Kiếm đến hơn 2,3 tỷ đồng/năm, vì sao nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu tại quốc gia này vẫn cảm thấy mình không hề giàu có?

19/05/2023 14:50 PM | Sống

Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, việc người lao động có mức thu nhập cao tại quốc gia này cảm thấy tài chính bấp bênh là chuyện rất bình thường.


Bài viết của tác giả Ryan Ermey, phóng viên của CNBC Make It

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, tôi có được công việc đầu tiên khi thực tập tại một tạp chí tài chính cá nhân ở Washington DC (Mỹ). Công việc này chỉ trả 12 USD/ giờ, bằng với mức lương tôi kiếm được khi phục vụ bàn. Sau đó tôi được nâng lên vị trí nhân viên chính thức và suốt những năm tháng ở tuổi 20, tôi đã tiết kiệm, chi tiêu và đầu tư với mức lương không quá 50.000 USD/năm.

Tôi đã luôn nghĩ về việc kiếm được 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng) thì có lẽ mình sẽ giàu có hoặc ít nhất là sống thoải mái như những người giàu khác. Tuy nhiên, thực tế đối với những người kiếm được sáu con số ít màu hồng hơn tôi vẫn tưởng. Theo một báo cáo gần đây từ PYMNTS và LendingClub, hơn một nửa số người Mỹ có mức lương hơn 100.000 USD/năm.

Jesse Whitsit, một nhà lập kế hoạch tài chính và quản lý danh mục đầu tư tại Morgan Stanley ở Hauppage, New York (Mỹ) cho biết mình cũng có thu nhập 6 con số nhưng “điều đó không giống như tôi tưởng tượng. Tôi nghĩ bản thân mình sẽ tiết kiệm được nhiều hơn so với thực tế hiện tại”.

Mức lương 100.000 USD có giúp bạn giàu không?

Với mức lương 6 con số, bạn đã vượt xa mức thu nhập trung bình 1 hộ gia đình tại Mỹ năm 2021 là 74.784 USD và có thể được coi là tầng lớp thượng lưu nếu bạn là một cá nhân không có người phụ thuộc, theo báo cáo của Pew Research Center. Việc tầng lớp thượng lưu tại Mỹ vẫn cảm thấy tài chính bấp bênh rất bình thường, dù họ không tiêu xài hoang phí hay quản lý tiền sai cách.

Đó là bởi chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào lối sống, gia đình và đặc biệt là địa điểm. Chi phí cần bỏ ra để sống tại các thành phố lớn như Washington DC, nơi có nhiều công việc được trả lương cao, sẽ khiến bạn cảm thấy choáng váng. Bạn không cần phải là một nhà kinh tế học để biết rằng kiếm được 100.000 USD ở thành phố New York khác với kiếm được 100.000 USD ở thành phố Memphis, bang Tennessee.

Kiếm đến hơn 2,3 tỷ đồng/năm, vì sao nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu tại quốc gia này vẫn cảm thấy mình không hề giàu có? - Ảnh 1.

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố lớn khiến nhiều người dù có thu nhập cao vẫn khó tích luỹ tiền. Ảnh: ST

Đó là chưa kể đến tình hình lạm phát. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động, hiện nay bạn phải kiếm được 129.000 USD để có sức mua tương đương với mức lương 100.000 USD ở thập kỷ trước. Gánh nặng của các khoản vay sinh viên cũng đang là sức ép lớn với người lao động.

Tránh cái bẫy "làm nhiều tiêu nhiều"

Một lý do khác khiến những người kiếm được cả trăm nghìn USD không thấy mình giàu có là do lạm phát lối sống - hiện tượng các chi phí không thiết yếu có xu hướng tăng lên cùng thu nhập của bạn. Theo Brad Klontz, nhà hoạch định tài chính cá nhân và giáo sư tâm lý tài chính tại Đại học Creighton (Mỹ), điều này rất khó tránh.

“Vì hầu hết người Mỹ tiết kiệm rất ít và chi tiêu quá mức, bạn phải đi ngược lại lối mòn này để tránh làm điều đó”, Klontz nhận định.

Theo Jesse Whisit, sau khi được tăng lương 10.000 USD, mọi người luôn nghĩ ngay đến việc mua một chiếc thuyền mới. “Tôi khuyên khách hàng khi được tăng lương hoặc được thưởng hậu hĩnh nên chờ 6 tháng sau rồi mới mua thứ gì đó đắt tiền”, Whisit nói.

Kiếm đến hơn 2,3 tỷ đồng/năm, vì sao nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu tại quốc gia này vẫn cảm thấy mình không hề giàu có? - Ảnh 2.

Lạm phát lối sống là điều khó tránh khỏi với nhiều người khi được tăng lương. Ảnh: ST

Nhiều người Mỹ vẫn rơi vào bẫy tăng lương mà không nhận ra điều đó. Họ quyết định vô thức rằng mình đủ khả năng trả tiền cho Ubers chạy khắp nơi thay vif đi xe buýt như trước. Tuy khoản chi này không phô trương như một chiếc thuyền mới nhưng nó cũng có thể khiến bạn trả giá đắt.

“Cách duy nhất để ngăn chặn là ý thức được những gì đang xảy ra. Bạn có thể bắt đầu bằng việc ‘pay yourself first’ - tiết kiệm trước tiêu sau. Hãy xác định số tiền bạn cần tiết kiệm theo tỷ lệ phần trăm thu nhập để đạt được mục tiêu của mình, sau đó chi tiêu số tiền còn lại tuỳ ý. Khi đó tôi nghĩ bạn sẽ không cần quá lo lắng về lạm phát lối sống”, giáo sư Klontz nói.

Nếu bạn kiếm được thu nhập 6 chữ số và đã tiết kiệm một tỷ lệ cao trong thu nhập của mình, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về tương lai. Ramit Sethi, một triệu phú tự thân và là ngôi sao của chương trình "Làm thế nào để trở nên giàu có" của Netflix cho biết: "Có thể ngay bây giờ bạn không cảm thấy mình giàu nhưng nếu thường xuyên đầu tư, bạn đang đi đúng hướng trên con đường để trở nên giàu có. Hãy kiên nhẫn vì việc tạo ra của cải thực sự cần thời gian".

Theo CNBC Make It

Theo Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM