ ở nhà sẽ sinh bệnh”. Hơn 70 tuổi nhưng bà Liên vẫn thao tác khá nhanh nhẹn, bà khiêm tốn: “Đóng riết rồi quen, không phải tay nghề gì đâu”. 

Bà Liên kể, bán guốc từ năm mười mấy tuổi đến nay đã hơn 70 tuổi. Trước đây, đóng guốc không ngơi tay, bây giờ ngày đắt lắm cũng chỉ bán được khoảng chục đôi. Mà trong đó người nước ngoài đã mua hết tám đôi! Có lần, một bà giáo sư người Pháp ghé sạp mua đôi guốc sơn mài về nước, ai cũng khen đẹp. Sau đó, có dịp qua Việt Nam công tác, bà giáo sư lại tới mua khoảng chục đôi về tặng người thân, bạn bè.

Bà Trần Thị Mai (quận 11) suốt từ thời trẻ đến giờ đã gần 60 tuổi vẫn luôn trung thành với một kiểu guốc mộc, đóng quai nhựa ngang. Mỗi lần mua bà đóng luôn năm đôi để dành mang dần. Khi đôi guốc cuối cùng của bà Mai chuẩn bị “hết nhiệm vụ” thì sạp guốc ở chợ gần nhà nghỉ bán. Bà bèn nhờ cô cháu gái kiếm mua bằng được mới thôi. 

Chạy khắp các chợ, cuối cùng cô cháu cũng tìm được một kiểu tương tự như yêu cầu, cô bèn mua liền một lúc mười đôi để phòng sau này hết bán. Cũng may, bà Mai không đòi mua guốc vông – thịnh một thời vì có tác dụng trị phong thấp. Bây giờ, có chạy khắp Sài Gòn cũng tìm không ra.

Guốc bây giờ đa số được làm từ gỗ thông và gỗ xoan. Gỗ thông có phần nhẹ, dễ bị bục vỡ khi có va chạm mạnh hoặc thấm nước lâu ngày nên kém bền hơn gỗ xoan. Kiểu dáng guốc hiện nay cầu kỳ hơn trước. Dòng guốc truyền thống dân gian có nhiều loại như chạm khắc, lộng, vẽ, sơn mài… khá cầu kỳ.

Dòng guốc hiện đại có kiểu đế hình chiếc lá, hình bầu, hình vuông như guốc Nhật, hình chiếc xuồng như đời Mãn Thanh… Ngoài ra còn một số guốc nhập khẩu từ Indonesia, Hàn Quốc, Nhật… có kiểu dáng đặc trưng, giá cao trung bình gấp ba lần guốc Việt. Đặc biệt còn có một số loại guốc nhập khẩu từ phương Tây, thực chất là những đôi giày đế gỗ, kiểu dáng sang trọng, giá bạc triệu. Tuy nhiên, những kiểu guốc này là hàng cao cấp, ít bán ở chợ, vào các cửa hàng hoặc lên mạng tìm mới có.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM