Không phải đồng USD, đây mới là đồng tiền được nhà đầu tư thèm khát nhất trong lịch sử

16/06/2016 11:37 AM | Kinh tế vĩ mô

Cõ lẽ đồng USD không phải đồng tiền được nhà đầu tư “thèm khát” nhất hiện nay mà là đồng Franc Thụy Sĩ, nhưng việc đồng nội tệ tăng giá này chẳng khiến chính phủ Thụy Sĩ vui mừng chút nào.

Theo ước tính của giáo sư Peter Kugler tại đại học Basel-Thụy Sĩ, đồng Franc đã tăng giá bình quân 1% mỗi năm so với đồng USD và đồng Bảng Anh trong 100 năm qua.

Hiện đồng tiền này vẫn còn tiếp tục đà đi lên mạnh mẽ của mình bất chấp việc giá đồng USD đã hạ sau quyết định không tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Xu thế này đang ảnh hướng tiêu cực đến xuất khẩu của Thụy Sĩ cũng như gấy áp lực lên ngân hàng trung ương nước này (SNB), đặc biệt là khi Anh sắp bỏ phiếu xem có rời Liên minh Châu Âu (EU) hay không vào ngày 23/6 tới đây.

Ngân hàng Swissquote Bank nhận định việc Anh bỏ phiếu đồng ý rời bỏ EU sẽ khiến tình hình thị trường tại Thụy Sĩ trở nên hỗn loạn.


1 USD đổi được bao nhiều Franc?

1 USD đổi được bao nhiều Franc?

Mặc dù đồng nội tệ tăng giá có thể khiến người tiêu dùng Thụy Sĩ mua hàng nhập khẩu với giá rẻ hơn, nhưng cũng khiến sản phẩm xuất khẩu của nước này mất lợi thế cạnh tranh về giá. Thụy Sĩ là một nước nhỏ và phụ thuộc khá nhiều vào một số mặt hàng xuất khẩu ngoài ngành tài chính.

Hơn nữa, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) cũng gặp áp lực đạt mức lạm phát mục tiêu khi đồng Franc ngày càng mạnh như hiện nay, thậm chí qua đó thúc đẩy rủi ro giảm phát trong nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương SNB đã có một cuộc chiến dai dẳng nhằm giảm giá đồng Franc từ thập niên 70. Chính phủ Thụy Sĩ đã hạ lãi suất xuống mức âm, đồng thời tăng cường mua các loại tài sản nước ngoài để hạ giá đồng Franc. Tính đến nay, nước này đã mua vào khoảng 625 tỷ USD các loại trái phiếu chính phủ, cổ phiếu của các thị trường mới nổi hay các khoản trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc.

Dẫu vậy, tình hình chẳng khá hơn khi đồng Franc cứ từ từ đi lên suốt từ thập niên 70 đến nay. Nguyên nhân rất đơn gián, đồng Franc được coi là một trong những nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư và mỗi khi tình hình thị trường có biến động, nhà đầu tư lại đua nhau mua vào đồng tiền này.

Trên thực tế, đồng Franc không hề được sử dụng rộng rãi như đồng USD hay Euro, nhưng nhà đầu tư lại coi đồng tiền này như một loại tài sản quý hiếm có thể dữ trữ như vàng hay dầu mỏ.

Đồng Franc là đồng tiền được sử dụng rộng rãi thứ 5 trên toàn cầu cho các khoản vay quốc tế dù Thụy Sĩ chỉ là nền kinh tế lớn thứ 20, sau cả Ả Rập Xê Út.

Số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) năm 2014 cho thấy bình quân mỗi người dân Thụy Sĩ sẽ có khoảng 8.655 USD nếu chia tổng số tiền Franc đang lưu hành cho dân số và quy ra đồng USD. Con số này cao gấp đôi so với Mỹ. Trớ trêu thay, dù thừa tiền lưu thông trên thị trường nhưng đồng tiền này vẫn không hề hạ nhiệt.

Kể từ khi ngân hàng trung ương SNB được hình thành vào năm 1907, đồng Franc đã được nhiều nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ I và II, khi quốc gia này có ngành ngân hàng, tài chính phát triển mạnh cũng như quan điểm chính trị trung lập.

Đạo luật bản vị vàng (Gold Standard) được Mỹ thông qua vào năm 1900, theo đó đặt vàng trở thành bản vị duy nhất để đảm bảo cho việc phát hành tiền giấy. Đến năm 1933, đạo luật này chính thức bị hủy bỏ.

Sau đó, việc Mỹ bỏ đạo luật bản vị vàng và việc đồng tiền các nước Pháp, Italia mất giá càng khiến nhà đầu tư dồn vốn vào đồng Franc như là một nơi trú ẩn an toàn. Ngoài ra, việc Thụy Sĩ không tham gia EU cũng khiến đồng Franc có giá hơn đồng Euro.

Trong lịch sử, đồng Franc Thụy Sĩ không phải nơi trú ẩn an toàn duy nhất khi thỉnh thoảng đồng Yên Nhật Bản, đồng Krona Thụy Điển hay đồng USD Mỹ cũng đóng vai trò này.

Mặc dù vậy, chỉ duy nhất đồng Franc Thụy Sĩ có sức thu hút kỳ lạ với nhà đầu tư và luôn là loại tài sản an toàn đáng tin tưởng trong thời gian dài.

Trận chiến phá giá đồng nội tệ

Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn của đồng Franc?

Nguyên nhân đến từ nền kinh tế Thụy Sĩ, khi nước này có mức xếp hạng tín nhiệm AAA, nợ công thấp, chính trị ổn định, lạm phát thấp kỷ lục và thặng dư tài khoản vãng lai cao. Những nền kinh tế khác có đồng tiền thông dụng cũng có được một số đặc điểm trên, nhưng không thể đạt được tất cả như Thụy Sĩ.

Số liệu của BIS cho thấy tỷ giá bình quân của đồng Franc với các đồng tiền chủ chốt kể từ năm 2010 đến nay đã tăng 24%, mức tăng mạnh nhất trên thế giới.

Dẫu vậy, chính phủ Thụy Sĩ lại chẳng vui vẻ gì. Hãng Credit Suisse ước tính nền kinh tế nước này đã thiệt hại khoảng 13,5 tỷ USD trong năm vừa qua do đà tăng giá của đồng Franc. Nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải chịu thiệt hại và rơi vào tính huống dở khóc dở cười.

Tập đoàn Straumann Holding, một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nha khoa đã phải đề nghị nhân viên cũng như các quản lý tự nguyện cắt giảm tiền thưởng khi lợi nhuận của doanh nghiệp bị thiệt hại do chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng Franc. Thậm chí công ty này còn xem xét đề nghị nhân viên chuyển đến sống ở vùng biên giới giáp Đức và Pháp để có thể nhận lương bằng đồng Euro, qua đó tiết kiệm các khoản lỗ do tỷ giá.

Việc đồng Franc tăng giá đã khiến nhiều doanh nghiệp tại đây phải chuyển nhà kho sang các nước láng giềng như Đức, Pháp hay Italy nhằm tiết kiệm chi phí. Thậm chí, số người du lịch trượt tuyết ở lại khách sạn của Thụy Sĩ trong mùa đông vừa qua cũng giảm gần 4%.

Trong khi đó, chính sách lãi suất âm đang khiến các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm chịu áp lực vô cùng lớn khi họ phải tốn chi phí để có thể gửi tiền trong ngân hàng. Đồng thời, chính sách này cũng tạo ra nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản do người tiêu dùng được trả thêm tiền khi vay mua nhà.

Có vẻ như chính sách lãi suất âm của Thụy Sĩ không đem lại tác dụng mấy trong cuộc chiến phá giá đồng Franc. Cách đây 1 năm rưỡi, các ngân hàng thương mại phải trả SNB mức lãi suất 0,25% cho khoản dự trữ bắt buộc, hiện tỷ lệ này đã tăng lên 0,75%.

Ngân hàng trung ương SNB cũng đã từng thiết lập giới hạn tỷ giá cho đồng Franc nhằm hạn chế sự tăng giá của đồng nội tệ vào năm 2011. Tuy nhiên Thụy Sĩ đã phải dỡ bỏ chính sách này vào đầu năm 2015 do quốc gia này phải mua vào quá nhiều ngoại tệ để duy trì hệ thống giới hạn tỷ giá trên, qua đó tạo rủi ro cho ngân sách.

Trên thị trường trái phiếu, số liệu của Tradeweb cho thấy lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Thụy Sĩ đã giảm xuống mức kỷ lục (-0,474%) trong phiên giao dịch tuần trước do quá nhiều nhà đầu tư mua vào loại tài sản này. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm là (-0,01%) vào phiên 13/6, nghĩa là nhà đầu tư sẽ mất tiền nếu họ giữ các khoản trái phiếu này đến lúc đáo hạn.

Tuy nhiên, vì lý do bảo hiểm an toàn, dù mất tiền thì nhà đầu tư cũng sẵn lòng bỏ tiền cho đồng Franc cũng như trái phiếu Thụy Sĩ.

Trong năm ngoái, ngân hàng trung ương SNB đã mất khoảng 24 tỷ USD do giá trị tài sản bằng ngoại tệ mà họ nẵm giữ giảm giá khi đổi ra đồng Franc.

Sau những số liệu không mấy lạc quan về thị trường lao động Mỹ vào ngày 3/6 khiến FED lùi khả năng tăng lãi suất, đồng Franc ngay lập tức đã tăng 2%so với đồng USD, tăng 2% so với đồng Euro và 4% so với Bảng Anh.

Dường như tình hình đang ngày càng trớ trêu cho Thụy Sĩ cũng như ngân hàng trung ương SNB. Thậm chí CEO Nick Hayek của tập đoàn đồng hồ nổi tiếng thế giới Swatch Group cũng đã phải than vãn về tình trạng đồng Franc quá mạnh và chính phủ không thể làm gì nhiều để hạ nhiệt chúng.

“Ngân hàng trung ương của chúng tôi có vẻ như chẳng biết làm gì nữa để hạ nhiệt đồng Franc,” ông Hayek nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM