Không phải Covid-19, xu thế không kết hôn của giới trẻ mới đang là mối nguy cho kinh tế - xã hội Trung Quốc

02/02/2021 13:15 PM | Xã hội

Năm 2019, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm năm thứ 6 liên tiếp xuống còn 6,6 trên mỗi 1.000 người có kết hôn, tương đương mức giảm 33% trong khoảng 2013-2019. Đây là con số thấp nhất trong 14 năm trước đó.

Cách đây 2 năm, cô Joanne Su đã vô cùng lo lắng khi bước sang tuổi 30 mà vẫn chưa lấy chồng. Mặc dù làm cho một công ty xuất khẩu quốc tế tại Quảng Châu, có thu nhập ổn định và dành thời gian cuối tuần đi chơi cùng bạn bè nhưng gia đình cô Su vẫn rất lo lắng cho chuyện hôn nhân.

"Ở thời điểm đó, tôi cảm giác 30 tuổi là dấu mốc cho việc phải kết hôn vậy. Khi gần đến tuổi đó tôi cảm thấy rất áp lực từ gia đình lẫn bản thân cho việc tìm chồng", cô Su kể.

Thế nhưng khi đã 31 tuổi, cô Su cho biết việc cố cưới một người không thích để rồi ly hôn vài năm sau đó thật mất thời gian.

CNN: Không phải Covid-19, xu thế không kết hôn của giới trẻ mới đang khiến Trung Quốc lo lắng - Ảnh 1.

Câu chuyện của cô Su chỉ là một trong số vô vàn trường hợp tại Trung Quốc từ bỏ chuyện kết hôn. Trong vòng 6 năm, số người Trung Quốc kết hôn lần đầu đã giảm 46%, từ 23,8 triệu cặp đôi năm 2013 xuống chỉ còn 13,9 cặp đôi năm 2019.

Theo các quan chức và chuyên gia xã hội học, chính sách 1 con của chính phủ đã làm giới hạn dân số và lựa chọn kết hôn của giới trẻ. Tồi tệ hơn, chính sách này cũng làm thay đổi quan niệm hôn nhân của nữ giới khi họ đòi hỏi một vai trò lớn hơn trong xã hội, thay vì chỉ làm vợ.

Thậm chí nhiều người có tiếng nói trong giới nữ quyền còn mỉa mai những phụ nữ kết hôn theo tư tưởng truyền thống là "con lừa lấy chồng". Quan điểm này đang bị lệch lạc khi nhiều người coi việc bị đối xử bất công trong hôn nhân là bất bình đẳng và kêu gọi phụ nữ quay lưng lại với chúng. Tuy nhiên, việc từ bỏ hôn nhân lại đem đến hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho cả nền kinh tế lẫn xã hội Trung Quốc.

Chuyên gia Yang Zongtao của Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết tỷ lệ kết hôn giảm sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh, qua đó tác động đến phát triển kinh tế xã hội khi lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng giảm sút.

Thừa 30 triệu nam giới

Năm 2019, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm năm thứ 6 liên tiếp xuống còn 6,6 trên mỗi 1.000 người có kết hôn, tương đương mức giảm 33% trong khoảng 2013-2019. Đây là con số thấp nhất trong 14 năm trước đó.

Năm 2014, lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc suy giảm. Điều này đã buộc chính quyền Bắc Kinh hủy bỏ chính sách 1 con vào năm 2016 nhưng tỷ lệ kết hôn vẫn đi xuống.

Tỷ lệ sinh trong khoảng 2016-2019 đã giảm từ 13 trên 1.000 người xuống còn 10/1.000 người, cho thấy quan điểm và giá trị sống của giới trẻ Trung Quốc ngày nay đã hoàn toàn thay đổi.

CNN: Không phải Covid-19, xu thế không kết hôn của giới trẻ mới đang khiến Trung Quốc lo lắng - Ảnh 2.

Hiện Trung Quốc đang quá thừa nam giới và thiếu nữ giới, khiến quan điểm của giới trẻ ngày nay lệch lạc. Rất nhiều phụ nữ Trung Quốc hướng tới một cuộc sống vật chất mà bỏ qua những giá trị hôn nhân.

Theo số liệu chính thức, Trung Quốc hiện thừa khoảng 30 triệu nam giới và những người này sẽ rất khó kiếm vợ với quan điểm sống coi trọng vật chất hiện nay.

Khi phụ nữ đi lên

Phụ nữ Trung Quốc ngày nay được giáo dục tốt hơn, tự chủ về kinh tế hơn và có tiêu chuẩn cao hơn cho hôn nhân. Tuy nhiên quan điểm xã hội về nữ giới vẫn chưa theo kịp và tạo nên những xung đột trong hôn nhân.

Thập niên 1990, Trung Quốc thúc đẩy chương trình giáo dục bắt buộc và đưa những bé gài làng quê nghèo đến lớp học. Năm 1999, phụ nữ được hỗ trợ cho các chương trình giáo dục nâng cao và đến năm 2016, nữ giới đã vượt nam giới để chiếm 51,2% số sinh viên đại học và 50,6% sau đại học.

Việc được nâng cao tri thức và tự chủ về kinh tế khiến hôn nhân không còn quan trọng với nữ giới, cũng như khiến họ nâng cao tiêu chuẩn lấy chồng. Vậy nhưng xã hội Trung Quốc vẫn chưa thay đổi kịp khi nhiều nam giới và phụ huynh vẫn coi việc nội trợ và chăm con chỉ thuộc về nữ giới, kể cả khi họ đã có sự nghiệp riêng.

CNN: Không phải Covid-19, xu thế không kết hôn của giới trẻ mới đang khiến Trung Quốc lo lắng - Ảnh 3.

Sự vất vả khi vừa muốn làm việc lại phải chăm con khiến nhiều nữ giới ngại lấy chống. Thêm nữa, bất bình đẳng trong lao động khiến nhiều phụ nữ không thể duy trì sự nghiệp khi đã có con.

Tồi tệ hơn, văn hóa lao động bất chấp giờ giấc cùng áp lực công việc nặng khiến giới trẻ ngày nay chẳng còn thời gian tìm hiểu các mối quan hệ cũng như duy trì cuộc sống gia đình.

Số liệu chính thức cho thấy độ tuổi kết hôn lần đầu của Trung Quốc đã tăng mạnh ở cả 2 giới. Từ năm 1990 đến 2016, độ tuổi kết hôn bình quân của nữ giới đã tăng từ 22 lên 25, của nam giới là 24 lên 27. Thậm chí độ tuổi này tại các thành phố lên đã lên 28 cho phụ nữ và 30 cho đàn ông.

Chuyên gia xã hội học Wei Jub Jean Yeung cho biết sự đối lập giữa những phụ nữ có học thức, có thu nhập và cánh đàn ông ít học thu nhập thấp đã tạo ra khoảng cách vô cùng lớn. Theo truyền thống, phụ nữ có xu hướng tìm kiếm bạn đời học thức và thu nhập cao hơn mình để lấy còn nam giới lại muốn tìm bạn đời có vị thế thấp hơn.

Chính sự chênh lệch này đã kéo giãn khoảng cách hôn nhân và giảm tỷ lệ kết hôn của giới trẻ Trung Quốc.

Chi phí tăng cao

Một lý do nữa khiến giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn là chi phí sinh hoạt ngày một cao. Nhiều cặp đôi Trung Quốc thậm chí chẳng đủ tiền mua nhà, một ưu tiên cho những người muốn kết hôn, trong khi các bậc phụ huynh thì không đủ tiền tiết kiệm để trợ giúp.

Thêm vào đó, tiêu chuẩn sống ngày một cao khiến giới trẻ Trung Quốc đòi hỏi nhiều hơn cho cuộc sống gia đình và rất nhiều thành phần nghèo khó bị bỏ rơi vì không đủ tiền.

"Mọi thứ liên quan đến hôn nhân đều dính đến tiền nhưng tôi thì lại chẳng kiếm được tiền nhanh đến như vậy", cô Joanna Wang, một sinh viên 24 tuổi tại Trung Quốc đã có bạn trai 3 năm ngậm ngùi nói.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM