Không phải Tư Mã Ý, ai mới là người đứng đầu trong số 3 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa?

31/03/2020 20:43 PM | Sống

Bên cạnh Tư Mã Ý, lịch sử phong kiến Trung Hoa còn có 2 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn đều sở hữu những thành tựu không hề thua kém so với Tư Mã Trọng Đạt năm xưa.

Bàn về một chữ "nhẫn", có người đã từng đưa ra nhận định: Phải chịu đựng được những thứ mà người thường không thể chịu đựng thì mới có thể làm nên đại sự.

Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, có những nhân vật đã khắc ghi tên mình vào dòng chảy của thời gian nhờ những thành công đáng nể. Điều đáng nói hơn cả là chìa khóa làm nên đại sự của họ đều gói gọn trong một yếu tố: Cả đời lấy chữ nhẫn làm đầu.

Và ba nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa dưới đây chính là minh chứng cho điều này.

Tư Mã Ý

Không phải Tư Mã Ý, ai mới là người đứng đầu trong số 3 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Tư Mã Ý (179 – 251) được biết tới là một chính trị gia nổi danh thời Tam Quốc và từng là cánh tay đặc lực trong triều đình nhà Ngụy của gia tộc họ Tào thời bấy giờ.

Nhắc tới Tư Mã Trọng Đạt, có ý kiến cho rằng ông chính là nhân vật thành công nhất Tam Quốc, thậm chí có thể coi là kẻ chiến thắng sau cùng của thời đại này.

Bàn về cái tài của Tư Mã Ý, Qulishi nhận định ông sở dĩ có thể thành công trong một thời đại kiêu hùng đông đảo, thực chất cũng nhờ vào một chữ "nhẫn".

Năm xưa, Tư Mã Ý từng phò tá tới 4 đời quân chủ nhà Tào Ngụy, phải tới khi tuổi đã ngoài 70 mới được chấp chưởng quyền hành. Điều này đủ để thấy tính nhẫn nại của nhân vật này đã đạt tới trình độ thượng thừa.

Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, Tư Mã Ý bắt đầu phụng sự cho họ Tào dưới thời Tào Tháo. Vị quân chủ đa nghi này ngoài mặt thì tín nhiệm, nhưng bên trong vẫn coi ông là một tai họa ngầm.

Nếu đổi lại là một người khác, có lẽ họ đã sớm dứt áo ra đi để đầu quân cho thế lực khác. Thế nhưng Tư Mã Ý chấp nhận ngậm đắng nuốt cay, sống cẩn thận giữ mình để tiếp tục nương nhờ vào Tào Ngụy.

Không phải Tư Mã Ý, ai mới là người đứng đầu trong số 3 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Sau này ở vào thời điểm đối đầu với kỳ phùng địch thủ Gia Cát Lượng, bất luận đối phương có nhục mạ, khiêu khích ra sao, Tư Mã Ý cũng không bị trúng kế, càng không kích động hay hành sự hấp tấp.

Cũng nhờ sự nhẫn nại của mình mà cho tới khi cả Tào Tháo và Gia Cát Lượng đều đã buông tay trần thế, ông vẫn là người trụ vững trên vũ đài chính trị của thời đại phong ba ấy.

Vào thời điểm Tào Sảng chuyên quyền, Tư Mã Ý từng chịu không ít chèn ép. Ông ẩn nhẫn tới mức sẵn sàng cáo quan về quê, dứt khoát từ chức chứ không lựa chọn ăn miếng trả miếng ngay lúc bấy giờ.

Chính trình độ ẩn nhẫn tới mức khó có thể tưởng tượng này đã giúp Tư Mã Trọng Đạt làm nên cuộc chính biến ngoạn mục ở lăng Cao Bình, sau cùng tru diệt toàn bộ thế lực của Tào Sảng, vừa rửa mối hận năm xưa lại vừa có được toàn bộ quyền hành.

Nhờ vậy mà ông đã trở thành người mở đường cho gia tộc Tư Mã thâu tóm quyền lực của triều đình Tào Ngụy, từ đó đặt nền móng cho nhà Tấn – vương triều thay thế nhà Ngụy sau này.

Do đó, có thể nói hết thảy những thành công nhờ nhẫn nhục chịu đựng tới hơn 40 năm mà Tư Mã Ý đạt được là điều khó ai có thể phủ nhận hay coi thường.

Tư Mã Thiên

Không phải Tư Mã Ý, ai mới là người đứng đầu trong số 3 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa? - Ảnh 3.

Tranh minh họa.

Bên cạnh Tư Mã Ý, lịch sử Trung Hoa còn ghi nhận một cao thủ ẩn nhẫn với thành tựu không hề thua kém khác. Đó là Tư Mã Thiên – tác giả của bộ "Sử ký" trứ danh.

Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN), tự Tử Trường, là một trong "Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc", người đời thường gọi ông là Thái Sử Công.

Tác phẩm "Sử ký" của ông cho tới ngày nay vẫn được xem là một trong những tài liệu lịch sử trọng yếu của Trung Hoa và có cống hiến to lớn trên phương diện nghiên cứu lịch sử đối với giới học thuật của đất nước này.

Thế nhưng ít ai biết rằng, để có thể hoàn thành kiệt tác để đời ấy, Tư Mã Thiên đã phải ngậm đắng nuốt cay để chấp nhận hình phạt "cung hình" và bị biến thành thái giám.

Năm xưa sau khi bị vướng vào Vụ án Lý Lăng, Tư Mã Thiên đã bị thiến và bị cầm tù. Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, đau đớn mà ông phải chịu đựng không chỉ đơn giản là nỗi đau về thể xác.

Bởi lẽ ở vào thời đại nam tôn nữ ti như bấy giờ, việc một người đàn ông bị đánh mất thân phận, địa vị của mình là điều mà không phải ai có thể chịu đựng được. Và cuộc sống của họ sau đó càng là những ngày tháng mà người thường khó có thể tưởng tượng nổi.

Không phải Tư Mã Ý, ai mới là người đứng đầu trong số 3 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Sau  khi được phóng thích, Tư Mã Thiên được làm chức Trung thư lệnh – một chức quan chỉ dành cho hoạn quan.

Nhờ vào chức quan này, ông được kề cận ở gần vua, được quyền ra vào cung cấm và xem các tài liệu mật.

Nhẫn nhục chịu đựng hết thảy những đau đớn và nhục nhã, Tư Mã Thiên đã dồn toàn bộ tâm sức của mình để hoàn thành "Sử ký".

Cũng nhờ vào tác phẩm trứ danh ấy, tên tuổi của ông đã được lưu danh vào sử sách với tư cách là một nhà sử học tài ba và đồng thời cũng là một bậc thầy trên phương diện ẩn nhẫn.

Việt vương Câu Tiễn

Không phải Tư Mã Ý, ai mới là người đứng đầu trong số 3 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa? - Ảnh 5.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Nếu như nhắc tới nhân vật đứng trên đỉnh cao của năng lực ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa, vị trí này chắc chắn thuộc về Việt vương Câu Tiễn.

Việt vương Câu Tiễn (trị vì 496 TCN – 465 TCN), là vua nước Việt (vùng đất ngày nay là Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô) thuộc cuối thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.

Năm xưa sau khi bị Ngô vương đánh bại, ông đã phải nằm gai nếm mật tới 3 năm trên đất Ngô, nhận hết mọi loại thống khổ và nhục nhã.

Đỉnh điểm trong số đó phải nói tới việc Câu Tiễn từng có lần phải nếm phân cho kẻ thù là Ngô vương Phù Sai để… chẩn bệnh.

Không phải Tư Mã Ý, ai mới là người đứng đầu trong số 3 nhân vật được mệnh danh là cao thủ ẩn nhẫn trong lịch sử Trung Hoa? - Ảnh 6.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Sau 3 năm ở đất Ngô, ông đã có được niềm tin của Phù Sai và được cho trở về nước Việt. 

Tại đây, Câu Tiễn tiếp tục ẩn nhẫn, bề ngoài giả vờ thần phục nước Ngô, bên trong lại tìm mọi cách để phá hoại nội bộ của kẻ địch, củng cố nội bộ của phe mình.

Để Phù Sai không còn đề phòng, ngay cả khi đã trở về nước Việt, Câu Tiễn vẫn tự đày đọa bản thân bằng những việc như kê gối gỗ khi ngủ, ăn thức ăn của những người nghèo khó…

Trải qua 10 năm phục hưng và cải cách trên nhiều phương diện, ông đã đem quân đánh úp nước Ngô khiến Phù Sai đại bại phải xin hàng.

Trong vòng 10 năm tiếp sau đó, Câu Tiễn tiếp tục nhiều lần đem quân đi đánh Ngô. Tới năm 473 TCN thì Ngô quốc đại bại, Phù Sai tự sát, công cuộc báo thù của Việt vương Câu Tiễn cuối cùng cũng thành công.

Cũng bởi năng lực ẩn nhẫn đỉnh cao ấy mà cho tới ngày hôm nay, mỗi khi bàn về một chữ "nhẫn", người Trung Quốc vẫn thường lấy những câu chuyện về Việt vương Câu Tiễn ra làm ví dụ điển hình.

Từ những minh chứng trên đây có thể thấy, dù ở thời đại nào thì ẩn nhẫn cũng là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên đại nghiệp.

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).


Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM