Câu chuyện 2.000 tỷ đồng ở đất vải thiều Lục Ngạn

27/03/2013 12:55 PM |

Vào “tháng củ mật” lượng tiền thanh toán tiền vải cho nông dân chuyển qua ngân hàng những ngày cao lên đến 170 tỷ đồng, ngày thấp cũng 50-70 tỷ đồng.

70% người mua là thương lái Trung Quốc

Đất vải Lục Ngạn, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn vải. Gần như nhà nào cũng trồng vải.

80% hộ dân ở đây trồng vải. Nhà ít cũng vài héc ta, nhà nhiều cũng vài chục hecta. Vụ thu hoạch vải hàng năm diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ rộ lên trong khoảng 3 tuần.

Những ngày trong vụ thu hoạch, đất vải Lục Ngạn đông đúc kinh khủng. Thị trấn Chũ nghìn nghịt người, chủ yếu là dân thu mua vải, lái buôn trả nhau từng giá một.

Vải Lục Ngạn được xuất đi mọi miền đất nước, nhưng điểm đến của lượng lớn vải xứ này lại là Trung Quốc. Thị trấn Chũ là nơi tập trung giao dịch của các thương lái vải.

Theo chia sẻ của một số cán bộ huyện cũng như người dân, 70% những người đến thu mua vải ở Lục Ngạn chủ yếu là thương lái Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc rất khôn ngoan và đoàn kết. Họ thường thống nhất với nhau ở một mức giá cả, lên cùng lên, xuống cùng xuống. Họ cũng chính là đối tượng thu mua lớn nhất và sẵn tiền chi trả nhất nên có nhiều điều kiện để ép giá nông dân.

Vốn dĩ kinh doanh là dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán, nên cũng không thể ngăn được tình trạng người Trung Quốc mua gom vải thiểu ở Lục Ngạn. Khoảng 2 năm gần đây, vải được giá, đời sống của người dân nhờ vậy cũng cải thiện theo. 

Không giống như lúa gạo có thể tạm trữ, quả vải chóng hỏng nếu không bán được nhanh. Sản phẩm vải khô thì ít được chuộng và không dễ bán như vải tươi.

Dân buôn vải thanh toán 2.000 tỷ đồng qua ngân hàng trong 1 tháng

Người buôn vải ở Lục Ngạn có nhiều phương thức để giao dịch, hoặc họ bán vải và nhận ngay tiền mặt, hoặc họ cho chở vải đi trước rồi sau đó mới nhận tiền thanh toán qua ngân hàng.

Thống kê từ huyện Lục Ngạn và Ngân hàng Nông nghiệp Lục Ngạn cho thấy, nếu chỉ tính riêng lượng tiền chuyển qua Ngân hàng Nông nghiệp Lục Ngạn để thanh toán tiền vải cho người dân trong khoảng 1 tháng lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng. Một con số có lẽ khiến không ít người ngạc nhiên.

Một cán bộ của Ngân hàng NN&PTNT Lục Ngạn chia sẻ, trong khoảng thời gian 1 tháng (thường rơi vào giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 dương lịch hàng năm), lượng tiền thanh toán tiền vải của nông dân chuyển qua ngân hàng những ngày cao lên đến 170 tỷ đồng, này thấp cũng 50-70 tỷ đồng.

Nhân viên ngân hàng phải làm việc một ngày đến 10 tiếng đồng hồ, thậm chí làm việc cả ngày thứ Bảy để chi tiền cho nông dân. Xe chở tiền của ngân hàng có những khi mất cả buổi sáng chỉ để di chuyển được vài kilomet trong thị trấn.

Kiếm tiền để mua vàng và xe máy

Dù ngân hàng cũng thu được lượng phí chuyển tiền nhất định, tuy nhiên bài toán huy động được lượng tiền trên của dân cư khiến lãnh đạo ngân hàng đau đầu không ít. 

Với con số 2.000 tỷ kia, nếu chỉ huy động được khoảng 1/10 cũng đủ để lãnh đạo ngân hàng từ trên xuống dưới cảm thấy nức lòng, nhưng thực tế, tăng trưởng huy động tiền gửi trong và sau khi người dân thu hoạch vải chỉ ở mức rất thấp.

Vậy tiền người dân bán vải thu được đi đâu?

Có lẽ cũng không khó để tìm được phần nào câu trả lời cho việc này. Nhiều người dân địa phương cho biết thói quen giữ vàng bao lâu nay đã ăn sâu bám rễ trong dân chúng. 

Những ngày thu hoạch vải, người Lục Ngạn xếp hàng đông chật ở những cửa hàng vàng. Còn các cửa hàng vàng thì cho biết, lượng vàng bán ra thời điểm trong và sau thu hoạch vải có những khi lên đến cả trăm lượng/ngày/cửa hàng.

Đại lý xe máy ở Lục Ngạn cũng ăn nên làm ra nhờ cây vải.

Một điểm đến của đồng tiền cũng có thể kể đến đó là các cửa hàng xe máy.

Đại diện một số cửa hàng xe máy lớn nhất Lục Ngạn như Trung Việt, Phương Ngân… chia sẻ trong tháng “củ mật” của người thu hoạch vải Lục Ngạn, doanh số bán xe mỗi ngày có thể lên đến cả ngàn chiếc.

Vải giúp cho đời sống của người dân nơi đây cải thiện hơn trong những năm gần đây, nếu như những năm trước, nhiều đại lý chủ yếu nhập và bán loại xe giá trị dưới 30 triệu thì nay những xe giá đến 50-60 triệu cũng được tiêu thụ rất phổ biến ở Chũ.

Còn khoảng 2 tháng nữa người dân Lục Ngạn lại vào mùa thu hoạch vải, nhiều người dân đang hy vọng năm nay vải được mùa, được giá để cuộc sống người trồng vải được cải thiện hơn.

Trần Nguyễn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM