Không phải là thiên đường cờ bạc, nhưng dân Úc còn mê "đỏ đen" hơn cả dân Mỹ

11/04/2017 16:05 PM | Sống

Nếu như người Trung Quốc nổi tiếng Châu Á với máu đỏ đen qua thiên đường cờ bạc Macao thì người Mỹ lại không phải nước ham "đỏ đen" nhất dù họ có Las Vegas.

Trên thực tế, người dân Australia mới là những người máu đỏ đen nhất. Số liệu của H2 Gambling Capital cho thấy bình quân mỗi người lớn Australia mất khoảng 990 USD vào năm 2016 cho cờ bạc, cao hơn 49% so với nước xếp thứ 2 là Singapore (Trung Quốc không có số liệu).

Như vậy, tính riêng trong năm ngoái, Australia đã mất hơn 18 tỷ USD cho cờ bạc. Mặc dù người Mỹ mất gần 117 tỷ USD cho ngành đỏ đen nhưng bình quân mỗi người dân nước này chỉ mất chưa đến 500 USD.


Số tiền bình quân mỗi người dân mất cho cờ bạc (USD) và tổng số tiền cả nước mất cho ngành đỏ đen (tỷ USD)

Số tiền bình quân mỗi người dân mất cho cờ bạc (USD) và tổng số tiền cả nước mất cho ngành đỏ đen (tỷ USD)

Theo các chuyên gia, người Australia mất phần lớn tiền qua những máy chơi bạc tự động bằng xu khi bình quân mỗi người dân tại đây mất gần 500 USD cho loại hình này. Rất nhiều khu thương mại hay những khu phố của nước này thu hút người chơi bạc đến là chính thay vì mua sắm hay sử dụng dịch vụ. Tại vùng Canterbury-Bankstown phía tây thủ đô Sydney, hàng năm người chơi bạc tại đây mất tới 255 triệu USD tại các câu lạc bộ có máy chơi bạc tự động bằng xu.

Kể từ sau khi thống nhất đất nước, Australia được phủ rộng bởi 197.000 chiếc máy chơi bạc tự động, tương đương mỗi máy phục vụ cho khoảng 114 người dân, một con số cực cao.

Đây là một điều khá lạ tại Australia khi người Mỹ thích đến các casino để chơi bạc trong khi người dân xứ chuột túi lại thích ngồi thoải mái tại các hộp đêm để thử vận may bằng các máy đánh bạc bằng xu tự động.

Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến người dân nước này có thể mất tới gần 900 USD mỗi giờ chơi. Việc tạo cảm giác gần như trúng giải cũng như khoản tiền thưởng hấp dẫn khiến người chơi bị thu hút hơn so với việc đánh bài truyền thống.

Theo chuyên gia Charles Livingstone tại trường đại học Monash ở Melbourne, những chiếc máy đánh bạc tự động này khiến cơ thể người chơi tiết ra nhiều Dopamine, một chất nội tiết khiến thần kinh cảm thấy thoải mái không khác gì khi hít Cocain và cuốn mọi người vào cuộc đỏ đen.

Số liệu năm 2010 của chính phủ nước này cho thấy hàng năm Australia mất tới hơn 3,5 tỷ USD cho các chương trình xã hội nhằm hỗ trợ những người nghiện cờ bạc tại đây. Dẫu vậy, chính phủ Australia lại không thể thay đổi được nhiều khi hàng năm ngành cờ bạc đóng góp gần 4,3 tỷ USD tiền thuế cũng như tạo nên rất nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Thêm vào đó, mảng vận động hành lang của các ông lớn ngành cờ bạc tại xứ sở chuột túi khá mạnh, khiến công cuộc hạn chế cờ bạc tại Australia gặp rất nhiều gian nan.

BT

Cùng chuyên mục
XEM