Khủng hoảng thịt, Anh phải khẩn cấp 'nhập khẩu' 800 người mổ lợn

15/10/2021 10:24 AM | Xã hội

Sau vụ khủng hoảng xăng do thiếu tài xế chở hàng, Anh tiếp tục phải đối mặt với việc không đủ nhân lực trong ngành chăn nuôi.

Theo tờ SCMP, Anh đã phải cấp visa khẩn cho 800 người mổ lợn nhập cảnh nhằm tránh một cuộc khủng hoảng thịt lợn sau khi nhiều nông dân nước này than phiền thiếu nhân lực cho ngành thịt gia súc.

Việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit và đại dịch Covid-19 đã khiến Anh thiếu lao động trầm trọng, nhất là trong những ngành có điều kiện làm việc kém. Số liệu của Liên đoàn thịt lợn quốc gia (NPA) cho thấy khoảng 120.000 con lợn đang chờ được làm thịt trên khắp các nông trại nước Anh.

Mặc dù vậy, chính phủ Anh vẫn từ chối dỡ bỏ quy định "phải đạt chuẩn nói tiếng Anh mới cấp visa cho những người có tay nghề", qua đó giữ chân nhiều lao động nước ngoài và khiến các ngành kinh tế tại đây thiếu nhân lực.

Những quy định mới nhằm siết chặt kiểm soát visa là điều dễ hiểu khi một trong những lý do cho Brexit là việc người dân địa phương không có việc làm, qua đó đổ lỗi cho những lao động nhập cư nước ngoài. Tuy nhiên, những công việc có điều kiện làm việc kém như mổ lợn lại chẳng thu hút giới trẻ Anh, trong khi các nghề cần kỹ năng và tốn tiền thi lấy bằng như lái xe chở hàng thì quá tốn kém.

Hệ quả là Anh đang thiếu lao động tại nhiều ngành sau khi mở cửa nền kinh tế trở lại, dẫn đến những cuộc khủng hoảng xăng hay mới đây nhất là thịt lợn.

Vào tháng 9/2021, Anh đã công bố kế hoạch cấp visa cho khoảng 5.000 lái xe hàng và 5.500 nông dân chăn nuôi gia cầm nhằm giải quyết một phần cơn khát lao động. Tuy nhiên, chính quyền London cho biết họ kỳ vọng các doanh nghiệp và trang trại sẽ chịu khó đầu tư cho lao động địa phương hơn là dựa dẫm vào những nhân công giá rẻ nước ngoài.

Trong khi đó, Bộ trưởng nông nghiệp nông thôn Anh George Eustice cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều thị trường xuất khẩu của nước này như Trung Quốc bị gián đoạn, qua đó gây dư thừa lợn khiến các trang trại quá tải.

"Ngành thịt lợn cũng như nhiều ngành lương thực khác đã bị mất lao động do nhiều nhân viên quốc tịch EU rời đi trong mùa dịch", Bộ trưởng Eustice nhận định.

*Nguồn: Reuters

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM