Khủng hoảng "thừa thầy thiếu thợ" ở Trung Quốc: Bằng đại học bị coi như mớ giấy lộn

26/12/2020 14:35 PM | Xã hội

Năm 2019, khoảng 2/3 số người mới tham gia lực lượng lao động ở Trung Quốc là cử nhân, biến tấm bằng đại học trên thị trường thành một "mớ giấy lộn" khi các nhà tuyển dụng coi rẻ các sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Vào một ngày đẹp trời tại miền Bắc thủ đô Bắc Kinh, anh Su Jian, một sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc mang cả tập hồ sơ chen chúc trong đám đông tại hội chợ việc làm để nộp đơn. Bản thân anh Su tốt nghiệp một trường đại học hạng 2 ở Bắc Kinh và theo anh là chẳng gây ấn tượng nào với những nhà tuyển dụng.

Trường hợp của anh Su chỉ là một trong số vô vàn những sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp hàng năm nhưng khi ra trường vẫn thấy bản thân "vô dụng" khi chẳng kiếm được nổi một công việc tử tế.

Với nguồn cung lao động cao như vậy, cũng dễ hiểu khi các công ty trả lượng cho những cử nhân Trung Quốc khá bèo bọt, cho dù là ở thủ đô Bắc Kinh. Những nhà tuyển dụng tại hội chợ cho biết họ trả khoảng 4.000 Nhân dân tệ (580 USD)/tháng cho các sinh viên mới tốt nghiệp, chưa bằng 1 nửa mức lương bình quân ở Bắc Kinh và chỉ gần gấp đôi mức lương tối thiểu.

"Chúng tôi có thể làm gì đây? Có quá nhiều sinh viên tìm việc như chúng tôi", anh Su lắc đầu ngao ngán.


Khủng hoảng thừa thầy thiếu thợ ở Trung Quốc: Bằng đại học bị coi như mớ giấy lộn - Ảnh 1.

Một hội chợ việc làm tại Trung Quốc

Bằng đại học như mớ giấy lộn

Trong mùa hè năm 2019 khi đại dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng đến nền kinh tế, Trung Quốc có tới 8,3 triệu sinh viên mới tốt nghiệp, một con số kỷ lục chưa từng có, cao gấp đôi tổng dân số tại Hong Kong và lớn hơn rất nhiều mức 5,7 triệu cử nhân của 10 năm về trước. Đó là chưa kể chiến tranh thương mại khiến Mỹ thắt chặt thị thực, buộc gần 500.000 du học sinh Trung Quốc phải về nước kiếm việc.

Trớ trêu thay, đây lại không phải là thời điểm lý tưởng cho những người đi xin việc. Chiến tranh thương mại khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khá nhiều thách thức, chưa kể nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm nhất gần 30 năm qua. 

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, qua đó đẩy những cử nhân trẻ này phải về quê làm lao động. Một số thì cố ở lại thành phố làm các công biệc bán thời gian, nhưng với ảnh hưởng của Covid-19 thì việc kiếm đủ tiền sinh hoạt phí cũng đã vô cùng khó khăn.

Vào năm ngoái, khoảng 2/3 số người mới tham gia lực lượng lao động ở Trung Quốc là cử nhân, biến tấm bằng đại học trên thị trường thành một "mớ giấy lộn" khi các nhà tuyển dụng coi rẻ các sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Ngay từ đầu thập niên 1990, chính quyền Bắc Kinh đã lưu ý đến việc các cử nhân có tìm được việc làm hay không. Tuy nhiên tình hình những năm gần đây ngày càng tệ khi các công ty môi giới việc làm của Trung Quốc từ năm 2011 đã lên tiếng cảnh báo rủi ro mất ổn định xã hội do lượng lớn cử nhân tốt nghiệp nhưng không kiếm được việc làm tử tế.

Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc đã buộc phải có những biện pháp mạnh tay hơn để giúp đỡ các cử nhân. Những công ty nhỏ nếu nhận sinh viên mới tốt nghiệp có thể làm đơn miễn giảm thuế trong khi cục quản lý hộ khẩu cho biết sẽ nới lỏng các quy định với những sinh viên mới tốt nghiệp khi họ muốn chuyển địa điểm sinh sống để làm việc.

Các quy định mới được áp dụng cho mọi tỉnh thành, trừ những thành phố lớn trọng điểm như thủ đô Bắc Kinh hay Thượng Hải. Thậm chí bộ lao động Trung Quốc còn tuyên bố những cử nhân mới tốt nghiệp có thể khởi nghiệp với vốn vay từ chính phủ mà không cần, hoặc cần rất ít tài sản thế chấp.

Khủng hoảng thừa thầy thiếu thợ ở Trung Quốc: Bằng đại học bị coi như mớ giấy lộn - Ảnh 2.

Những sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hay có khả năng khởi nghiệp có thể đến các trung tâm tư vấn tại địa phương để xin trợ giúp. Tại một thành phố ở tỉnh Guangxi, nhiệm vụ tìm việc cho cử nhân mới tốt nghiệp đã trở thành mục tiêu ưu tiên của chính quyền địa phương khi ngày một nhiều bạn trẻ thất nghiệp dù có tấm bằng đại học.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ tìm được việc làm của các cử nhân mới tốt nghiệp nhưng hãng tư vấn MyCos tại Bắc Kinh cho biết tỷ lệ sinh viên mới ra trường tìm được việc làm tại Trung Quốc đã giảm từ 77% năm 2014 xuống 73,6% năm 2018.

Trong khi đó mức lương cho sinh viên mới ra trường đã giảm từ 4.800 Nhân dân tệ năm 2015 xuống chỉ còn 4.000 Nhân dân tệ năm 2017. Hiện những số liệu mới nhất chưa được công bố do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng hầu hết các chuyên gia đều khá bi quan về thị trường lao động Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại với Mỹ và đại dịch Covid-19 đang khiến thị trường lao động tại Trung Quốc ảnh hưởng khá lớn, nhất là trong ngành xuất nhập khẩu. Sự sụp đổ của những đường dây tín dụng đen, vốn thường tuyển các sinh viên mới tốt nghiệp, khiến lượng lớn nhân viên bị sa thải. Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị ảnh hưởng hình ảnh trên thế giới và phải hoãn kế hoạch mở rộng nhân sự. 

Thậm chí mảng hành chính công cũng bị cắt giảm xuống chỉ còn 14.500 người, mức thấp nhất trong 10 năm qua.


Thừa thầy thiếu thợ

Một sinh viên mới tốt nghiệp trường đại học Bắc Kinh danh giá của Trung Quốc giấu tên cho biết cô vừa mới bị sa thải bởi một hãng tài chính đầu năm nay. Trước đây thời gian thử việc chỉ vào khoảng 2-3 tháng thì nay tăng lên 6 tháng và ngày càng nhiều doanh nghiệp thể hiện yêu sách của mình khi nguồn cung nhân lực quá thừa.

Đây là trường hợp khả dĩ nhất của sinh viên tốt nghiệp trường nổi tiếng, còn những cử nhân trường kém tên tuổi có số phận bi đát hơn rất nhiều. Các nhà tuyển dụng ở hội chợ việc làm đã nêu trên đầu bài tại Bắc Kinh cho biết họ thường vứt thẳng những hồ sơ của sinh viên trường không tên tuổi vào sọt rác.

Theo giáo sư Joshua Mok của trường đại học Lingnan University tại Hong Kong, nguyên nhân chính của tình trạng này là sự xuống cấp của nền giáo dục chung những năm gần đây. Sinh viên học quá nhiều lý thuyết trên ghế nhà trường và hầu như không có kinh nghiệm làm việc khi ra ngoài đời thực.

Thêm nữa, số lượng trường đại học ở Trung Quốc mọc lên ngày càng nhiều, từ hơn 1.000 trường năm 2000 lên tới khoảng 2.700 trường hiện nay. Khát vọng vào đại học và văn hóa coi trọng bằng cấp khiến nguồn thu từ mảng giáo dục là cực lớn, khiến nhiều trường đại học mọc lên để thu tiền sinh viên nhưng lại chẳng màng đến chất lượng đầu ra.

Năm 2009, các chuyên gia xã hội học Trung Quốc còn lập ra thuật ngữ "Yizu" để ám chỉ những cử nhân mới tốt nghiệp ở các tỉnh lẻ cố chuyển lên thành phố lớn để mưu sinh. 

Khủng hoảng thừa thầy thiếu thợ ở Trung Quốc: Bằng đại học bị coi như mớ giấy lộn - Ảnh 3.

Ngoài ra, kỳ vọng hão huyền của các bậc phụ huynh và giới trẻ cũng khiến mảng giáo dục của Trung Quốc lệch lạc, thừa thầy thiếu thợ.

"Tất cả mọi người muốn tôi phải trở thành nhà quản lý ngay khi mới tốt nghiệp đại học", anh Yao Yuqun từ trường đại học Renmin University nói.

Trong khi đó, có rất nhiều ngành nghề khác nhau nhưng bị các cử nhân Trung Quốc chê bai vì thu nhập quá thấp hoặc không đủ "đẳng cấp". Văn hóa trọng mặt mũi khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp không chịu về quê tìm việc hoặc làm những công việc thông thường. Họ thường nhắm đến những tập đoàn lớn như Baidu, Alibaba, Tencent hay những mảng có danh tiếng hoặc lợi lộc hơn là về quê cũng như xin vào các công ty nhỏ.

Nguồn: Tổng hợp

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM