Khủng hoảng khí hậu có thể mang lại làn gió mới cho một loại năng lượng “từng bị ruồng bỏ”, lần đầu tiên được chào đón tại Hội nghị COP26 sau nhiều năm không được công nhận

08/11/2021 09:48 AM | Xã hội

Khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ và nhu cầu chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trở nên cấp thiết, thái độ của thế giới đối với loại năng lượng “từng bị ruồng bỏ” này đang dần thay đổi.

Trong hơn hai thập kỷ, những người ủng hộ và cung cấp năng lượng hạt nhân cảm thấy bị xa lánh tại các hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 đang diễn ra ở Glasgow, năng lượng này đã được chào đón với vòng tay rộng mở, cơ quan quản lý hạt nhân hàng đầu của Liên hợp quốc nói với trang AFP News.

Bóng ma của thảm họa Chernobyl và Fukushima (tai nạn hạt nhân), cùng với vấn đề dai dẳng về chất thải hạt nhân, đã khiến thế giới xa lánh loại năng lượng này, ngay cả khi năng lượng đó hầu như không có carbon. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng sâu sắc và nhu cầu chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trở nên cấp thiết, thái độ của mọi người có thể sẽ thay đổi.

Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Năng lượng hạt nhân là một phần của giải pháp cho sự nóng lên toàn cầu, không còn loại nào khác có thể hữu dụng hơn". Loại năng lượng này đã chiếm một phần tư năng lượng "sạch" - tức là không có carbon - trên toàn thế giới, và Grossi cho biết Hội nghị COP26 năm nay là lần đầu tiên năng lượng hạt nhân "có một chỗ ngồi tại bàn".

"Cơn gió đang đổi chiều"

Các nhà khoa học cho biết để có 50/50 cơ hội giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp - ngưỡng cho các điểm tới hạn nguy hiểm có thể gây ra hiện tượng nóng lên nhanh chóng - lượng khí thải nhà kính toàn cầu phải giảm gần một nửa trong vòng một thập kỷ tới.

Nhưng trái lại, mọi thứ vẫn đang đi sai hướng, một báo cáo cho biết lượng khí thải năm 2021 đang đạt mức kỷ lục. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng khí thải có thể đạt được tầm cao mới vào năm 2023. Chính điều này đang giúp tái tập trung sự chú ý vào hạt nhân.

"Tại Hội nghị COP 2015 ở Paris, hạt nhân không được chào đón", Callum Thomas, người đứng đầu một công ty tuyển dụng cho ngành công nghiệp hạt nhân. Ông cũng chính là người mặc chiếc áo phông viết "Hãy nói về hạt nhân" tại COP26. Ông cho biết thêm: "Vẫn còn nhiều người tin rằng năng lượng hạt nhân là không cần thiết. Hiện nay nhiều quốc gia vẫn đang xem xét tính khả thi, đặc biệt là khi giá khí đốt đang tăng chóng mặt".

"Không bao giờ dừng lại"

Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo IAEA gần hai năm trước, Grossi, một nhà ngoại giao người Argentina, đã là một người ủng hộ không mệt mỏi cho ngành này. Tại lần đầu tiên tham dự COP ở Madrid năm 2019, ông đã "đi bất chấp nhận định chung rằng hạt nhân sẽ không được hoan nghênh". Ngược lại, ở Glasgow năm nay, nơi gần 200 quốc gia vẫn đang cố gắng hướng về Thỏa thuận Paris 2015, ông nói "hạt nhân không chỉ được hoan nghênh mà còn đang tạo ra rất nhiều sự quan tâm".

 Khủng hoảng khí hậu có thể mang lại làn gió mới cho một loại năng lượng “từng bị ruồng bỏ”, lần đầu tiên được chào đón tại Hội nghị COP26 sau nhiều năm không được công nhận  - Ảnh 1.

Các lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và đang được xây dựng trên toàn thế giới kể từ tháng 3/2021

Grossi lập luận rằng công nghệ này không chỉ có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, mà còn hỗ trợ nghiên cứu các công nghệ cần thiết để thích ứng với các tác động của khí hậu, từ việc tìm ra các loại cây trồng có khả năng chịu hạn đến diệt trừ muỗi. Bên cạnh đó, ông thừa nhận rằng hạt nhân mang lại những rủi ro nghiêm trọng. Sự cố vỡ ba lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản vào năm 2011 sau một trận động đất và sóng thần đã làm lung lay niềm tin sâu sắc vào hạt nhân.

Mặt khác, ngành công nghiệp này cũng chưa tìm ra cách xử lý chất thải hạt nhân có tính phóng xạ cao không thể tiêu tan trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, Grossi cho biết những vấn đề này không phải là loại bỏ, về mặt thống kê, công nghệ này có ít hậu quả tiêu cực hơn so với nhiều dạng năng lượng khác. Hạt nhân cũng có thể là trở thành một loại năng lượng tái tạo. Ông nói: "Năng lượng hạt nhân "làm việc" trong cả năm, không bao giờ dừng lại".

Mặc dù vậy, với thời gian xây dựng kéo dài, nhiều ý kiến ​​cho rằng đã quá muộn để chuẩn bị đủ năng lực hạt nhân nhằm tham gia vào cuộc chiến chống lại nóng lên toàn cầu. Nhưng Grossi cho biết ông nghĩ một phần câu trả lời nằm ở việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng hiện có.

Lò phản ứng 100 năm tuổi?

Grossi nhắc đến nhiều nhà máy điện được thiết kế để vận hành trong 40 năm hiện đã được cấp phép 60 năm theo các tiêu chuẩn an toàn quốc gia nghiêm ngặt do IAEA giám sát. Ông nói: "Điều gì có thể hiệu quả hơn một cơ sở xây dựng để cung cấp năng lượng trong gần 100 năm?".

Ông thừa nhận rằng việc nhà máy hoạt động liên tục như vậy có thể mang lại "một chút khiêu khích". "Nhưng vẫn khả thi", ông nói.

 Khủng hoảng khí hậu có thể mang lại làn gió mới cho một loại năng lượng “từng bị ruồng bỏ”, lần đầu tiên được chào đón tại Hội nghị COP26 sau nhiều năm không được công nhận  - Ảnh 2.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Mariano Grossi

Để tìm ra cách hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên thế giới, IEA đã đưa tất cả các nguồn phi carbon lên bàn để bàn luận. Ban cố vấn khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu cũng đã dành một vị trí cho hạt nhân trong các mô hình của mình, ngay cả khi họ nói rằng việc triển khai "có thể bị giới hạn bởi các ưu tiên của xã hội".

Thật vậy, thái độ đối với năng lượng hạt nhân rất khác nhau giữa các quốc gia. Trong khi New Zealand và Đức phản đối, Ấn Độ đang thảo luận với tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF của Pháp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Cùng lúc đó, cả Canada và Mỹ đều đang phát triển "lò phản ứng mô-đun nhỏ", mặc dù chỉ có Nga đưa vào vận hành lò phản ứng nổi sử dụng công nghệ này.

Grossi cho biết giá cả cũng không phải là rào cản như trước đây. Ông nói: "Các quốc gia có thể nhận thấy một sự thay đổi thú vị, năng lượng hạt nhân không còn cần tốn hàng tỷ mà chỉ đáng giá vài trăm triệu USD. Đối với các dự án năng lượng, con số này khá phải chăng".

Linh Chi

Cùng chuyên mục
XEM