Không sửa Điều 292, hàng năm Bộ TT&TT phải làm rõ về "dịch vụ khác"

27/07/2016 14:39 PM | Xã hội

CEO Công ty DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng có thể không sửa Điều 292 song cần giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT hằng năm ban hành 1 danh sách các loại dịch vụ nhà nước không khuyến khích phát triển. Khi danh sách chưa cập nhật các loại dịch vụ mới thì doanh nghiệp, cá nhân triển khai loại dịch vụ đó không bị xử phạt.

Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 làm các startup "chùn bước"

Bộ luật Hình sự (BLHS) mới được Quốc hội khóa 13 thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 11/2015, đã được công bố và thời điểm bộ luật này có hiệu lực là từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, vào ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa 13 đã ra Nghị quyết 144 về việc lùi hiệu lực của BLHS năm 2015 và 3 đạo luật liên quan. Theo đó, Quốc hội quyết định lùi hiệu lực thi hành BLHS 2015 từ 1/7/2016 cho đến khi sửa xong các lỗi trong luật và luật mới có hiệu lực.

Đáng chú ý, trong BLHS 2015, thời gian vừa qua, quy định tại Điều 292 về “tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” đã khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, viễn thông, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực này băn khoăn, lo lắng. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đã gửi trực tiếp kiến nghị đến Bộ này để đề nghị rà soát lại Điều 292 BLHS 2015, đặc biệt là quy định tại điểm e Khoản 1 của Điều 292 “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, vì cho rằng quy định này có phạm vi điều chỉnh quá rộng nên không khuyến khích, thậm chí là “rào cản” đối với sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thậm chí, thời gian vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên ICTnews, đang có một làn sóng các doanh nghiệp Việt Nam mở công ty tại Singapore nhằm hưởng các chính sách kinh doanh hiện đại và cởi mở. Đặc biệt nhu cầu này có vẻ tăng lên khi những lo lắng về Điều 292 BLHS 2015 có thể hình sự hóa các vi phạm về kinh doanh trên Internet.

Trong thông tin gửi tới các cơ quan thông tấn , báo chí ngày 18/7 vừa qua, Thứ trưởng Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã cho biết, Bộ Tư pháp cho rằng kiến nghị của đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp về đề nghị rà soát lại Điều 292, nhất là quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 292 - “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật” cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành nhất là các cơ quan thực thi pháp luật để không cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Đồng thời, người phát ngôn Bộ Tư pháp cũng cho hay, cùng với việc sẽ có công văn gửi Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT đề nghị các Bộ này nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý với Điều 292 BLHS 2015, gửi kết quả về Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015; thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT và mời đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, VCCI để trao đổi, thảo luận kỹ các nội dung nêu trên trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trao đổi với ICTnews về quy định tại Điều 292 của BLHS 2015, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DTT - doanh nghiệp đã có hơn 13 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT nhận định, trong khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, đồng thời khẳng định quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế thì quy định tại Điều 292 BLHS 2015 lại khiến cho các cá nhân, doanh nghiệp làm khởi nghiệp “chùn bước”. Nếu được thực hiện, Điều luật này sẽ khiến cho hoạt động của doanh nghiệp công nghệ, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn.

Đặc biệt, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng, cụm từ “Các loại dịch vụ khác” trong quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 292 BLHS 2015 rất “nguy hiểm” và đáng lo ngại. Bởi lẽ, theo ông Trung, nếu quy định như vậy thì cái gì cũng có thể bị gom vào “các loại dịch vụ khác”. "Nói đến những người khởi nghiệp là nói đến sáng tạo và hoạt động sáng tạo của họ là nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, những phần chưa có trong Luật. Vậy nên chắc chắn sẽ rơi vào những phần “dịch vụ khác”, khi đó người làm khởi nghiệp sẽ mang tội”, ông Trung chia sẻ.

Ông Trung nhấn mạnh: quy định tại Điều 292 BLHS 2015 được thi hành sẽ dễ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp khởi nghiệp cứ làm vì thị trường và người dùng chấp nhận, song lúc nào họ cũng nơm nớp lo sợ bị “áp” xử phạt theo quy định tại Điều 292 của BLHS 2015. “Khung hình phạt theo Luật Hình sự là cao nhất, nếu bị phạt theo bộ luật này sẽ là “vết đen” cực kỳ khủng khiếp với các cá nhân, doanh nghiệp”, ông Trung nói.

Điều 292 cần được làm rõ hơn

Đề xuất về hướng xử lý với quy định của Điều 292 BLHS 2015, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng, cơ quan soạn thảo BLHS 2015 hoàn toàn có thể làm rõ hơn quy định tại Điều 292. “Đồng ý rằng hoạt động của doanh nghiệp bị quản lý và khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật sẽ bị khép tội. Thế nhưng, cần làm rõ hơn với những hành vi như thế nào, với những lĩnh vực nào và đến mức độ ra sao thì bị quy vào phạm tội”, ông Trung nói.


Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DTT (Nguồn ảnh: baodautu.vn)

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DTT (Nguồn ảnh: baodautu.vn)

Cụ thể, người đứng đầu Công ty công nghệ DTT đề xuất: Điều 292 BLHS 2015 hoặc là phải được quy định cụ thể hơn nữa các loại dịch vụ vi phạm, thay vì quy định “dịch vụ khác” như hiện nay. Nếu không, trong Luật cần giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông-CNTT là Bộ TT&TT liệt kê ra danh sách cụ thể các loại dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà doanh nghiệp cung cấp phải có giấy phép, tuân thủ đúng giấy phép nếu không sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 292.

“Luật hoàn toàn có thể yêu cầu hàng năm Bộ TT&TT có trách nhiệm ban hành 1 danh sách các loại dịch vụ nhà nước không khuyến khích phát triển, khi cung cấp doanh nghiệp buộc phải xin cấp phép nếu không sẽ bị phạt. Danh sách này có thể được cập nhật hàng năm và các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện theo danh sách Bộ TT&TT ban hành. Đặc biệt, khi danh sách chưa cập nhật các loại dịch vụ mới thì doanh nghiệp, cá nhân triển khai loại dịch vụ đó không bị phạm lỗi”, ông Trung đề xuất.

Bên cạnh đó, một điểm quan trọng nữa, theo ông Nguyễn Thế Trung là các thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp khởi nghiệp phải được thực hiện nhanh, tốt nhất là trong vòng 1 tuần. “Thực tế, cấp phép trong lĩnh vực này là một quá trình cực kỳ nhạy cảm. Trong quá trình cấp phép, về lý thuyết bên thực hiện thủ tục cấp phép hoàn toàn có thể lấy được tất cả bí quyết công nghệ của bên xin phép. Do đó, nếu thời gian cấp giấy phép kéo dài thì các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ không đi xin giấy phép, vì khi doanh nghiệp khởi nghiệp trình bày hết thông tin về sản phẩm, dịch vụ của mình, dù vô tình hay cố tình thông tin này bị “lộ” ra với đơn vị khác biết là sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ bị đánh cắp. Chính vì vậy, quy định thời gian cấp phép cần phải ngắn”, ông Trung phân tích.

Điều 292 BLHS 2015 "Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định:

1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: a-Kinh doanh vàng trên tài khoản; b-Sàn giao dịch thương mại điện tử; c-Kinh doanh đa cấp; d-Trung gian thanh toán; đ-Trò chơi điện tử trên mạng; e-Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: a-Có tổ chức; b-Phạm tội 2 lần trở lên; c-Có tính chất chuyên nghiệp; d-Tái phạm nguy hiểm; đ-Thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc có doanh thu 5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo M.T

Cùng chuyên mục
XEM