Khủng hoảng “thừa thầy, thiếu thợ”, Hàn Quốc chuyển sang “xuất khẩu” sinh viên thất nghiệp

20/06/2019 11:35 AM | Kinh doanh

Sinh viên Hàn Quốc khăng khăng từ chối “công việc chân tay” vì sợ mọi người đàm tiếu, khiến chính phủ Hàn phải tập trung “xuất khẩu” sinh viên thất nghiệp để tránh khủng hoảng trong nước.

Min-kyong vừa tốt nghiệp Đại học thiết kế nổi tiếng tại Hàn Quốc với số điểm Anh văn gần như tuyệt đối. Tưởng như đây là một khởi đầu "như mơ", nhưng bao hy vọng của cô nhanh chóng bị dập tắt sau khi bị công ty thứ 10 từ chối sau phỏng vấn.

Ròng rã 6 tháng trời tìm việc trong vô vọng, Min-kyong nhận được tin vui từ một nơi cách xa chỗ ở hiện tại gần 1.000 km. Hãng xe Nissan và hai công ty Nhật khác đã gửi thư mời làm việc sau khi phỏng vấn Min-kyong tại ngày hội việc làm được tổ chức bởi chính phủ Hàn Quốc.

"Không phải vì tôi không đủ tốt. Thực tế là có quá nhiều người giống tôi, dẫn đến việc đa phần ứng viên sẽ thất bại" - Min-kyong cho biết thêm, hiện cô đang nỗ lực công tác tại nhà máy Nissan Atsugi để tích lũy kinh nghiệm trước khi trở về Hàn Quốc.

Đối mặt với thị trường lao động quá khắc nghiệt tại quê nhà, cũng như Min-kyong, không ít lao động trẻ Hàn Quốc đang nhờ chính phủ hỗ trợ việc làm ở một chân trời khác. Nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á đang dần sa lầy vào cuộc khủng hoảng mang tên "sinh viên thất nghiệp".

Đến năm 2018, số lượng người từ 25 đến 34 tuổi vẫn không có công việc ổn định lên tới 338.000 người, đánh dấu 19 năm liên tục "tăng trưởng âm".

Với những chương trình như "K-move", hàng loạt "việc làm chuyên môn cao" từ hơn 70 nước khác nhau đã được giới thiệu. Chỉ tính riêng năm ngoái, gần 6.000 lao động Hàn Quốc đã được "xuất khẩu", tăng gấp 3 lần so với năm 2013.

Khủng hoảng “thừa thầy, thiếu thợ”, Hàn Quốc chuyển sang “xuất khẩu” sinh viên thất nghiệp - Ảnh 1.

Trong đó, gần 1/3 lao động đã quyết định đến Nhật Bản, quốc gia đang lâm vào khủng hoảng nhân lực trong suốt hai thập kỷ.

Khác với những chương trình giới thiệu từ các chính phủ khác, Hàn Quốc hoàn toàn không yêu cầu lao động phải quay về nước hay trở thành một viên chức để "đền đáp" lại chính phủ.

"Chảy máu chất xám không phải là vấn đề đáng ngại vào lúc này. Chính phủ Hàn Quốc chỉ lo số người thất nghiệp sẽ làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo trong nước." - Theo Kim Chul-ju, Phó chủ nhiệm Học viện Phát triển Châu Á.

Khủng hoảng “thừa thầy, thiếu thợ”, Hàn Quốc chuyển sang “xuất khẩu” sinh viên thất nghiệp - Ảnh 2.

Trong năm 2018, Hàn Quốc chỉ tạo ra thêm được 97.000 việc làm mới, con số thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 2008 - 2009.

Trong khi đó, có đến 20% lao động trẻ Hàn Quốc mất việc từ năm 2013, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình dưới 16% của các nước OECD.

Thừa thầy – thiếu thợ

Khủng hoảng “thừa thầy, thiếu thợ”, Hàn Quốc chuyển sang “xuất khẩu” sinh viên thất nghiệp - Ảnh 3.

Dù nhiều nước khác cũng gặp phải tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", nhưng Hàn Quốc còn chịu ảnh hưởng xấu từ mô hình tập đoàn gia đình – Chaebol.

Trong khi 10 Chaebol lớn nhất đang nắm trong tay gần 50% vốn hóa thị trường của Hàn Quốc, chỉ có 13% nhân sự bản địa được những tập đoàn lớn mời về làm việc.

"Những tập đoàn lớn đã quá "giỏi" trong việc duy trì hoạt động mà không cần thuê thêm người, nhất là khi chi phí lao động đang ngày một tăng." – Theo Kim So-young, giáo sư kinh tế Đại học Quốc gia Seoul.

Ngược lại với làn sóng sinh viên "xuất ngoại", hàng loạt lao động phổ thông đang đổ ngược về Hàn Quốc để bù đắp tình trạng thiếu hụt tại đây.

"Nghịch lý" này không làm nhiều người bất ngờ khi Hàn Quốc có đến 75% học sinh cấp 3 quyết định tiếp tục theo đuổi con đường học vấn để tránh trở thành "lao động tay chân".

"Hàn Quốc đang trả giá đắt cho thói quen "cắm rễ" ở các vị trí cấp cao và đa phần lao động chỉ chăm chăm vào một số ít việc làm "sang chảnh" tại văn phòng." - Theo Ban Ga-woon, nhân viên nghiên cứu của Viện Hướng nghiệp Hàn Quốc.

Dù đối diện với nguy cơ thất nghiệp, đa phần sinh viên Hàn Quốc từ chối "làm công việc tay chân", Lim Chae-wook, quản lý một nhà máy sản xuất khay cáp tại thành phố Ansan cho hay: "Người Hàn Quốc không muốn làm việc trong nhà máy vì cảm thấy "nhục nhã", điều này buộc chúng tôi phải chuyển sang sử dụng lao động ngoại quốc."

Còn tại dây chuyền sản xuất của Kia Gwangju, quản lý Kim Yong-gu cho hay: "Vì quá khan hiếm, chúng tôi còn trợ cấp thêm tiền thuê phòng, tiền ăn, điện nước … để không mất những lao động phổ thông vào tay đối thủ".

Con đường chông gai

Dù đã chấp nhận rời khỏi thị trường khắc nghiệt ở quê nhà, nhưng không phải ai cũng tìm được thành công nơi xứ người.

Không ít sinh viên Hàn Quốc lỡ tin vào những mẫu quảng cáo "nhào nhoáng" để rồi trở thành một lao động tay chân như chính những công việc mà họ ra sức chối bỏ tại quê nhà, chẳng hạn như rửa chén tại Đài Loan hay làm việc tại nhà máy xẻ thịt ở ngoại ô nước Úc.

Lee Sun-hyung, một sinh viên chuyên ngành thể thao đã sử dụng cơ hội từ chương trình K-move 2017 để trở thành giáo viên dạy bơi tại Sydney. Nhưng khi đến nơi, cô gái này chỉ nhận được 419 USD mỗi tháng, chưa bằng 1/3 những gì mà chương trình hứa hẹn.

"Tôi còn không trả nổi tiền thuê nhà." Lee cho hay, cô đành phải đi phụ lau cửa kính tại một cửa hàng thời trang vào cuối ngày để trang trải cuộc sống, nhưng Lee cũng nhanh chóng rỗng túi trở về nước 1 năm sau đó.

Khủng hoảng “thừa thầy, thiếu thợ”, Hàn Quốc chuyển sang “xuất khẩu” sinh viên thất nghiệp - Ảnh 4.

Mặc bao rủi ro, đối mặt với thị trường ảm đạm và những lời đàm tiếu trong nước, giới lao động Hàn Quốc vẫn phải "đánh liều" ở nơi xứ người.

Thấu hiểu tình trạng trong nước, chính phủ Hàn cũng đang đẩy mạnh chương trình với số tiền lên đến 65,6 triệu USD vào năm 2018.

Hơn ai hết, chính phủ Hàn Quốc mong muốn nền kinh tế trong nước sẽ dần khởi sắc và sẵn sàng đón nhận các sinh viên quay về nước khi đã có kinh nghiệm làm việc từ nước ngoài. Nhưng với Lee Jae-young, đó chỉ là một ước mơ xa xỉ:

"Một năm làm việc ở nước ngoài chỉ mang lại thêm 1 dòng miêu tả ngắn trong đơn xin việc." Lee đã trở về Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay sau 12 tháng làm đầu bếp ở khách sạn JW Marriott Texas. Lee cho biết thêm: "Tôi buộc phải về nhà và đến nay vẫn tiếp tục kiếm việc."

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM