Không riêng Việt Nam, du học sinh cũng đang trở thành lao động mất giá tại Trung Quốc

06/04/2019 08:25 AM | Xã hội

Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam vỡ mộng vì công việc không như ý sau khi về nước, các đồng nghiệp bên Trung Quốc cũng diễn ra câu chuyện tương tự.

Cô Yang Liujinya là 1 du học sinh tại trường đại học Edinburgh với tấm bằng cử nhân ngành truyền thông. Tuy nhiên khi trở về Trung Quốc xây dựng sự nghiệp, cô Yang nhanh chóng nhận ra cái mác "du học sinh" giờ đã chẳng còn là gì trong mắt các doanh nghiệp nội địa.

"Chẳng ai thèm quan tâm nếu bạn tốt nghiệp loại giỏi từ 1 trường đại học Anh, trừ khi ngôi trường đó được nhiều người Châu Á biết đến", cô Yang than thở.

Không riêng Việt Nam, du học sinh cũng đang trở thành lao động mất giá tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Cô Yang Liujinya

Giờ đây khi đã 26 tuổi, cô Yang đang là hướng dẫn viên đào tạo giáo viên cho 1 trung tâm tiếng Anh ở thủ đô Bắc Kinh-Trung Quốc với mức lương chỉ 3.000 Nhân dân tệ (447 USD)/tháng. Tất nhiên, sự kỳ vọng của cô cũng đã hạ khi cô Yang nhận ra nhiều người có bằng cấp tương đương như mình hiện đang phải dạy học ở những trường cấp 2.

Thừa nhận rằng đi du học chẳng khác gì 1 cuộc đầu tư dài hạn, cô Yang cho biết thực tế khác xa so với trí tưởng tượng của mình khi về nước.

Tương tự, cô Lucy Liu, 1 cựu du học sinh của trường đại học New York cho biết mình cũng không tìm được công việc như ý tại quê nhà sau khi đã chi tới 1 triệu Nhân dân tệ, tương đương 152.600 USD cho tiền học phí du học.

Cô Yang hay cô Liu đều là những trường hợp không hề cá biệt ở Trung Quốc ngày nay, khi những du học sinh nước ngoài không còn được tôn trọng và kiếm công việc lương cao dễ dàng nữa. Thập niên 1990, du học sinh rất có giá nhưng với sự bùng nổ của phát triển kinh tế cũng như giáo dục, tình hình hiện nay đã khác.

Sự gia tăng thu nhập khiến nhiều gia đình gửi con em họ đi du học nước ngoài nhiều hơn, khiến lượng cung ngày 1 tăng. Đó là chưa kể đến chất lượng giáo dục, ví dụ như ngành công nghệ ở Trung Quốc cũng ngày 1 tiến bộ, khiến các du học sinh ngày nay mất giá.

Năm 2017, số liệu của Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy nước này có 480.900 du học sinh trở về nước tìm việc, tăng 11,19% so với năm 2016 và là con số kỷ lục so với trước đó. Một nửa số du học sinh này có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn. Con số này cao hơn gấp 10 lần so với 47.000 du học sinh trở về nước năm 2007.

Trong khi đó, số liệu của trang tuyển dụng Liepin cho thấy 80% số du học sinh trở về nước mong muốn có mức lương trên 200.000 Nhân dân tệ (gần 30.000 USD)/năm. Tuy nhiên trên thực tế, hơn 1 mửa số du học sinh này lại chỉ kiếm chưa đến 100.000 Nhân dân tệ/năm.

Không riêng Việt Nam, du học sinh cũng đang trở thành lao động mất giá tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Du học sinh đang ngày càng mất giá trên thị trường lao động Trung Quốc

Những chú "hải quy"

Khi Trung Quốc mở cửa, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã chủ trương gửi hàng loạt các du học sinh ra nước ngoài để học hỏi kiến thức đem về làm giàu cho đất nước. Kể từ đây, phong trào du học dần hình thành và bùng nổ tại Trung Quốc. Trong suốt 40 năm kể từ khi mở cửa, khoảng 3,13 triệu du học sinh Trung Quốc đã xuất ngoại và 83,73% số này đã trở về nước lập nghiệp.

Lực lượng lao động trình độ cao này từng được đánh giá là tầng lớp tinh hoa của Trung Quốc khi nhiều nhân tài du học sinh sáng lập nên những công ty công nghệ hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên, tình hình bây giờ không còn như trước khi du học sinh ngày càng mất giá.

Cùng với sự bùng nổ của lao động chất lượng cao, việc tăng trưởng Trung Quốc chậm lại cũng khiến thị trường việc làm tại đây khó khăn hơn. Trong khi những du học sinh thuộc hàng "top" được các công ty nước ngoài mời ở lại, những du học sinh nhóm dưới bị đẩy vào thế lưỡng nan khi gặp khó cả ở 2 thị trường lao động.

Không riêng Việt Nam, du học sinh cũng đang trở thành lao động mất giá tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Mức lương khởi điểm cho các du học sinh Trung Quốc (Nhân dân tệ)

Tại nước ngoài, họ bị đối xử bất công hơn với nhiều rào cản bảo hộ lao động địa phương, chưa kể đến những chi phí đắt đỏ nơi đất khách quê người. Về nước, họ bị cạnh tranh gay gắt bởi lực lượng lao động giàu kinh nghiệm, có mối quan hệ xã hội cũng như chẳng kém nhiều về trình độ.

Thậm chí, các du học sinh Trung Quốc trước đây được mệnh danh là "Haigui" (Hải quy-Rùa biển) khi đi học xa để trở về nhưng giờ đây khi đầu tư cả đống tiền mà vẫn phải chờ việc, họ bị chế giễu là "Hai Dai", từ đồng âm với "Rong biển" trong tiếng Trung.

Các cuộc khảo sát đều cho thấy chỉ có 1/3 số du học sinh được nhận vào làm trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi về nước và hơn 68% có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Khoảng 30,3% "Hải quy" kỳ vọng họ sẽ thu hồi lại được số tiền bỏ ra cho du học trong 3-5 năm và chỉ 5,6% tự tin rằng sẽ hoàn vốn trong chưa đến 1 năm làm việc.

Số liệu của Trung tâm toàn cầu Trung Quôc (CCG) và hãng tuyển dụng Zhiliao Zhaopin cho thấy khoảng 44,8% số du học sinh trở về chỉ thu nhập chưa đến 6.000 Nhân dân tệ/tháng cho mức lương khởi điểm và chỉ 5,8% số du học sinh có thu nhập trên 20.000 Nhân dân tệ/tháng.

Nếu so sánh, mức lương này chỉ cao hơn học sinh tốt nghiệp trong nước 1 chút. Những sinh viên học trong nước có mức lương khởi điểm từ 3.678-4.777 Nhân dân tệ/tháng. Dẫu vậy, học phí của họ cũng rẻ hơn rất nhiều, chỉ vào khoảng 3.000-10.000 Nhân dân tệ/năm. Đó là chưa kể đến những lợi thế về chi phí ăn ở, đi lại, mở rộng quan hệ xã hội. Con số này hiệu quả hơn rất nhiều so với hàng chục nghìn USD bỏ ra để đi du học.

AB

Cùng chuyên mục
XEM