Không phải Silicon Valley, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới là nơi tạo tiền đề cho mạng Internet, Windows hay Google Maps ngày nay

04/04/2016 20:43 PM | Công nghệ

Trước sự kiện Liên bang Xô Viết phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo năm 1958, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã có những quyết định mạnh mẽ để duy trì nền công nghệ ưu việt của quân đội mình. Chính những quyết định này đã dẫn tới sự ra đời của hàng loạt phát minh công nghệ làm thay đổi thế giới.

Việc làm đầu tiên của cơ quan này chính là thành lập một tổ chức chuyên nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ cho quân đội, đó là DARPA (Cục các Dự án nghiên cứu phòng thủ tiên tiến – theo Wikipedia).

“DARPA là một trong những tổ chức chức nghiên cứu và phát triển công nghệ quan trọng bậc nhất hành tinh”

Trong suốt 50 năm qua, DARPA đã tạo ra ảnh hưởng vô cùng lớn đối với những công nghệ mà chúng ta đang sử dụng. Trong đó có những cái tên quen thuộc như Internet, Google Maps hay GPS.

1. Mạng Internet

Dù Internet ra đời là nhờ đóng góp của rất nhiều cá nhân, song nếu không có DARPA thì nó sẽ không bao giờ tồn tại.

Vào tháng 8 năm 1962, J.C.R Licklider - nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu tới nền công nghệ điện toán hiện đại, đã đăng báo cáo về một mạng lưới sẽ kết nối toàn cầu. Mong muốn của ông là xây dựng được một mạng lưới kết nối các máy tính của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại các địa điểm khác nhau. Tuy nhiên ông lại rời DARPA trước khi nỗ lực của mình có kết quả.

Trải qua nhiều biến cố và cùng với sự góp sức của nhiều người, lúc 10 giờ 30 phút ngày 29 tháng 10 năm 1969, mạng lưới ARPANET – kết nối host-to-host đầu tiên đã được đưa vào sử dụng, tạo nên mạng lưới sử dụng công nghệ chuyển mạch gói đầu tiên trên thế giới.

Cho đến tháng 12, toàn bộ 4 nút của mạng lưới đã được kết nối và email đầu tiên được gửi đi vào năm 1972. Năm 1973, người ta bắt đầu gọi mạng lưới này là Internet.

2. Windows, thuật ngữ World Wide Web và Videoconferencing (Họp trực tuyến)

Năm 1962, DARPA đã bị thu hút bởi các nghiên cứu của nhà phát minh Douglas Engelbart và quyết định đầu tư cho ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tăng cường (ARC). Ở đây ông đã có nhiều phát minh bao gồm chuột máy tính, hypertext (siêu văn bản) và đặc biệt là NLS (oN-Line System).

Douglas Engelbart trong một cuộc hội thảo
Douglas Engelbart trong một cuộc hội thảo

Nếu không có NLS và chuột máy tính, sẽ không bao giờ có GUI hay Mircosoft Windows. Cũng như nếu không có hypertext, sẽ không có sự ra đời của World Wide Web.

Khi Engelbart ra mắt NLS năm 1969, ông cũng đã thực hiện cuộc họp trực tuyến đầu tiên trên thế giới.

3. Google Maps

Vào mùa hè năm 1979, một nhóm sinh viên MIT được tài trợ bởi DARPA đã giúp cơ quan này dẫn trước Google gần 30 năm trong việc tạo ra công nghệ của Street View với những chiếc camera được gắn trên nóc ô tô. Phát minh của nhóm là một bản đồ tương tác ghi trên đĩa mang tên Aspen Movie Map.

Bản đồ này không chỉ cho phép người dùng “dạo quanh” thành phố Colorado và thậm chí có thể gần như tiến vào những toà nhà mà họ lựa chọn. Ngoài ra nó cũng được tích hợp tính năng “time travel” (tạm dịch: du hành thời gian) để xem những toà nhà lịch sử trong quá khứ.

Aspen Movie Maps (trái) và Google Street View (phải)
Aspen Movie Maps (trái) và Google Street View (phải)

Lúc đó chương trình cũng có những ô tô gắn camera như của Google bây giờ với những chiếc camera tự động chụp ảnh mỗi 3m quãng đường ô tô đi qua. Hình ảnh được chụp cùng với các dữ liệu khác sẽ được chuyển thành dạng 3D để thể hiện hình ảnh của khu vực.

4. Siri

Hệ thống nhận diện giọng nói Siri được tích hợp trong những mẫu iPhone mới nhất chính là một nghiên cứu được ra đời tại DARPA.

Siri được xây dựng vào năm 2007 bởi CALO – một dự án nghiên cứu trí tuệ nhân tạo do DARPA tài trợ với mục đích phát triển các công cụ phục vụ quân đội trên chiến trường.

Ban đầu hệ thống này chỉ xuất hiện trên App Store với vai trò một ứng dụng được phát triển bởi Siri Inc. Thế nhưng vào năm 2010, hai năm sau khi dự án CALO kết thúc, Apple đã ra tay mua lại Siri Inc. và Siri bắt đầu trở thành một phần trong tổng thể chương trình của iOS từ năm 2011.

5. Unix và Cloud (lưu trữ đám mây)

Unix là một hệ điều hành máy tính được viết vào năm 1960 và 1970 bởi phòng thí nghiệm Bell, thuộc công ty AT&T.

Tiền thân của Unix là hệ điều hành Multics. Đây là dự án được DARPA rót một nguồn kinh phí lớn với mục đích phát triển các “tiện ích thông tin” có thể cung cấp dịch vụ máy tính 24/7 và đặc biệt là hướng tới tính siêu bảo mật của hệ thống này.

Trong dự án Multics, người ta cũng tạo ra một bộ nhớ khổng lồ cho phép chia sẻ dữ liệu giữa phòng thí nghiệm Bell, GE và MIT. Sự chia sẻ thông tin từ một siêu máy chủ từ xa qua các thiết bị đầu cuối chính là hình thức đơn giản của lưu trữ đám mây hiện giờ.

6. GPS

Dự án xây dựng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) bắt đầu được thực hiện từ năm 1973. Ban đầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tạo ra hệ thống này với mục đích quân sự nhưng cơ sở của dự án này đã có ngay từ những ngày đầu của DARPA.

Sau khi vệ tinh Sputnik được phóng vào quỹ đạo vào năm 1957, hai nhà vật lý học tại phòng thí nghiệm Ứng dụng vật lý Johns Hopkins đã phát hiện ra rằng sóng vô tuyến và hiệu ứng Dopple có thể định vị chính xác vị trí của vệ tinh này.

Nhìn thấy tiềm năng của phát hiện này, DARPA đã cùng phòng thí nghiệm Johns Hopkins phát triển hệ thống vệ tinh TRANSIT (sau là NAVSAT) và sử dụng nó để giúp Hải quân Hoa Kỳ trong việc xác định vị trí chính xác nơi tàu ngầm phóng ra tên lửa Polaris.

Thành NT

Cùng chuyên mục
XEM