Không phải gọi vốn, ám ảnh lớn nhất với những nhà sáng lập Startup đó là ... không lấy được vợ

03/08/2016 13:41 PM | Kinh doanh

Anh Rahul Kumar, một doanh nhân điều hành một startup tại Bengaluru-Ấn Độ hiện được đầu tư bởi một quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ, cho biết khi anh quyết định từ bỏ công việc của mình tại một công ty đa quốc gia cách đây 2 năm, vị hôn thê của anh đã quyết định từ hôn.

“Cô ấy nói rằng quyết định của tôi quá vô lý khi từ bỏ một công việc có tiền đồ để làm một thứ gì khác quá rủi ro”, anh Kumar nói.

Năm 2015, anh Kumar đã bắt đầu hẹn hò với một cô bạn gái mới có quan điểm thoáng hơn về ngành startup cũng như ủng hộ giấc mơ của doanh nhân này. Tuy nhiên, việc cưới xin của anh vẫn còn nhiều khó khăn khi phụ huynh nhà gái không hiểu nổi công việc của anh.

“Vợ chưa cưới của tôi đã phải mất nhiều tháng để thuyết phục gia đình trước khi họ đồng ý cho chúng tôi kết hôn”, anh Kumar than thở.

Vấn đề của anh Kumar đang là nỗi buồn chung trong cộng đồng Startup Ấn Độ bởi văn hóa truyền thống tại đây thích những ngành nghề có mức ổn định tài chính cao với nhiều mối quan hệ.

Mặc dù nền kinh tế Ấn Độ đã mở cửa hơn và mảng công nghiệp kỹ thuật cao của Ấn Độ có tiếng trên toàn thế giới nhưng quan điểm về các startup vẫn còn bị chê bai trong cộng đồng xã hội, nhất là trong mảng hôn nhân lứa đôi.

Cô Niti Shree, một doanh nhân 27 tuổi làm chủ một startup tại Bengaluru cho biết mẹ cô không bao giờ đề cập đến công việc hiện tại của cô trong những cuộc trò chuyện với người khác, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề hôn nhân, xem mắt.

“Mẹ tôi luôn nói rằng tôi làm việc cho Amazon hay Cognizant, những công ty mà tôi đã từng làm cách đây 5-6 năm trước. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi thậm chí khó có thể giải thích chính xác nghề tôi đang làm là cái gì”, cô Shree trần tình.

Hầu hết các bậc phụ huynh trung lưu Ấn Độ đều có sự theo đuổi mù quáng về vấn đề ổn định tài chính đối với con dâu, con rẻ họ. Những ngành dịch vụ hành chính hay cảnh sát Ấn Độ là những nghề được ưu tiên hàng đầu khi bậc cha mẹ xem xét mai mối cho con cái họ. Nguyên nhân chủ yếu là tiền lương của các công việc này khá tốt, được đảm bảo và tạo được nhiều mối quan hệ.

Xếp hạng dưới là những công việc như bác sỹ, kỹ sư hay nhân viên của các công ty lớn.

Trái ngược lại, việc các startup gặp nhiều rủi ro khi trở thành một công ty chính thức, giờ làm việc không ổn định, mức thu nhập không được đảm bảo đang khiến cộng đồng startup Ấn Độ gặp khó khi tìm bạn đời.

Một cuộc khảo sát năm 2013 của Bowei Gan cho thấy tất cả các doanh nhân nam trong cộng đồng startup đều gặp khó khi tìm bạn đời bởi họ được ví như những nhà nghệ sĩ nghèo khi các tác phẩm chỉ có thể có giá trị trong tương lai chứ không phải hiện tại.

Muốn kết hôn, hãy ổn định

Anh Thirukumaran Nagarajan, một doanh nhân 31 tuổi trong cộng đồng startup Ấn Độ đã từng học được bài học đau đớn về hôn nhân. Mặc dù người đàn ông này có tấm bằng thạc sĩ (MBA) của một trường đại học danh giá, vốn thường là điểm cộng trong các cuộc xem mắt, nhưng điều này cũng chẳng giúp ích được gì nhiều.

“Cha mẹ tôi bị các bậc phụ huynh khác từ chối ngay cả khi lá số tử vi hay mọi thứ đều phù hợp, môn đăng hộ đối giữa 2 gia đình. Nguyên nhân là tôi làm việc trong cộng đồng startup và tôi muốn có sự nghiệp của riêng mình”, anh Nagarajan, cựu sinh viên trường đại học Kozhikode và là nhà sáng lập startup Ninjacart.

Hiện tại, thu nhập hàng năm của anh Nagarajan là 37.000 USD, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của một kỹ sư ngành kỹ thuật thông tin.

Anh Nagarajan cũng là người cho ra mắt ứng dụng gọi taxi TaxiForSure ở Bengaluru và được hãng Ola mua lại.

Bất chấp những yếu tố trên, cha mẹ của Nagarajan liên tục bị các gia đình khác hỏi rằng khi nào thì anh mới có một công việc “ổn định”.

“Trong các buổi xem mắt, tôi thường bị các bậc phụ huynh hỏi là TaxiForSure là cái gì? Tại sao họ chưa bao giờ nghe đến công ty này?”, anh Nagarajan nhớ lại.

Anh Avinash Saurabh, một doanh nhân 31 tuổi khác đang mở startup mang tên Zoojoo lại lâm vào một tình cảnh khác.

“Là một doanh nhân trong cộng đồng startup, bạn sẽ muốn đặt tên công ty mình theo cách đặc biệt. Tuy nhiên cha mẹ bạn gái tôi khi nghe xong tên công ty lại khá bất ngờ và hỏi đây là loại công ty gì và sao lại có tên buồn cưới vậy?”, anh Avinash Saurabh nói.

Thêm vào đó, anh Saurabh vẫn cần khoản trợ cấp 20.000 Rupee mỗi tháng để có thể tiếp tục xây dựng startup của mình và chính nguyên nhân này khiến phụ huynh bạn gái anh cho rằng con gái họ sẽ phải nuôi con rể nếu họ đồng ý cuộc hôn nhân.

Nhiều bậc phụ huynh Ấn Độ đã dành cả đời sự nghiệp cho mảng kinh tế công và sau đó là mảng kinh tế tư nhân trong các công ty lớn. Điều này khiến họ không thể hiểu được những mảng mới trong ngành kinh tế như cộng đồng startup.

Dẫu vậy, chuyện này khá dễ hiểu khi phong trào startup mới bùng nổ tại Ấn Độ vài năm trở lại đây và vẫn chưa được nhiều người dân đón nhận.

May mắn thay, những khoản đầu tư khủng và sự truyền bá của giới truyền thông đã khiến tình trạng hôn nhân của nhiều doanh nhân startup dễ thở hơn.

Theo truyền thông địa phương, ít nhất đã có 2 doanh nhân trong cộng đồng startup cảm thấy “có giá” hơn trong các cuộc xem mắt khi dự án khởi nghiệp của họ nhận được nhiều triệu USD đầu tư từ các quỹ mạo hiểm.

“Vấn đề ở đây không phải là tiền bạc. Việc các quỹ mạo hiểm đầu tư chứng tỏ rằng các starttup có giá trị nhất định và đảm bảo một sự nghiệp ổn định cũng như tương lai chắc chắn cho các cuộc hôn nhân”, anh Prashant Sharma, doanh nhân 27 tuổi và là nhà sáng lập startup ShotPitch cho biết.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM