Giấc mơ phù thủy của nữ doanh nhân thu 6 tỷ đồng/năm từ chổi chít

18/03/2013 10:25 AM |

Giấc mơ được bay trên chiếc chổi chít của cô học sinh tiểu học ngày nào đã thành sự thật.

"Học dốt" nhưng vươn lên

“Khi còn là học sinh tiểu học, tôi thường mơ ước được bay trên chiếc chổi chít và bay xa hơn nữa khu chợ nhỏ bé ở ngôi làng của mình. Để những sản phẩm này ra thế giới bên ngoài, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nghèo. Giờ đây ước mơ của tôi đã thành hiện thực…” Người phụ nữ có ước mơ hồn nhiên, bay bổng ấy là chị Nguyễn Thị Thư, chủ doanh nghiệp SANDA (xã Trung Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình). 

Là người “học dốt nhất” (theo lời chị) rồi vươn lên thành học viên xuất sắc, chị Nguyễn Thị Thư đến từ Hòa Bình đã vinh dự lọt vào danh sách Nữ doanh nhân thành đạt toàn cầu do chương trình Empretec, UNCTAD tổ chức. Các nữ doanh nhân thành đạt được vinh danh đều đến từ các nước đang phát triển. Họ đã xây dựng doanh nghiệp thành công và tạo công ăn việc làm cho người lao động, trở thành những cá nhân điển hình trong xã hội. 

Cũng nằm trong số ấy, chị Nguyễn Thị Thư, biết tết chổi từ khi còn là học sinh tiểu học, khi chưa ý thức được đó là một nghề, giờ đây đã trở thành doanh nhân vượt khó được nhiều người biết đến, ngưỡng mộ. “Học chữ thì lâu, bảo tết chổi tết thôi. Mình mê tít nghề này. Nhìn mình cũ kỹ thế này thôi nhưng các đồ vật trong nhà mình đều đẹp và có hồn…” Những chia sẻ tự nhiên không đầu cuối ấy khiến bất cứ ai đối diện cũng bị cuốn vào câu chuyện của chị.

Xuất thân con nhà lao động ở Ninh Bình, năm 7 tuổi chị Thư theo gia đình lên Hòa Bình sinh sống. Cây chổi chít từ đó đã gắn bó cùng bố mẹ đã tảo tần nuôi lớn sáu chị em. Rồi không biết tự bao giờ, chị mê chổi và ước mơ làm giàu từ cái nghề truyền thống này. Cơ duyên làm giàu đến với chị khi thương hiệu chổi chít không những được ưa chuộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, một số người nước ngoài thông qua bạn bè chị cũng đến tìm mua. "Đầu tiên làm nhỏ, khách đến đặt hàng đông nên mình nảy sinh ý tưởng mở công ty", chị cho biết.

Dành dụm được 500 triệu đồng, năm 2000, chị bàn với chồng thành lập công ty SANDA, mở lớp dạy nghề miễn phí cho 300 lao động địa phương. Những cây chổi mang thương hiệu SANDA cầm chắc tay, với đầy đủ màu sắc, kiểu dáng đa dạng nhằm đáp ứng thị hiếu của từng địa phương, từng quốc gia. Nói về động lực đưa đến quyết định mở công ty, chị bảo: “Thực ra mình không đi buôn, chỉ là người sản xuất bán cho khách giúp bà con nông dân nghèo có việc làm, có cuộc sống tốt hơn. Bà già ngồi chơi biết bóc bông, trẻ con đi học về có việc cũng bớt đi chơi. Còn mỗi người kiếm ít nhất cũng được 50-100 nghìn đồng/ngày, mỗi tháng cho thu nhập triệu rưỡi đến vài triệu”, chị nói.

Nữ giám đốc đa-zi-năng

Chị nói rằng khi bó chổi phải tìm hiểu nền văn hóa của từng nước. Ví dụ, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ cần hàng bình thường, nhưng xuất sang Nhật dứt khoát phải làm thật tốt. Chị cũng tìm hiểu sở thích của từng thị trường. Có nước thích cây chổi nhiều màu sắc, có nước lại thích đơn giản; có nước thích cán chổi to, có nước thích cán chổi nhỏ, nơi lại không cần cán.



Khi không đủ bông chít phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chị Thư nghĩ hướng trồng cây nguyên liệu, khép kín từ việc trồng, thu hoạch đến sản xuất. Chị nói bó chổi là một nghề bình dị, nhưng khi làm chủ doanh nghiệp, chị tất bật với nhiều vị trí khác nhau. Chị biến mình thành một kỹ sư nông nghiệp khi hiểu tường tận cây chít được trồng thích hợp ở vùng nào; kỹ thuật trồng ra sao; cách khai thác, chế biến, bảo quản để có được những bông chít xanh mướt được khách hàng ưa chuộng. Chị là người giáo viên khi hăng hái phổ biến kiến thức cho bà con nông dân. Chị là người đầu tàu khi phải tính toán, thiết kế một dây chuyền hoạt động từ khâu trồng câu nguyên liệu cho đến khi cho ra đời những cây chổi cầm chắc tay, có hoa văn như ý muốn.

“Làm gì thì làm nhưng vẫn phải có học. Từ việc nhỏ nhất vẫn cần có thầy giáo dạy mới thành công”, chị giải thích cho sự ham học của mình. Ngoài những kiến thức về mở tài khoản, hãng tàu, tìm hiểu giá ship, chị liên tục tham dự các lớp nghiệp vụ liên quan, học văn hóa giao tiếp để giới thiệu sản phẩm, đàm phán với đối tác. Năm nay chị lên quyết tâm học ngoại ngữ cho tốt.

Suýt vỡ nợ, lại thu tiền tỷ

Được hỏi về tin đồn vỡ nợ, chị nói chuyện qua lâu rồi. Năm đó, công ty nhận hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ, gần đến ngày giao hàng mấy trăm thợ đồng loạt xin nghỉ về quê ăn tết bởi họ chưa quen với nếp làm ăn hiện đại. Bị lỡ đơn hàng, 500 triệu đồng của chị đổ xuống sông xuống bể. Người thân khuyên chị đóng cửa công ty, bỏ nghề làm chổi, nhưng với niềm đam mê, chị đã vực dậy công ty và đã tìm được nhiều hợp đồng xuất bán chổi sang nhiều quốc gia. Có thời điểm như năm 2006, công ty SANDA thu về hơn 6 tỷ đồng nhờ xuất khẩu. 



Đặc biệt, sau một số lần vinh dự đại diện cho doanh nghiệp Hòa Bình tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải đi Úc, New Zealand; tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Pháp, chị đã có thêm nhiều đối tác muốn nhập khẩu mặt hàng chổi chít. “Chưa đi hết các nước nhưng tính theo “đầu châu” mình cũng đi được ba châu rồi đấy”, chị Thư vui vẻ nói.

Những năm gần đây, khi tế khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu tuy có ít đi nhưng cây chổi vẫn duy trì trên thị trường 30 quốc gia. Năm ngoái, công ty chị xuất được 10 container, gồm chổi và mây tre đan. Chị nói doanh thu thì vô cùng lắm, nhưng không đặt lên hàng đầu. “Đại loại cứ xuất được hàng, bà con có công ăn việc làm, có tiền là được rồi. Còn đầu ra thì không thiếu vì thế giới rộng lớn lắm. Mình cảm nhận không có sức mà bán nhưng phải làm tốt thì sẽ không bao giờ sợ không có việc làm. Nhưng nếu làm không đạt yêu cầu thì người tiêu dùng có cần thế cần nữa họ cũng không mua của mình”, chị cho biết.

Câu chuyện về cây chít còn dài nhưng có thể nói, ước mơ bay trên cây chổi của cô phù thủy nhỏ ngày nào đã thành sự thật. Cây chổi chít đã cùng chị "bay" ra khỏi khu chợ bé nhỏ của ngôi làng nhỏ, đi khắp các châu lục, giúp chị dần hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo cho người dân.

Tân Hoa

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM