Không phải Trung Quốc, chính Amazon, Apple, Google hay những ông lớn khác mới là thủ phạm 'giết' nền kinh tế Mỹ

28/02/2019 09:00 AM | Xã hội

Tại Mỹ, ngành bia bị chi phối bởi 2 tập đoàn chiếm đến 90% thị phần, 4 hãng hàng không kiểm soát thị trường nội địa, 4 công ty chi phối thị trường thịt bò hay 5 ngân hàng nắm giữ 50% tổng tài sản toàn ngành.

Trong khi chiến tranh thương mại và Trung Quốc đang là điểm nóng mà giới truyền thông quốc tế quan tâm thì nhiều chuyên gia lại chỉ ra những yếu điểm ngay trong nội tại nền kinh tế Mỹ mới là nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước này.

Cuốn sách "Bí ẩn tư bản: Sự độc quyền và cái chết của sự cạnh tranh", tác giả Denise Hearn nhận định một làn sóng mua lại, sáp nhập trong các ngành kinh tế Mỹ như hàng không, bán lẻ, ngân hàng đang khiến nạn độc quyền ngày một tăng cao. Sự tập trung sức mạnh thái quá trong nền kinh tế đã khiến một số tập đoàn "ông lớn" chi phối giá cả thị trường cũng như bắt chẹt người lao động.

Theo Hearn, thay vì tập trung vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chính quyền Washington nên lo lắng việc suy giảm cạnh tranh trong nền kinh tế Mỹ.

"Chúng ta tin rằng Trung Quốc gia nhập WTO là khởi điểm của mọi rắc tối nhưng chúng ta lại không tin rằng nền kinh tế đang bị chi phối bởi những kẻ độc quyền", anh Hearn nói.

Không phải Trung Quốc, chính Amazon, Apple, Google hay những ông lớn khác mới là thủ phạm giết nền kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Lợi nhuận của các tập đoàn vs thu nhập của lao động Mỹ theo % GDP. Một bên tăng 1 bên giảm.

Độc dược với nền kinh tế Mỹ

Việc nền kinh tế có quá nhiều tập đoàn độc quyền được coi là một trong những nguyên nhân làm chậm tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến tiền lương, thị trường lao động cũng như tạo nên các rắc rối cho an sinh xã hội khác. Tệ hơn, sự lụi tàn của cạnh tranh trong nền kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu cả đến thị trường tiêu dùng.

Trong cuốn sách, tác giả Hearn đã chỉ ra một số ngành của Mỹ hiện bị thống trị bởi 1 hay vài ông lớn. Ví dụ ngành bia bị chi phối bởi 2 tập đoàn chiếm đến 90% thị phần, 4 hãng hàng không kiểm soát thị trường nội địa, 4 công ty chi phối thị trường thịt bò hay 5 ngân hàng nắm giữ 50% tổng tài sản toàn ngành.

Tại mảng công nghệ, thương hiệu Google chiếm tới 90% thị phần ứng dụng tìm kiếm trong khi Facebook sở hữu 80% thị phần mạng xã hội. Amazon thì chiếm lĩnh mảng bán lẻ trực tuyến còn iOS của Apple và Android của Google thống trị phần mềm điều hành smartphone.

Tại mảng bán lẻ truyền thống, Walmart là vua và còn rất nhiều những ví dụ khác về độc quyền cũng như thiếu cạnh tranh trong nền kinh tế Mỹ.

"Tại các thị trấn, mọi người thường mua sắm ở các cửa hàng địa phương như công nghệ, thực phẩm, ngân hàng… thì nay họ buộc phải chuyển qua mua của Walmart do giá thành cạnh tranh hơn. Bởi vậy Walmart trở thành kẻ chi phối giá cả thị trường. Họ có thể hạ giá để thu hút người tiêu dùng nhưng đổi lại sẽ ép giá nhà cung cấp và trả họ ngày càng ít đi nhờ ưu thế về khả năng phủ sóng", anh Hearn nhận định.

Không phải Trung Quốc, chính Amazon, Apple, Google hay những ông lớn khác mới là thủ phạm giết nền kinh tế Mỹ - Ảnh 2.

Những ông lớn trong mảng công nghệ

Bên cạnh đó, Walmart cũng là nhà tuyển dụng lớn khi cần thuê lượng lớn lao động cho các hoạt động kinh doanh của mình. Nói cách khác, công ty này kiểm soát được thị trường việc làm ở nhiều nơi bằng cách định mức lương cũng như số lượng công việc.

Một bằng chứng rõ ràng nhất chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đang mất đi sự cạnh tranh là quy luật sự tác động liên kết của các yếu tố, nghĩa là một yếu tố thay đổi sẽ khiến tất cả các yếu tố khác trong nền kinh tế khác thay đổi theo.

Tuy nhiên, năng suất của Mỹ đã tăng 240,4% kể từ năm 1950 nhưng mức lương lại chỉ tăng 108,3% trong cùng kỳ. Nói đơn giản là những lợi ích của việc gia tăng năng suất đã không được tái phân phối hiệu quả cho người lao động cũng như toàn nền kinh tế. Thay vào đó, những lợi ích này lại được chuyển đến trong tay những người giàu có, các cổ đông của những tập đoàn độc quyền thống trị nền kinh tế.

"Sự không hiệu quả này đồng nghĩa với việc tài sản bị chuyển khỏi các vùng nông thôn sang những thành thị giàu có ven biển của nước Mỹ và làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng trong xã hội", anh Hearn cho biết.

Chính sự nới rộng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội dù nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đã khiến cử tri Mỹ bất bình. Tại nhiều khu vực ở Mỹ có sự thống trị của các tập đoàn kinh tế lớn, tỷ lệ nghiện ngập và tự sát khá cao. Các cử tri nơi đây cũng có xu hướng bỏ phiếu cho những chính trị gia dân túy, những người cam kết sẽ thay đổi tình hình hiện nay.

Trọng tâm tranh cử tổng thống Mỹ 2020

Hiện chênh lệch thu nhập đang là một trong những vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách Mỹ (IPS) vào tháng 10/2018 cho thấy 3 gia tộc giàu có nhất tại Mỹ có tổng tài sản tăng trưởng 6.000% kể từ năm 1982 nhưng tài sản của các hộ gia đình trung lưu tại Mỹ lại giảm 3% cùng kỳ.

Không phải Trung Quốc, chính Amazon, Apple, Google hay những ông lớn khác mới là thủ phạm giết nền kinh tế Mỹ - Ảnh 3.

Năng suất tăng nhưng lương không tăng theo kịp (1948-2015)

"Một gia đình bình thường tại Mỹ chỉ có tài sản bình quân khoảng 80.000 USD nhưng người giàu nhất nước Mỹ, và cả thế giới, là nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon có tài sản cao gần gấp 2 triệu lần con số đó", bài đăng trên tờ Billionaire Bonanza viết.

Đồng quan điểm, báo cáo của Viện chính sách kinh tế Mỹ (EPI) cho thấy sự bất bình đẳng ở Mỹ được thể hiện không chỉ ở trong thu nhập mà còn đối với tiền lương theo giới tính, sắc tộc, công dân hay người nhập cư.

Như một hệ quả tất yếu, bất bình đẳng trở thành chủ đề tranh luận chính cho cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2020. Hàng loạt các chính trị gia, ứng cử viên đã bắt đầu tranh luận về vấn đề này nhằm thu hút cử tri Mỹ.

Tất nhiên, sự bất bình đẳng này hiện diện ở khắp mọi nơi chứ chẳng riêng gì Mỹ. Ví dụ tại Hong Kong, trụ sở của 3/14 tập đoàn lớn nhất thế giới, khoảng 21 tài phiệt nơi đây sở hữu số tài sản lớn hơn cả ngân sách chính quyền địa phương. Dù thị trường này được đánh giá là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới nhưng sự độc quyền cũng như ảnh hưởng từ chính trị vẫn len lỏi trong nhiều mảng kinh tế.

Dĩ nhiên, sự bất bình đẳng tại Hong Kong hiện đang ở mức cao nhất trong 45 năm qua, thể hiện rõ qua chất lượng sống của những người giàu đối lập với tầng lớp dân nghèo tại đây. Mặc dù kinh tế Hong Kong tăng trưởng nhưng rất nhiều người dân tại đây vẫn phải vật lộn trong những khu ổ chuột tồi tàn.

AB

Cùng chuyên mục
XEM